Thống kê truy cập

4534900
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
618
2492
29859
4534900

Bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự và biện pháp phòng trừ

Cây rau họ thập tự là cây trồng chủ lực tại vùng trồng rau của Lâm Đồng. Cây họ thập tự gồm các loại cây: cải bắp, súp lơ, cải thảo, cải dưa, su hào, cải ngọt... đang được trồng nhiều tại các địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. (diện tích xấp xỉ 13.000 ha) Hiện nay, ngoài một số bệnh thường xuyên gây hại như bệnh cháy lá vi khuẩn, sương mai, thối gốc, thối hạch, thối nhũn,.. Bệnh sưng rễ là bệnh gây hại khó phòng trừ, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm rau.

Bệnh sưng rễ họ thập tự gây hại từ lâu tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên tại Lâm Đồng bệnh bắt đầu xuất hiện và gây hại tại Đà Lạt từ năm 2003 và lây lan với tốc độ nhanh tới các vùng trồng rau lân cận (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng). Hàng năm

bệnh gây hại hàng ngàn ha cây rau họ thập tự: năm 2005 (320 ha); năm 2008 (2.244,5 ha); năm 2010 (3.224 ha); năm 2013 (1.010,9 ha); 6 tháng đầu năm 2014 (381 ha). Tỷ lệ hại trung bình 9,6 – 56,2%, một số diện tích tỷ lệ hại lên tới 80% hoặc mất trắng.

Để phòng trừ tốt bệnh sưng rễ Chi cục BVTV Lâm Đồng khuyến cáo như sau:

1.Triệu chứng bệnh:

Bệnh sưng rễ chỉ gây hại trên cây rau họ thập tự.

Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây (rễ chính và rễ bên). Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh.

Cây bị bệnh sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biểu hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân cây héo rũ kể cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt, héo vàng và cây bị chết hoàn toàn.

Nấm bệnh tấn công vào vùng rễ, gây biến dạng, làm giảm khả năng hút nước, dinh dưỡng và khả năng chống chịu của cây, dẫn đến việc xâm nhập dễ dàng của một số loài nấm, khuẩn gây nên sự thối mục đen toàn bộ rễ cây. Khi cây bị nhiễm bệnh sớm (giai đoạn vườn ươm, hồi xanh) cây khó phục hồi và chết, nếu cây bị nhiễm ở giai đoạn muộn hơn (giai đoạn hình thành bắp, phân hoá hoa) cây có thể cho thu hoạch nhưng năng suất giảm, chất lượng kém.

2. Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

- Bệnh do nấm Plasmodiophora brassicae. W gây ra.

- Bệnh chỉ phát triển và sinh sản trong tế bào ký chủ còn sống mới hoàn tất vòng đời. Nấm bệnh có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng  bào tử tĩnh. Bệnh phát triển thích hợp trong đất có độ pH < 6,5 và khoảng nhiệt độ từ 18-25 0C. Tuy nhiên, bệnh chỉ gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt >103 bào tử/1g đất.

Bào tử tĩnh được hình thành rất nhiều trong tàn dư cây bệnh và giải phóng ra đất khi rễ cây bị phân huỷ (thối đen, mục). Gặp cây ký chủ, bào tử tĩnh nảy mầm và xâm nhiễm vào trong cây. Khi phát triển trong cây, bào tử động tiếp tục được hình thành ở pha thứ cấp và tấn công những cây bên cạnh hoặc di chuyển, phát tán xa hơn.. Nấm bệnh không lây lan qua hạt giống nhưng lây nhiễm gián tiếp qua hạt giống trong quá trình sản xuất và vận chuyển hạt giống.

- Nguyên nhân bệnh sưng rễ lây lan nhanh tại Lâm Đồng:

+  Điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp,  nhiệt độ TB năm từ 18-200C

+ pH đất khá thấp: 4,8-5,3, để nâng độ pH lên >6,5 nhằm hạn chế sự gây hại của nấm sưng rễ tại Lâm Đồng là rất khó

+ Độ ẩm đất khá cao >80%.

+ Tàn dư cây bệnh sưng rễ không được nông dân tập trung tiêu hủy

+ Nguồn nước tưới bị nhiễm bệnh do đó khả năng lây nhiễm nhanh

+ Có rất ít chủng loại thuốc BVTV có khả năng trừ được bệnh sưng rễ, ngoài ra thuốc trị bệnh sưng rễ có giá bán cao.

+ Do thời gian luân canh hạn chế bệnh khá dài, vì vây việc lựa chọn cây trồng để luân canh rất khó khăn.

3.Biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh sưng rễ

Trên vườn ươm

- Vệ sinh vườn ươm định kỳ 01 tháng/lần, xử lý dụng cụ (khay, máy dập khuôn, xẻng, cuốc…) bằng formol 2 -3% sau mỗi lần sử dụng.

- Xử lý đất bằng Nebijin 0.3DP (3kg/10m3 giá thể).

- Điều chỉnh độ pH của giá thể > 6,5 bằng các loại vôi.

- Sử dụng nước giếng khoan ngầm để tưới.

- Kiểm tra cây con trước khi xuất vườn. Nếu bị nhiễm sưng rễ phải đem tiêu hủy.

 Biện pháp canh tác:

- Thực hiện tốt chế độ luân canh triệt để, trồng cây rau khác họ thập tự: cà chua, cà rốt, khoai tây, bó xôi, xà lách…

- Trồng cây con sạch bệnh và khoẻ mạnh

- Làm mương tiêu thoát nước tốt, không để đất ngập úng.

- Sử dụng nguồn nước tưới không bị nhiễm bệnh

- Không đưa các vật dụng, dụng cụ có thể đã bị nhiễm bệnh vào ruộng, vườn ươm

- Bón vôi nhằm nâng cao độ pH thích hợp để hạn chế bệnh phát triển (pH> 6..5)

- Bón phân cân đối, hợp lý tạo điều kiên cho cây sinh trưởng tốt, khi cây bị bệnh vào giai đoạn cuốn cần bón thêm lân để kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời tăng cường sử dụng phân bón qua lá để tăng khả năng hấp thụ phân bón cho cây.

- Nhổ bỏ, gom  và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh, tuyệt đối không vất bỏ cây bị nhiễm bệnh lên bờ, xuống mương suối hoặc nguồn nước.

 Biện pháp vật lý:

Thu gom toàn bộ rễ cây họ thập tự sau thu hoạch để tiêu huỷ bằng phương pháp đốt hoặc chôn sâu.

Biện pháp sinh học:

- Trồng dày cây họ thập tự ngắn ngày như cải ram, cải cay… để kích thích bào tử tĩnh trong đất nảy mầm sau đó thu gom để hạn chế bào tử trên ruộng.

- Sử dụng tàn dư lá cây họ thập tự có nhiều chất cay để xông hơi khử trùng đất (5 tấn lá/1000m2 cày vùi và tưới nước 5-7 ngày trước khi trồng ).

Biện pháp hoá học:

- Xử lý đất trước khi trồng bằng Flusulfamide (Nebijin 0,3DP) liều lượng 250 - 300kg/ha

- Ngoài ra có thể xử lý đất ngay sau khi trồng bằng các loại thuốc khác như Copper citrate (Heroga 6.4SL), Chaetomium sp + Tricoderma sp  (Mocabi SL), Bacillus subtilis (Biobac 50WP)

                                                                                                                       Trần Thị Cúc

Các tin khác