Thống kê truy cập

4346553
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
480
17813
54146
4346553

Thực trạng và giải pháp phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại Lâm Đồng

Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung, bọ hung có 3 loại gây hại trên cây trồng bao gồm: Bọ hung đen - Allissonotum impressicolle, bọ hung nâu - Holotrichia sinensis; Bọ hung xanh - Anomata sp.Bọ hung thuộc họ Bọ rầy Scarabaeidae, bộ cánh cứng Coleoptera. Trưởng thành râu ngắn nhưng chân và hàm của nó rất khỏe có thể đào xuống đất tìm đục hoặc gặm ăn vỏ cây. Loài bọ hung này sống và phát triển quanh năm trong đất, nhất là những nơi đất ẩm, có nhiều xác thực vật, nhiều chất hữu cơ. Vòng đời gồm các pha: trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.

Trong những năm gần đây trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên nhiều loại cây trồng như khoai lang, mía, cây tiêu, ca cao, cà phê, măng cụt, mít, cao su, … Trong năm 2012, tổng diện tích bị sùng trắng gây hại là 185 ha (Đạ Huoai 180 ha, Cát Tiên 5 ha), với mật độ 3 - 5con/gốc gây hại trên cây trồng cây mía, cây tiêu, ca cao, cây mít.

Năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm nông nghiệp các huyện thường xuyên theo dõi sùng trắng gây hại trên các cây trồng. Hiện nay, qua kiểm tra chưa thấy sùng xuất hiện trở lại; tuy nhiên, dựa trên quy luật sinh sống và phát triển của sùng thường xuất hiện và gây hại nặng trong mùa mưa. Để quản lý tốt đối tượng này, Chi cục BVTV khuyến cáo bà con nông dân áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ như sau:

1. Biện pháp canh tác

- Làm đất, vệ sinh vườn thật kỹ: Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, dọn sạch lá khô, cắt tỉa bỏ cành bị bệnh và lá già, lá bị bệnh đem ủ hoặc đốt trước khi trồng để hạn chế sự tồn tại của nguồn sâu hại. Xử lý thuốc phòng trừ sùng trắng ngay từ lúc trồng để giảm tác hại cho cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản.

- Thường xuyên xới xáo, vun gốc định kỳ 2 tháng 1 lần tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng.

- Không sử dụng phân trâu bò tươi để bón cho cây vì đây là điều kiện để dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng phá hoại cây trồng.

- Bẫy dẫn dụ:

+ Trồng xen khoai lang trong vườn để thu hút sùng trắng tập trung gây hại trên khoai lang sẽ làm giảm mật độ sùng tấn công trên cây trồng chính. Vào thời điểm đầu tháng 4, khi trưởng thành nở rộ, tiến hành lên luống trồng khoai lang, khi ấu trùng sùng bắt đầu xuất hiện sẽ tấn công củ khoai lang, tiến hành thu hoạch khoai lang để thu gom tiêu diệt ấu trùng.

+ Dùng phân chuồng để làm bẫy dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng, thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.

Dùng phân chuồng để làm bẫy dẫn dụ

+ Ngoài ra vào thời điểm trưởng thành vũ hóa tập trung sử dụng các loại bẫy tự tạo để thu bắt trưởng thành sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng thuốc hóa học. Các bẫy tự tạo rất dễ làm, nhưng chỉ có hiệu quả đối với giai đoạn trưởng thành của bọ cánh cứng.

Cách làm bẫy tự tạo: Cắt hai cửa sổ trong một can nhựa cho bọ cánh cứng bay vào, và hòa nước xà phòng đổ ở phía dưới đáy. Trộn bả bia và chuối đã chín kỹ thành một dung dịch lỏng, đổ vào một hộp mồi bằng nhựa. Các hộp mồi có khoan lỗ trên miệng để luồn một sợi dây qua miệng, và treo nó ở gần đầu can nhựa. Sau đó, treo bẫy cách mặt đất khoảng 1,5 - 2m, theo dõi hàng tuần, và thay thế các bả ít nhất 1 lần/tháng.

Bẫy bả tự tạo

 -Bón đầy đủ và cân đối các loại phân hữu cơ, phân vô cơ phù hợp với tình hình sinh trưởng của từng loại cây trồng, giúp cho cây có sức đề kháng đối với các loại sâu bệnh hại. Nên bón phân vào lúc đất còn đủ ẩm, sau khi mưa, nếu bón phân khi đất khô thì sau khi bón phải tưới nước.

2. Biện pháp sinh học

- Dùng các chế phẩm sinh học như Metarhizium anisopliae để phòng trừ ấu trùng: sử dụng chế phẩm Metament 90DP hoặc Vimetarzimm 95DP với liều lượng 10kg/ha.

- Trồng xen trong vườn và xung quanh vườn hồ tiêu loài hoa dã quỳ cũng có tác dụng xua đuổi sự gây hại của sùng trắng.

3. Biện pháp thủ công

- Vào thời điểm tháng 5, tháng 6 khi sâu non chui lên ăn rễ, xới cỏ khi thấy sâu non màu trắng thì thu bắt và tiêu diệt.

- Sử dụng bẫy đèn để thu bắt trưởng thành.

  4. Biện pháp hoá học

- Cây trồng ở giai đoạn kinh doanh: Xử lý đất vườn trồng hàng năm vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 bằng một trong các loại thuốc sau: Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 12GR), Dimethoate (Nugor 10GR), Fipronil(Regal 3GR), Rotenone + Saponin (Sitto-nin  15BR; Ritenon 150GR). Sử dụng theo liều lượng khuyến cáo. Xử lý sau cơn mưa là tốt  nhất.

Lưu ý: Thời điểm xử lý thuốc hóa học tốt nhất là giai đoạn sùng mới nở, tuổi 1 – tuổi 2 (tháng 6 – tháng 7). Nếu xử lý quá muộn (tháng 8 – tháng 9) khi sùng đã ở tuổi 3 hoặc sắp hóa nhộng thì hiệu quả của các loại thuốc hóa học rất thấp.

Nguyễn Văn Danh

Các tin khác