Thống kê truy cập

3453159
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2814
13405
104658
3453159

Thông báo tình hình sâu bệnh hại chính trên cây mắc ca tại Lâm Đồng

Cây mắc ca có tên khoa học: Macadamia integrifolia Maiden & Betche (loài vỏ trơn); Macadamia tetraphylla S. Johnson (loài vỏ thô). Có nguồn gốc từ Úc; là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, hạt có nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu có tác dụng bảo vệ sức khỏe…trái mắc ca sử dụng làm thực phẩm cao cấp được sử dụng trên thế giới. Hiện nay, mắc ca được trồng ở nhiều nước như: Mỹ, Nam Phi, Kenya, Costa Rica, Guatemala, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… tại Việt Nam cây mắc ca được trồng cách đây khoảng 10 năm ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng mắc ca được trồng cách đây 6 năm, chủ yếu trồng xen với cây cà phê.

Năm 2012, diện tích trồng mắc ca ở Lâm Đồng 371,5 ha (chủ yếu ở Lâm Hà, Di Linh; một số ít diện tích ở Đức Trọng, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đam Rông, Đơn Dương); các giống mắc ca tại Lâm Đồng chủ yếu là giống ghép OC, H2 và giống 246. Hiện nay, mắc ca được bà con nông dân quan tâm, phát triển về diện tích trồng, theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp&PTNT Lâm Đồng, năm 2013 trồng 451 ha, trong đó tại huyện Lâm Hà 130ha, Di Linh 120ha, Bảo Lâm 100 ha và rải rác tại các huyện còn lại.

Theo tài liệu của một số nước thì cây mắc ca thường bị một số dịch hại như: sâu róm (Olene mendosa Hubn.), rầy mềm (Toxoptera aurantii Boy. de Fonsc.), sâu đục quả (Ephestia cautella Walk), bọ xít (Amblypelta nitida Stal), bệnh xì mủ (Phytophthora cinnamomi), ... nếu không được phòng trừ kịp thời ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Để xác định thành phần dịch hại trên cây mắc ca tại Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành điều tra thành phần dịch hại trên mắc ca tại các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, qua đó phát hiện 05 đối tượng phổ biến gồm bọ nẹt, rầy mềm, bệnh xì mủ thân, bệnh khô ngọn, bệnh chổi sể gây hại nhưng nông dân chưa có biện pháp xử lý phòng trừ.

- Rầy mềm gây hại ở huyện Di Linh trên cây trồng 3 tuổi, giống OC mức độ lá bị hại 0,5%.

- Bọ nẹt gây hại ở huyện Di Linh, Lâm Hà trên cây trồng từ 2 - 3 tuổi, giống H2 và OC, mức độ lá bị hại 20 %.

- Bệnh xì mủ ở huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh cây trồng từ 2 - 4 tuổi, giống H2, OC và giống 246 tỷ lệ cây bị hại 15 %.

- Bệnh khô ngọn ở huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, cây trồng 2 - 3 tuổi, giống H2, OC và giống 246 tỷ lệ cây bị hại 7 %.

- Bệnh chổi sể ở huyện Bảo Lâm, Di Linh, cây trồng 2 - 3 tuổi, giống H2, OC và giống 246 tỷ lệ cây bị hại 2 %.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, mắc ca trồng thực sinh và mắc ca trồng giống ghép có thành phần sâu bệnh hại giống nhau. Để có cơ sở xây dựng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại mắc ca, chuyển giao cho nông dân áp dụng trong sản xuất, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tiếp tục điều tra thành phần, mức độ gây hại của sâu, bệnh hại và xác định nguyên nhân gây hại trên cây mắc ca tại các vùng trồng mắc ca trong tỉnh.

Một số hình ảnh sâu bệnh hại trên cây mắc ca tại Lâm Đồng


Bệnh xì mủ thân (Phytophthora sp.)

 

Bọ nẹt hại mắc ca (Parasa consonia Moore)

 

Rầy mềm (Toxoptera sp.)

 

Bệnh chổi sể, chổi rồng (Phytoplasma)

 

 Bệnh khô ngọn (chưa xác định)

Nguyễn Khoa Thảo

Các tin khác