Thống kê truy cập

3515181
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
408
18774
54826
3515181

Hiện tượng rụng trái cà phê tại xã Tam Bố, huyện Di Linh

Ngày 17 tháng 7 năm 2014, Chi cục BVTV phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, UBND xã Tam Bố, Đài PTTH huyện Di Linh kiểm tra xác định nguyên nhân gây hiện tượng rụng trái cà phê là do rệp sáp gây hại và cây thiếu dinh dưỡng:

Xã Tam Bố, huyện Di Linh có tổng diện tích trồng cà phê là 1.077 ha. Trong đó có 150 ha nhiễm rệp sáp ở mức trung bình tỉ lệ hại 11,5%, cục bộ có cây hại nặng gây rụng trái (tại thôn Hiệp Thạnh II ). Diện tích 777 ha còn lại rệp sáp gây hại nhẹ dưới mức thống kê (tỉ lệ dưới 7,5%).

Bên cạnh đó, tại thôn Hiệp Thạnh II - Tam Bố, đa số người dân canh tác trên đất có tỷ lệ đá cao, tầng canh tác mỏng, hiện nay, cà phê đang trong giai đoạn tích lũy vật chất khô vào hạt, rất cần dinh dưỡng, cà phê không được cung cấp kịp thời sẽ bị rụng quả.

Đặc điểm hình thái rệp sáp

- Rệp trưởng thành có hình bầu dục, trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn.

- Trứng bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lông tơ bao phủ. Mỗi con cái có thể đẻ từ 300 -600 trứng. Rệp non mới nở màu hồng. Chưa có sáp bên mình, chân khá phát triển. Vòng đời của rệp sáp từ 29 – 42 ngày

Đặc điểm sinh sống và gây hại

- Trên cà phê thường bị 2 loại rệp sáp gây hại: hại chùm quả, lá và hại rễ.

+ Loài rệp sáp hại lá và chùm quả: rệp bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều. Rệp hút chất dinh dưỡng làm cho quả bị vàng, rụng, làm giảm năng suất và chất lượng quả.

+ Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp bọc không thấm nước ở quanh trục rễ. Những cây bị  hại lá vàng, héo và chết.

Biện pháp phòng trừ

- Thường xuyên kiểm tra vườn cà phê, đặc biệt vào giai đoạn bắt đầu hình thành quả trong thời kỳ đầu và giữa mùa mưa khi điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát sinh và gây hại của rệp sáp.

- Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt và tiêu hủy các cành, chùm quả nhiễm khô rụng.

- Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật:

+ Cypermethrin (SecSaigon 50EC)

+ Chlorpyrifos Ethyl (Anboom 40EC, Mapy 48 EC, Vitashield 40EC..).

+ Abamectin 0.3% + Petroleum oil 88% (Visober 88.3EC)

+ Abamectin (Reasgant 3.6; 5EC; Tungcydan 3.6EC..)

Để việc phòng trừ rệp sáp đạt hiệu quả cần sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, chú ý  phun kỹ, ướt đều nơi chùm quả có rệp cư trú, phun khi rệp vừa mới xuất hiện với mật độ khoảng 2 - 3 con/chùm, khi pha thuốc cần pha đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì.

Đối với rệp sáp hại gốc có thể sử dụng thuốc có hoạt chất Diazinon (Diaphos 10GR) để rải khi đất đủ ẩm hoặc Chlorpyrifos Ethyl  (Pyrinex 20EC) hòa nước tưới vào gốc để phòng trừ.

                                                                                                             Đào Văn Toàn

Các tin khác