Bệnh thối trái dâu tây tại Đà Lạt và biện pháp phòng trừ
- Được viết: 19-06-2013 11:13
I. Tình hình chung
Dâu tây là cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao được người dân và du khách rất ưa chuộng.
Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng; tính đến tháng 5/2013 diện tích dâu tây được trồng 80ha. Trong đó tại TP Đà Lạt (60ha) và huyện Lạc Dương (20ha). Giống dâu tây chủ yếu được trồng là giống Mỹ Đá, ngoài ra còn một số giống khác: Langbian, Mỹ thơm, Pháp, Newzeland). Hiện nay, do mưa nhiều, nhiệt độ cao, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên dâu tây, đặc biệt là bệnh thối trái gia tăng và gây hại mạnh. Hiện tại, diện tích nhiễm thối trái là 36 ha, mức hại trung bình – nặng, TLH: 16-38 %. Trong đó 12 ha bị hại nặng (TLH 32-38 %).
Bệnh thối trái dâu tây do nhiều tác nhân gây ra. Tuy nhiên, tác nhân chính là: bệnh mốc xám (Botrytis cinerea); bệnh đốm đen (Colletotrichum acutatum); bệnh cao su (Phytophthora cactorum).
Một số tác nhân khác (bệnh xì mủ (Xanthomonas fragariae); bệnh đốm đỏ (Mycosphaerella fragariae); bệnh phấn trắng (Sphaerotheca macularis) hiện chủ yếu gây hại trên lá. Bệnh chỉ xuất hiện rải rác trên trái, mức độ và thiệt hại không đáng kể.
II. Đặc điểm của bệnh thối trái
1. Bệnh mốc xám (Thối trái do nấm Botrytis cinerea)
- Nấm Botrytis cinerea chủ yếu gây hại ở giai đoạn quả chín. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở cuống quả. Biểu hiện ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu sáng xen kẽ màu nâu đỏ xuất hiện, sau đó lan rộng ra cả trái. Khi gặp điều kiện ẩm ướt phần bị bệnh thối mềm, trên vết bệnh bao phủ lớp nấm màu trắng bao gồm các sợi nấm đâm ra tua tủa. về sau lớp nấm chuyển màu mốc xám đến nâu đen.
- Toàn bộ đài hoa và cuống hoa cũng bị thối đen
- Hoa và trái non cũng có thể bị nhiễm bệnh.
- Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ cao, sáng có sương mù, mưa nắng thất thường. Trong điều kiện đó bào tử phát sinh và lây lan mạnh
2. Bệnh cao su (Thối trái do nấm Phytophthora cactorum)
- Nấm Phytophthora cactorum gây hại trên cả trái mới hình thành, trái còn non và trái chín.
- Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện từ phía dưới của trái. Đầu tiên vết bệnh chuyển màu. Trái còn non và trái xanh bị chuyển sang màu nâu xám và có biểu hiện khô cứng. Trái già chuyển sang màu trắng tái, màu đỏ hoặc hơi nâu và hơi mềm. Trái bị bệnh trở nên khô, teo nhỏ lại và dai như cao su. Khi thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, trên phần bị bệnh xuất hiện lớp nấm mỏng mầu trắng.
- Khi bệnh nặng toàn bộ chùm hoa, trái nhỏ, trái lớn đều bị hại hoàn toàn.
- Phần cuống hoa và đài hoa vẫn còn màu xanh bình thường, không có biểu hiện bị chuyển màu hay bị thối đen.
- Bệnh lây lan và phát triển nhanh vào mùa mưa và ẩm độ không khí cao.
3. Bệnh đốm đen (do nấm Colletotrichum acutatum)
- Bệnh thường gây hại trên trái thời kỳ trước khi chín – chín.
- Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu đen xuất hiện rải rác trên bề mặt trái. Sau đó các đốm nhỏ lớn dần. Vết bệnh hơi lõm xuống và xung quanh có gờ rất rõ.
- Các vết bệnh lan rộng và nối liền nhau làm toàn bộ trái bị thối mềm.
- Phần cuống hoa và đài hoa vẫn còn màu xanh bình thường. Trên đài hoa có thể xuất hiện các đốm bệnh nhỏ màu nâu đen có vòng tròn đồng tâm.
- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, đặc biệt trong trường hợp bón quá nhiều đạm.
III. Biện pháp phòng trừ
- Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để quản lý bệnh thối trái dâu.
- Trồng cây giống sạch bệnh.
- Trồng cây với mật độ vừa phải, không trồng quá dầy. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tỉa lá tỉa chồi đảm bảo cho vườn dâu thông thoáng, thu gom tàn dư cây bệnh (lá, trái…) mang ra khỏi ruộng tiêu hủy.
- Vườn dâu bố trí hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Luôn giữ cho ẩm độ của vườn dâu vừa phải, tránh để vườn quá ẩm ướt.
- Bón phân đầy đủ, cân đối, tăng cường bón bổ sung phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh và thường xuyên duy trì độ pH trên ruộng dâu ở mức từ 6-6.5.
- Biện pháp hóa học: Trái dâu tây thường sử dụng ăn sống ngay sau khi thu hoạch, vì vậy khi sử dụng thuốc BVTV cần sử dụng các loại thuốc nhóm độc III và IV, đồng thời đảm bảo thời gian cách ly ngắn (2-3 ngày) để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
+ Đối với bệnh mốc xám (Botrytis cinerea): sử dụng một số loại thuốc sau BVTV đã đăng ký trong danh mục: Streptomyces lydicus WYEC 108 ((Actinovate 1 SP), Streptomyces lydicus ((Actino-Iron 1.3 SP), Chitosan (Stop 3SL).
Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Chlorothalonil, Cytokinin.
+ Đối với bệnh đốm đen (Colletotrichum acutatum): do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục được phép sử dụng để phòng trừ bệnh đốm đen hại dâu tây, vì vậy có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Trichoderma viride, Acrylic acid + Carvacrol, Streptomyces lydicus WYEC 108, Chlorothalonil, Copper Hydroxide.
Propineb; Azoxystrobin; Carbendazim.
+ Đối với bệnh cao su (Phytophthora cactorum): do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục được phép sử dụng để phòng trừ bệnh thối trái hại dâu tây, vì vậy có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau Azoxystrobin; Chitosan); Cytokinin; Cytosinpeptidemycin; Ningnanmycin; Copper Hydroxide; Metalaxyl, Fosetyl Aluminium; Mancozeb.
Trần Thị Cúc
Các tin khác
- Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ - 30/09/2014
- Tình hình sâu đục thân mình trắng hại cà phê chè tại Đà Lạt năm 2013 và biện pháp phòng trừ - 01/07/2013
- Công văn số 1602/BVTV-TV ngày 26/7/2013 của Cục Bảo vệ thực vật về việc phòng chống bệnh bạc lá lúa - 26/07/2013
- Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Đam Rông - 27/10/2013
- Tình hình sâu đục quả mít tại Đam Rông và biện pháp phòng trừ - 27/05/2013
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ ruồi vàng hại mít tại Lâm Đồng - 27/05/2013
- Hiện tượng rụng trái cà phê tại xã Tam Bố, huyện Di Linh - 18/07/2014
- Một số dịch hại mới trên cây cà chua tại Lâm Đồng - 28/06/2013
- Biện pháp cưa, cắt tỉa cành phục hồi cà phê bị sương muối - 19/03/2015
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại Lâm Đồng - 22/03/2013
- Bệnh thối trái cà chua và biện pháp phòng trừ - 15/09/2014
- Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa tại Lâm Đồng - 04/07/2014
- Thông tin về tình hình ve sầu mới gây hại cà phê - 28/06/2013
- Tập huấn hướng dẫn biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối trên cà phê chè - 18/03/2015
- Sâu gây u bướu cây sao đen (Cydia sp.) tại Lộc Bắc - 16/05/2017
- Quy trình quản lý tổng hợp bệnh Phytophthora và bọ xít muỗi hại ca cao - 03/09/2014
- Tình hình lúa bị vàng lá, chậm phát triển và biện pháp khắc phục tại huyện Đam Rông - 31/03/2015
- Hơn 600 ha cây trồng bị sương muối gây hại tại Lạc Dương - 14/03/2015
- Bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự và biện pháp phòng trừ - 19/06/2014
- Phòng trừ sâu xanh đục trái (Heliothis armigera) hại cây cà chua - 08/05/2015