Thống kê truy cập

4346984
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
911
18244
54577
4346984

Tình hình sâu đục thân mình trắng hại cà phê chè tại Đà Lạt năm 2013 và biện pháp phòng trừ

I. Tình hình chung

1.Tình hình sản xuất cà phê tại Đà Lạt

Theo số liệu báo cáo của TTNN Đà Lạt tháng 6/2013, hiện nay tổng diện tích trồng cà phê tại Đà Lạt là 3.460 ha. Trong đó, chủ yếu là cà phê chè (Catimor) trồng tại xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành và 440 ha cà phê vối (Robusta) trồng ở xã Tà Nung. Cà phê có tuổi  từ 1- 4 năm khoảng 140 ha, còn lại chủ yếu từ 5-12 năm tuổi. 

Mật độ trồng cà phê chè phần lớn là 1,2m x 1,5m, có hộ trồng từ 1,2 m x 1,2-1,5m, tương đương 5.000-6.000 cây/ha. Hầu hết các vườn cà phê chè không có cây che bóng, diện tích được trồng cây che bóng  (cây bơ, hồng ăn trái) rất ít, khoảng 40 ha rải rác ở một số nơi. Phần lớn nông dân để cây phát triển tự nhiên, ít tỉa cành tạo tán để cây phát triển cân đối.

Nông dân thường xuyên chú ý chăm sóc cà phê như bón phân, phòng trừ dịch hại. Tuy nhiên, nhiều nông dân thực hiện chưa đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV chưa đúng lúc, chưa đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại nhiều nơi chưa cao, trong đó sâu đục thân hiện đang là đối tượng gây hại ở các khu vực trồng cà phê chè của TP Đà Lạt.

 

Cây cà phê Catimor bị sâu đục thân mình trắng gây hại

2. Diễn biến sâu đục thân gây hại trong thời gian qua

Tại Đà Lạt, sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes) xuất hiện và gây hại trên cây cà phê chè từ lâu, hàng năm thường có 2 đợt chính, trưởng thành vũ hóa vào tháng 4-5 và tháng 10-11.

Năm 2004 đã có 1.500 ha cà phê chè bị hại (tại xã Xuân Trường), Chi cục BVTV phối hợp với TTNN Đà Lạt tổ chức chống dịch, những năm sau chúng gây hại rải rác ở mức nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cà phê bị sâu đục thân gây hại có chiều hướng gia tăng:

- Năm 2011, sâu đục thân chủ yếu gây hại mạnh vào tháng 8-9 diện tích hại 1.500 ha (600 ha nặng có tỉ lệ trên 30% cây hại trong tháng 9) tại khu vực xã Xuân Trường và Tà Nung.

- Năm 2012, gây hại mạnh vào tháng 5-6, đợt 2 vào tháng 11, diện tích 1580 ha, mức độ gây hại nhẹ đến trung bình.

Trong năm 2011 và năm  2012 chi cục BVTV Lâm Đồng đã phối hợp với TTNN Đà Lạt tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu đục thân cho nông dân.

- Năm 2013, do thời tiết biến đổi nhiều, nhiệt độ tăng, sâu đục thân gây hại mạnh từ giữa tháng 3 (440 ha) và có xu hướng tăng mạnh từ giữa tháng 6, gây hại ở các khu vực trồng cà phê chè, đến nay qua điều tra của chi cục BVTV và TTNN Đà Lạt có 2.085 ha bị hại, trong đó có 979 ha bị hại nhẹ, trung bình 709 ha và hại nặng 397 ha (tại xuân Trường 242 ha, Trạm Hành 93 ha, Tà Nung 62 ha).

II. Đặc điểm hình thái, nguyên nhân và tập quán sinh sống, gây hại của sâu đục thân mình trắng

1. Đặc điểm hình thái

- Trứng màu trắng ngà. Giai đoạn trứng kéo dài từ 5-11 ngày

- Sâu non có màu trắng ngà, không có chân, toàn thân có nhiều đốt, răng cứng khỏe. Sâu non có 6 tuổi, giai đoạn sâu non kéo dài150-180 ngày.

- Sâu non hóa nhộng trong thân, nhộng trần, màu vàng nâu. Giai đoạn nhộng từ 10-30 ngày.

- Trưởng thành là loài xén tóc nhỏ, màu xanh đen. Trên cánh trước có nhiều vệt vàng. Khi hai cánh ghép lại, các vệt vàng phía trước treo ngược.

- Vòng đời của sâu đục thân kéo dài khoảng 200- 210 ngày.

- Trong một cây có thể có một con hoặc nhiều sâu non, trung bình có từ 5-10 con, sâu phân bố trong thân từ gốc đến đoạn thân chính

2. Tập quán sinh sống và gây hại

- Sau khi vũ hóa, trưởng thành nằm lại trong thân cây từ 2-5 ngày, chờ điều kiện thuận lợi mới bay ra hoạt động.

- Trưởng thành thường giao phối vào buổi sáng, ưa hoạt động ở những nơi có nhiều ánh sáng. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào vào những vườn cây quang đãng, nhiều ánh sáng trực xạ, thân cây bị nứt nẻ nhiều, vườn cây không có cây che bóng. Thời gian đẻ trứng kéo dài từ 1 - 15 ngày. Lượng trứng đẻ nhiều nhất vào tháng 4,5 hàng năm.

