Tình hình gây hại của bệnh héo rũ trên cây hoa cẩm chướng tại Đà Lạt
- Được viết: 03-03-2016 14:55
Thành phố Đà Lạt hiện có 95ha hoa cẩm chướng được trồng rải rác tại một số khu vực như phường 5, phường 7, 8,11,12. Đây là một trong những loài hoa có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc mở rộng diện tích canh tác loại cây trồng này còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề quản lý dịch hại đặc biệt là bệnh héo rũ gây hại có thể dẫn đến chết cây hàng loạt.
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục BVTV và Trung tâm nông nghiệp Đà Lạt, hiện nay bệnh héo rũ hoa cẩm chướng đang gây hại trên diện tích 1,1 ha tập trung tại khu vực sân bay Cam Ly- Vạn Thành – phường 5 – Đà Lạt (trong đó cục bộ có 0,5ha nhiễm nặng, tỷ lệ cây chết từ 30 - 80%cây). Bệnh có thể gây hại từng nhánh hoặc cả cây, ban đầu toàn bộ thân, lá bị héo rũ sau chuyển dần sang màu vàng hoặc nâu vàng và khô dần, phần thân sát gốc bị khô, thâm đen và mục nát, sau đó cây chết hoàn toàn. Bệnh héo rũ gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây hoa cẩm chướng từ khi trồng mới đến lúc thu hoạch.
Nguyên nhân gây bệnh héo rũ cẩm chướng do tổ hợp nấm (Fusarium sp., Pythium sp., Rhizhoctonia sp.) gây ra. Do thời gian sinh trưởng của hoa cẩm chướng kéo dài (từ trồng - kết thúc thu hoạch khoảng 1,5 năm) nên mật độ bào tử tích luỹ gây hại nặng hơn vào thời kỳ thu hoạch bông.
Ngoài ra tại các vườn cẩm chướng bị bệnh héo rũ, có xuất hiện siêu nhân (Scutigerella immaculata Newport) với mật số trung bình từ 1 – 2 con/cây. Đây là đối tượng cắn phá rễ cây nhưng ở mật độ thấp và cây cẩm chướng đã ở giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi không có khả năng gây chết cây. Siêu nhân chỉ là đối tượng môi giới tạo vết thương để các nấm bệnh xâm nhiễm và gây hiện tượng thối gốc rễ.
Hình ảnh: Bệnh héo rũ cẩm chướng do Fusarium sp., Pythium sp., Rhizhoctonia sp.
Bệnh héo rũ là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm và có xu hướng lây lan nhanh nếu không phòng trừ sớm ngay từ đầu vụ. Phần lớn các diện tích bị bệnh héo rũ gây hại nặng, người dân chưa xác định được nguyên nhân do đó việc áp dụng các biện pháp phòng trừ chưa hiệu quả. Để quản lý tốt bệnh héo rũ trên cây hoa cẩm chướng, Chi cục BVTV Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật sau:
* Biện pháp canh tác
- Sử dụng cây giống sạch bệnh từ các vườn ươm, cơ sở nuôi cấy mô có uy tín và đảm bảo tiêu chuẩn cây giống xuất vườn theo quy định.
- Vệ sinh đồng ruộng triệt để sau mỗi vụ thu hoạch, thường xuyên nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị bệnh.
- Luân canh cây trồng, không trồng liên tục cây hoa cẩm chướng nhiều vụ /01 chân đất.
- Mật độ trồng hợp lý: Không trồng quá dày, chỉ nên trồng với mật độ từ 200.000 – 220.000 cây/ha để vườn thông thoáng.
- Làm đất kỹ trước khi trồng, vườn trồng phải có chế độ thoát nước tốt.
- Bón vôi đảm bảo đất trồng có độ pH từ 6,5-7
- Bón phân: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục (10 – 12m3/1000m2) kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma (TRICÔ-ĐHCT 108 bào tử/g), liều lượng 8 – 15kg/1000m2) để hạn chế sự gây hại của bệnh.
* Biện pháp hoá học
- Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện hành chưa có thuốc BVTV đăng ký phòng trừ bệnh héo rũ hoa cẩm chướng. Có thể tham khảo biện pháp xử lý xông hơi, khử trùng đất trước khi trồng bằng thuốc Basamid Granular 97MG (hoạt chất Dazomet), liều lượng 50kg/sào (kỹ thuật xử lý theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất).
- Nếu vườn xuất hiện rải rác cây cẩm chướng bị bệnh héo rũ, cần nhổ bỏ, tiêu huỷ kịp thời và tham khảo phòng trừ bằng một trong các loại thuốc hoạt chất Iprodione (Viroval 50WP) hoặc Fosetyl Aluminum (Aliette 80WP); Validamycin (Valivithaco 3 SC)để hạn chế lây lan.
Phòng kỹ thuật
Các tin khác
- Tác nhân gây bệnh héo vàng hoa cúc và bệnh đốm héo xà lách tại thành phố Đà Lạt - 17/05/2017
- Tình hình gây hại và một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhóm côn trùng chích hút trên cây hoa cúc - 29/02/2016
- Một số dịch hại mới trên cây cà chua tại Lâm Đồng - 28/06/2013
- Bệnh đốm héo rau xà lách scarole tại Đà Lạt - 15/05/2017
- Biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng hại cây hoa hồng - 02/06/2015
- Bệnh đạo ôn gây hại nặng tại Đạ Tẻh - 10/10/2012
- Ốc bươu vàng hại lúa vụ Hè - Thu 2013 và Biện pháp phòng trừ - 08/05/2013
- Rệp sáp (Pseudococcus sp.) gây hại cà phê tại Lâm Đồng và biện pháp phòng trừ - 20/05/2013
- Tập huấn hướng dẫn biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối trên cà phê chè - 18/03/2015
- Ứng dụng của bẫy đèn phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại huyện Đạ Huoai - 27/05/2013
- Hiện tượng héo vàng hoa cúc tại thành phố Đà Lạt - 26/04/2017
- Bệnh thối trái cà chua và biện pháp phòng trừ - 15/09/2014
- Đã định danh loài chân đốt (siêu nhân) gây hại rau tại Đà Lạt - 09/10/2015
- Tình hình bệnh sưng rễ hại cây họ thập tự tại Lâm Đồng và Biện pháp phòng trừ - 15/05/2013
- Một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhóm côn trùng chích hút hại hoa hồng mùa khô năm 2014 tại thành phố Đà Lạt - 21/03/2014
- Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ - 30/09/2014
- Lễ phát động thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng nhiễm bệnh xoăn lá Virus tại xã Ka Đơn, Tu Tra - huyện Đơn Dương - 22/09/2016
- Bệnh héo xanh hại cây họ cà - 27/10/2013
- Tảo đỏ hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ - 20/08/2015
- Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Đam Rông - 27/10/2013