Thống kê truy cập

3454181
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
817
14427
105680
3454181

Ốc bươu vàng hại lúa vụ Hè - Thu 2013 và Biện pháp phòng trừ

Ốc Bươu vàng (Pomacea canaliculata) thuộc ngành thân mềm có nguồn gốc Trung và Nam mỹ. Ốc được du nhập vào Việt Nam vào những năm 1985-1988 và đã trở thành những sinh vật gây hại nghiệm trọng cho cây trồng tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, ốc bươu vàng (OBV) xuất hiện tại hầu hết trên khắp cả nước và gây hại cho nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, OBV gây hại nặng nhất và ảnh hưởng đến năng suất nhiều nhất là cây lúa, đặc biệt gây hại nặng là thời kỳ mạ-đẻ nhánh.

Tại Lâm Đồng, OBV gây hại tại hầu khắp các huyện trồng lúa, mật độ OBV và diện tích gây hại lớn nhất là vào vụ Hè -Thu làm ảnh hưởng đến độ đồng đều trên ruộng, làm tốn công dặm lúa giai đoạn mạ, từ đó ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Theo số liệu dự tính dự báo, hiện OBV gây hại trên diện tích 422,8ha lúa, tăng 90,8ha so với kỳ trước đó và có 51ha lúa giai đoạn mạ bị hại nặng. Dự báo OBV có thể sẽ gia tăng và gây hại mạnh trên diện tích lúa Hè – Thu sắp tới.

OBV là loài đa thực, gây hại trên nhiều đối tượng, hơn nữa đa số các địa phương trên địa bàn Lâm Đồng (Đạ Tẻh, Cát Tiên, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà) thời vụ thường kế tiếp liên tục trên đồng ruộng, sử dụng nguồn nước chảy tràn từ nơi này đến nơi khác là điều kiện thuận lợi để OBV tồn tại và lây lan.

Hiện tại, OBV có thể sẽ là nguồn lây lan cho vụ Hè-Thu sắp tới. Để trừ ốc hiệu quả lâu dài, cần thiết phải áp dụng nhiều biện pháp mang tính tổng hợp chứ không dựa vào một vài biện pháp riêng lẻ và cần phải làm sớm từ đầu vụ, làm liên tục, rộng khắp. Cần có sự kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tích cực hướng dẫn bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ.

1. Đặc điểm hình thái

Con đực có nắp miệng hơi nhô gợn sóng, con cái có nắp miệng bằng phẳng hơi lõm xuống. Vỏ ốc và ruột ốc có màu vàng

Trứng đẻ thành từng ổ có màu hồng tươi, khi sắp nở có màu hồng nhạt. Trứng nở sau 12 - 15 ngày, nở hết trong 2 - 7 ngày. Tỉ lệ nở khoảng 70%, tỉ lệ sống sau 10 ngày tuổi khoảng 80%.

Vòng đời OBV khoảng 3 tháng

2. Tập quán sinh sống và gây hại:

OBV chỉ sống trong điều kiện nước ngọt, ruộng chua, phèn, độ pH < 4 ốc không sống được. Ốc có thể sống tới 3 năm.

Trứng được đẻ thành từng ổ trên bẹ lá, thân cây lúa, trên bờ ruộng hoặc các thân cây, que cọc trên ruộng lúa, 1 ổ có khoảng 150 – 300 trứng. Trung bình 1 OBV cái có thể đẻ 500 – 1000 trứng.

OBV sống và gây hại chủ yếu trong nước, tuy nhiên ốc cũng có thể sống trên cạn. Trong điều kiện bất lợi (khô hạn) ốc vùi mình xuống đất từ 5 – 30 cm, khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước) ốc trồi lên cắn phá trở lại. OBV có thể gây hại suốt ngày đêm, tuy nhiên thường gây hại chủ yếu vào chiều – tối.

Tuỳ theo loại thức ăn có được mà tốc độ sinh trưởng nhanh, chậm khác nhau. Ốc bươu vàng ăn thực vật, thức ăn ưa thích: mạ non, rau muống… ốc bươu vàng là đối tượng hại lúa, đặc biệt là mạ dưới 3 tuần tuổi.

OBV hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ ấm, trời mát. Tuy nhiên nếu nhiệt độ xuống dưới 15oC và trên 38oC OBV vẫn sống bình thường.

OBV là đối tượng Kiểm dịch thực vật của Việt Nam đang và sẽ là mối đe dọa của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

3. Biện pháp phòng trừ:

- Sau khi thu hoạch thả vịt ăn ốc để hạn chế mật số ốc lứa sau.

- Các ruộng sau khi thu hoạch, không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế OBV di chuyển và gây hại. Khi làm đất cần cày bừa kỷ, cày sâu để diệt OBV nằm vùi dưới ruộng. Sau khi thu hoạch, bà con cày lật ngay để hạn chế OBV lứa sau.

- Thu bắt ốc, trứng ốc; Cắm cọc ven bờ và rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút OBV đến đẻ trứng.Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau. Ốc thu gom có thể dùng để làm thức ăn  nuôi vịt, nuôi cá …

- Tại các mương rãnh, ao, hồ, cần sử dụng cây mạ non, những loại lá cây là thức ăn ưa thích của OBV (lá sắn, lá bắp cải, lá khoai lang, cành lá đu đủ, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì…) chặt thả xuống nước làm chất dẫn dụ, làm ốc nổi lên mặt nước để thu gom.

- Đặt lưới mắt cáo, lưới nylon hay phên bằng tre nứa ở cống, bọng dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan đồng thời dễ thu gom. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

- Vét rãnh hoặc tạo các vũng nước trên ruộng để gom ốc xuống rãnh dễ thu gom.

- Đối với những ruộng mới cấy hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị OBV gây hại gây mất khoảng, nên giữ mực nước xâm xấp để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của OBV, đồng thời cần dặm bổ sung ngay kết hợp với tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự đẻ nhánh của cây lúa.

- Biện pháp hóa học: Trong trường hợp mật độ OBV phát triển mạnh đặc biệt giai đoạn mạ - đẻ nhánh có thể dùng các loại thuốc hóa học sau để phòng trừ:

+ Metaldehyde (Bolis 4B, Molucide 6GB, Osbuva 5GR, MAP passio 10GR)

+ Niclosamide (Bayluscide 250EC, Dioto 250EC, Snail 250EC)

+ Metaldehyde 4.5% + Carbaryl 1.5% (MAP pro 30WP)

Trần Thị Cúc

Các tin khác