- Trứng được đẻ rải rác từng quả hoặc có thể hàng chục quả ở một nơi. Trứng thường được đẻ vào chỗ mặt cành, hoặc vết nứt của đoạn gốc và giữa thân. Trung bình một con cái có thể đẻ 80 trứng, tối đa 360 trứng.Giai đoạn trứng kéo dài 5 – 11 ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ.

- Sau khi nở từ 1-2 ngày thì đục vào vỏ cây. Trong khoảng 25 ngày sâu non đã đục vào trong phần gỗ của cây. Đường đục ngoằn ngèo, tiện ngang các mạch gỗ, sâu đục đến đâu chúng đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó, có thể đục lên phía trên ngọn hay đục xuống phía dưới gốc, sâu non đẫy sức (tuổi 5,6) thường đục một đường đi lên phía trên thân cây, lệch ra phía ngoài vỏ cây và nằm quay đầu trở ra phía ngoài để hóa nhộng.

- Sâu đục thân chủ yếu gây hại trrên giống cà phê chè. Chúng thường gây hại trên các giai đoạn sinh trưởng của cây từ sau trồng một năm trở lên. Tuy nhiên, cây cà phê càng già thì càng bị hại nặng. Tại Đà Lạt, cây tử 5 năm tuổi trở lên thường bị hại nặng. Hàng năm, sự xuất hiện và gây hại của sâu đục thân trên vườn cà phê là liên tục., lúc nào cũng có thể gặp các pha phát dục của sâu trên đồng ruộng. - Sâu non có thể sống trong cây tới 3 tháng sau khi đã cưa cây. Sâu thường gây hại nặng vào tháng 4-tháng 6 và tháng 10-tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên trong vụ từ tháng tháng 4-tháng 6 thường bị hại nặng hơn vụ tháng 10-tháng 11.

- Cây bị hại thường vàng úa, cằn cỗi và héo, trong khi các cành phía dưới vẫn xanh tốt và có dấu hiệu phát triển mạnh chồi vượt, cành thứ cấp. Cây dễ bị gãy gục ở vị trí sâu đục. Những cây cà phê bị hại nếu không thu gom tiêu hủy thân, cành đã chặt bỏ sẽ lây lan cho vụ sau, năm sau.

- Những vườn cây cà phê chăm sóc kém, cây sinh trưởng kém, cành lá trơ trụi, khuyết tán thường bị hại nặng. Những vườn cây được trồng cây che bóng, chăm sóc tốt, tán cân đối thường ít bị hại hơn.

3. Nguyên nhân sâu đục thân mình trắng gây hại phổ biến trên cà phê chè

Hiện nay ở Lâm Đồng, sâu đục thân có hai loài: sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes) và sâu đục thân mình hồng (Zeuzera coffeae). Qua theo dõi diễn biến tình hình sâu hại, sâu đục thân mình trắng gây hại chính trên cây cà phê chè, sâu đục thân hồng gây hại phổ biến trên cà phê vối. Sâu đục thân mình trắng gây hại phổ biến trên cà phê chè tại Đà Lạt những năm gần đây do các nguyên nhân sau:

- Thời tiết, khí hậu có sự biến đổi bất thường, nhiệt độ có xu hướng tăng, ánh sáng nhiều thích hợp cho sâu đục thân phát triển.

- Không trồng cây che bóng trong vườn cà phê chè ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản, chỉ có một ít diện tích nông dân trồng xen cây hồng trong vườn cà phê. Do giá cả thấp, đến nay nông dân đang chặt bỏ cây hồng.

- Việc tạo hình sửa tán không thường xuyên,  sâu đục thân gây hại chủ yếu trên cây cà phê dù, khuyết tán.

- Nông dân chậm phát hiện, chưa chủ động phòng trừ sâu đục thân theo hướng dẫn của Chi cục BVTV và TTNN Đà Lạt.

III. Giải pháp phòng trừ sâu đục thân mình trắng

- Trong tháng 7/2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu đục thân hại cà phê. Tiêp tục theo dõi các pha phát dục của sâu đục thân mình trắng, xác định thời gian vũ hóa tiếp theo để có giải pháp phòng trừ kịp thời.

- Để phòng trừ sâu đục thân mình trắng hại cà phê bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, như sau:

+ Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê chè do Sở Nông nghiệp&PTNT ban hành. Mật độ trồng không quá 5.000 cây/ha. Bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây.

+ Trồng cây che bóng (bơ, muồng đen, muồng hoa vàng, keo dậu) để giảm cường độ chiếu sáng của vườn cây.

+ Sửa hình, tạo tán cho cây có hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới tạo môi trường bất lợi cho sâu đục thân đến đẻ trứng và gây hại.

+ Điều tra, theo dõi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời sâu hại.

+ Đối với cây bị hại nặng, lá vàng, héo cần cắt bỏ phần bị hại tiêu hủy triệt để (đem đốt hoặc chẻ thân thu hết sâu non tiêu diệt) hạn chế nguồn lây lan. Đồng thời cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cây.

+ Thường xuyên theo dõi diễn biến của sâu đục thân, khi xuất hiện cần sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC), Diazinon (Diazol 10G, Diazan 50EC) liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.

                                                                                                                              Phòng kỹ thuật

Các tin khác