Thống kê truy cập

4531787
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2865
32735
26746
4531787

Bệnh đốm héo rau xà lách scarole tại Đà Lạt

Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang xuất hiện tình trạng xà lách scarole bị bệnh đốm héo với mức độ và diện tích bị hại ngày càng gia tăng. Thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế Đà Lạt đến nay đã có khoảng 17ha nhiễm bệnh (10,5ha nhiễm nặng, TLH 15 – 60%). Các khu vực bị hại phổ biến là các vùng trọng điểm về sản xuất Scarole gồm Thánh Mẫu, Đa Phú, Phước Thành – phường 7 – Đà Lạt.

Cây bị hại có triệu chứng thấp lùn, phát triển không đều, thường méo và lệch  về một phía, các lá phía trong xuất hiện các vết lốm đốm vàng (dạng khảm), lá búp thường nhỏ và xoăn lại. Một số cây có hiện tượng cháy khô rìa mép lá, xung quanh xuất hiện nhiều đốm màu nâu xám, kiểm tra bộ rễ cây phát triển bình thường. Trên các vườn bị nhiễm bệnh có xuất hiện rầy mềm mật số từ 1 – 3 con/cây.

Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây scarole từ 20 ngày sau trồng trở đi, cây bị bệnh xuất hiện thành từng đám rải rác trên vườn, một số diện tích bị hại sớm ngay ở giai đoạn 20 ngày sau trồng, cây không phát triển, lụi dần, nông dân buộc phải nhổ bỏ.

  

  

                                Hình ảnh bệnh đốm héo trên cây xà lách scarole tại Đà Lạt

Qua nghiên cứu và tham khảo các tài liệu về sâu bệnh gây hại cây xà lách, cùng với các triệu chứng biểu hiện ngoài đồng ruộng như lá khảm vàng, cây thấp lùn, méo mó, còi cọc, Chi cục Trồng trọt & BVTV Lâm Đồng xác định bệnh đốm héo hại xà lách scarole tại Đà Lạt có thể do virus gây ra. Hiện Chi cục đã lấy mẫu gửi Viện Công  nghệ sinh học – Đại học Nông lâm Tp HCM để xác định loài virus gây hại.

Tùy từng loài virus, bệnh có thể lan truyền qua  hạt giống, côn trùng môi giới là rầy rệp hoặc bọ trĩ. Để ngăn ngừa, hạn chế sự lây lan và gây hại của bệnh, Chi cục hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ bệnh đốm héo scarole như sau:

-  Đối với vườn sản xuất cây giống xà lách scarole

+ Thường xuyên kiểm tra tình hình gây hại của bệnh đốm héo tại vườn ươm, nếu có triệu chứng phải nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ lô giống không để nguồn bệnh lây lan ra ruộng sản xuất.

+ Các vườn ươm sản xuất nhiều loại giống rau hoa, phải quản lý kỹ nhóm côn trùng chích hút như rầy rệp, bọ trĩ, vệ sinh dụng cụ gieo ươm để tránh lây lan nguồn bệnh từ cây này qua cây khác vì cây hoa cúc cũng là ký chủ virus.

+ Chú ý chế độ vệ sinh đối với lao động tại vườn ươm trước khi ra vào vườn ươm tránh để mầm bệnh từ ngoài đồng lây lan vào vườn ươm.

Kiểm soát kỹ nguồn hạt giống trước khi gieo ươm để đảm bảo không theo mầm bệnh virus.

-  Đối với vườn trồng Scarole

Nhóm bệnh do virus đến nay chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy bà con nông dân cần chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Cụ thể:

      * Biện pháp canh tác:

Hạn chế sản xuất giống xà lách scarole tại các vùng đang nhiễm nặng bệnh đốm héo như khu vực Thánh Mẫu, Đa Phú, Phước Thành – phường 7 để tránh thiệt hại cho sản xuất. Nên chuyển đổi sang một số cây trồng khác không phải là ký chủ của các nhóm bệnh virus như rau họ thập tự, hành.

- Không luân canh cây xà lách Scarole với cây hoa cúc vì cùng là ký chủ của virus.

- Đối với các vườn nhiễm nặng bệnh đốm héo phải nhổ và thu gom toàn bộ cây bị bệnh, tiêu hủy tập trung bằng phương pháp đào hố, chôn, rải vôi hoặc phơi khô đốt xa khu vực trồng để tránh lây lan nguồn bệnh sang các khu vực xung quanh.

- Đối với các vườn nhiễm nhẹ, các diện tích xà lách scarole mới trồng phải thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện cây bị bệnh phải nhổ bỏ và tiêu hủy sớm. Tuyệt đối không vứt bỏ cây bị bệnh xuống mương máng hoặc chất lên bờ ruộng.

- Nên kiểm tra cây giống trước khi trồng, chỉ nên trồng các lô giống không có triệu chứng nhiễm bệnh tại các cơ sở ươm giống có uy tín.

- Nhiều loài cỏ dại là ký chủ của virus vì vậy cần nhổ bỏ, tiêu hủy triệt để cỏ dại trong vườn và xung quanh bờ ruộng để hạn chế nơi cư trú của dịch hại khi hết vụ thu hoạch.

       * Biện pháp hóa học

- Quản lý tốt môi giới truyền bệnh virus gồm rệp và bọ trĩ (nếu có): Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu phát hiện rầy rệp cần phòng trừ kịp thời. Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc đăng ký phòng trừ rầy rệp hại xà lách, có thể tham khảo và luân phiên sử dụng các hoạt chất sau Abamectin, Imidacloprid; Azadirachtin, Chlorantraniliprole;  Thiamethoxam.

                                                                                                                                                                                              Phòng Bảo vệ thực vật

  

Các tin khác