Thống kê truy cập

3549704
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2542
28392
89349
3549704

Phòng trừ bệnh bạc lá hại lúa

Bệnh bạc lá hay cháy bìa lá lúa gây hại phổ biến ở khắp các nước trồng lúa trên thế giới.          

 Ở nước ta bệnh bạc lá thường xuyên phá hại ở các vùng trồng lúa, trên các giống lúa có năng suất cao.

 Hiện nay, toàn vùng các tỉnh phía Nam có 17.877 ha lúa bị nhiễm bệnh, tỷ lệ bệnh phổ biến từ  10 - 20%. Các tỉnh có bệnh xuất hiện bệnh như  Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Bà Rịa - VT….

Tại Lâm Đồng, bệnh thường xuất hiên rải rác, mức độ gây hại nhẹ. Tuy nhiên, vụ Hè Thu năm 2014 bệnh xuất hiện và gây hại cục bộ tại Đạ Tẻh trên diện tích 25 ha, TLH:50-88%

Để chủ động phòng, chống bệnh bạc lá hại lúa, Chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh bạc lá hại lúa như sau:

Triệu chứng

Bệnh bạc lá lúa phát sinh và gây hại suốt từ thời kỳ mạ đến chín nhưng có triệu chứng điển hình giai đoạn đứng cái-trỗ.

Trên lúa vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở mép lá và mút lá, sau lan dần vào phiến lá hoặc lan thẳng xuống gân chính. Một số trường hợp vết bệnh có khi bắt đầu ở ngay giữa phiến lá. Vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng hoặc thẳng đứng, mô bệnh xanh tái, vàng lục, cuối cùng khô đi.

Trên một số ruộng lúa bón nhiều đạm thì vết bệnh thể hiện nhanh, phiến lá đột ngột khô tái đi, lá mất sắc bóng, khô sác, nâu bạc rồi chết lụi.

Mặt dưới lá lúa ở chỗ bị bệnh thấy xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn tròn màu hơi trắng, sau giọt dịch rắn keo lại và có màu nâu.

Bệnh bạc lá vi khuẩn do vi khuẩn  Xanthomonas campestris pv oryzae gây ra

 Cần phân biệt với bệnh đốm sọc trong vi khuẩn (Xanthomonas campestris pv oryzicola):

Bệnh xuất hiện trên lá là những sọc nhỏ, ngắn. Lúc đầu có màu lục dọc theo gân lá, dần dần đoạn giữa chuyển sang màu vàng nâu, nâu sẫm hoặc vàng sáng trắng. Trong điều kiện ẩm ướt, trên bề mặt sọc nâu tiết ra những giọt dịch nhỏ, tròn, về sau khô rắn thành viên keo vi khuẩn trong như giọt trứng cá. Cuối cùng lá bệnh khô táp tương tự như bệnh bạc lá vi khuẩn.

                    Bệnh bạc lá hại lúa                                                       Bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa

     Xanthomonas campestris pv oryzae                                 Xanthomonas campestris pv oryzicola

Nguyên nhân gây bệnh, điều kiện để phát sinh, phát triển và gây bệnh

 Bệnh bạc lá vi khuẩn do vi khuẩn  Xanthomonas campestris pv oryzae gây ra.

Vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa chủ yếu qua những lỗ hở tự nhiên như khí khổng hoặc các vết thương xây xát. Nguồn vi khuẩn tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh vùi lấp trong đất, cỏ dại.

Trong những giọt dịch trên vết bệnh có chứa đầy những vi khuẩn, gặp nước mưa, gió bão, nước sương sẽ lây lan nhanh chóng. Sự phát sinh phát triển của vi khuẩn phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, chế độ canh tác và giống lúa.

 Nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn xâm nhiễm từ 24 - 32 độ C, ẩm độ cao trong những đợt mưa gió nhiều vào lúc cây lúa từ giai đoạn làm đòng trở đi là giai đoạn mẫn cảm với bệnh.

Sự phát triển và tác hại của bệnh phụ thuộc vào giống lúa và đặc biệt phụ thuộc vào các điều kiện canh tác như chế độ bón phân, tưới nước, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Các giống lúa đẻ nhánh tập trung, giai đoạn đòng – trỗ tiến hành nhanh, lá nhỏ thường có tính chống chịu bệnh cao hơn.

 Ở những vùng đất trũng, úng ngập nước hoặc mực nước sâu, đất màu mỡ, nhiều chất hữu cơ bệnh thường phát sinh mạnh hơn.

Nếu bón đạm quá sớm hoặc quá muộn cũng làm cho bệnh dễ dàng phát sinh và phát triển. Nhìn chung bón phân nặng đầu và nhẹ cuối bệnh ít phát triển, bón cân đối N -P - K từ giai đoạn làm đòng trở đi bệnh sẽ giảm.

 Biện pháp phòng trừ

Bệnh bạc lá là một bệnh rất khó diệt trừ vì nó có liên quan chặt chẽ với nhiều yếu tố : thời tiết, phân bón, giống, đất, nước...Vì vậy biện pháp cơ bản là phòng bệnh bao gồm :

Áp dụng các biện pháp canh tác thích hợp, vệ sinh đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến “3 giảm 3 tăng”, 1 phải 5 giảm, không gieo sạ quá dày.

Sử dụng giống chống chịu bệnh bạc lá.

Mật độ gieo sạ vừa phải (120kg/ha). Bón phân đầy đủ, cân đối, bón đạm tập trung vào giai đoạn đầu, bón nhẹ ở giai đoạn cuối, tăng cường bón phân ka li,.

Điều chỉnh mực nước trong ruộng thích hợp từ 5-10cm. Khi bệnh chớm phát sinh cần khống chế mực nước, thậm chí phải tháo cạn 2 – 3 ngày.

 Khi bệnh chớm xuất hiện dừng ngay bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Kasugamycin (Karide 3SL, 6WP); Gentamycin sulfate+ Ningnanmycin+ Streptomycin sulfate (Riazor Gold 110WP); Oxolinic acid  (Staner 20WP); Kasugamycin (Kasumin); Copper Oxychloride + Streptomycin (Bactocide12WP). Khi sử dụng đảm bảo nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc.

                                                                                                                                 Trần Thị Cúc

Các tin khác