Thống kê truy cập

4346923
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
850
18183
54516
4346923

Hướng dẫn biện pháp phòng trừ côn trùng chân đốt (siêu nhân) gây hại cây trồng tại Lâm Đồng

Loài côn trùng chân đốt (có tên gọi địa phương là siêu nhân) là loài mới phát hiện tại Đà Lạt từ năm 2013. Chúng gây hại cục bộ trên các vườn rau, hoa, dâu tây. Khi bị hại nặng thiệt hại lện tới 20-30%.

Để phòng trừ siêu nhân, nông dân sử dụng một số biện pháp như rải xà bông bột, tưới nước rửa chén và sử dụng một số loại thuốc BVTV dạng hạt không được phép sử dụng trên rau để phòng trừ làm ảnh hưởng đến môi trường và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau.

Nhằm hạn chế sự gây hại của siêu nhân trên các vườn rau, hoa và dâu tây, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã thực hiện một số khảo nghiệm về thuốc sinh học, hoá học để phòng trừ siêu nhân và giới thiệu biện pháp phòng trừ tổng hợp loài chân đốt như sau:

1. Đặc điểm hình thái

Theo tài liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy: Siêu nhân có tên tiếng anh là Symphylans, thuộc lớp Symphyla, là động vật chân đốt và không phải là côn trùng.

- Trưởng thành có chiều dài khoảng 0,5 – 2 cm, sống trong đất. Cơ thể nhỏ, mảnh khảnh, rất dễ gẫy thành các mảnh, có 6-12 đôi chân. Trứng màu trắng, hình cầu.

- Vòng đời siêu nhân phát triển thành thục trong khoảng 5 tháng ở 10oC, khoảng 3 tháng ở 21oC và dưới 2 tháng ở 25oC. Trong điều kiện Đà Lạt, một năm có từ 4-6 lứa.

- Thành trùng siêu nhân có thể lột xác hơn 40 lần trong đời.

 

2. Tập quán sinh sống và gây hại của siêu nhân

- Siêu nhân có đặc tính lẩn trốn rất nhanh và có tính giả chết

- Siêu nhân đẻ trứng quanh năm, tuy nhiên mùa xuân và mùa thu là 2 mùa có số lượng trứng nhiều nhất.

- Đất giàu hữu cơ, đất pha cát, đất tơi xốp, nhiều mùn, trên giá thể vườn ươm giàu hữu cơ thích hợp cho siêu nhân phát triển và gây hại. Ngược lại, đất thịt, đất sét mật độ siêu nhân ít hơn.

- Đất ẩm ướt mật độ siêu nhân nhiều, tuy nhiên đất quá ẩm ướt, ngập úng mật độ siêu nhân ít hơn.

Siêu nhân không ưa thích ánh sáng trực xạ, hoạt động mạnh hơn trong điều kiện bóng tối

3. Triệu chứng  và thời điểm gây hại

- Triệu chứng gây hại của siêu nhân điển hình là cây còi cọc, vàng, sinh trưởng kém. Siêu nhân chủ yếu tấn công bộ rễ cây trồng ngay khi cây mới trồng và bắt đầu ra rễ mới, nhai phần chóp rễ làm bộ rễ tổn thương, cây bị hại sinh trưởng chậm. Nếu bị hại nặng cây trồng có thể bị chết. Ngoài ra, khi bộ rễ bị hại tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập và gây hại. Các loại cây trồng có bộ rễ phát triển mạnh có khả năng phục hồi nếu mật độ siêu nhân gây hại ít.

- Triệu chứng gây hại của siêu nhân nhìn chung thường giống với triệu chứng gây hại của một số đối tượng gây hại khác như dòi đục rễ, thối rễ, lở cổ rễ …

   

Tại Đà Lạt, siêu nhân gây hại trên nhiều loại cây trồng: bó xôi, cải thảo, cải bẹ, xà lách, dâu tây, hành, khoai tây, cải bắp, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, đậu, cà rốt,…Tuy nhiên, cây bó xôi, cải thảo, cải bẹ mức độ gây hại thường nặng hơn.

Siêu nhân gây hại rải rác quanh năm nhưng thường gây hại nặng trong mùa mưa, gây hại ngay từ giai đoạn cây con, nhất là thời kỳ cây ra rễ mạnh.

4. Biện pháp phòng trừ

a. Biện pháp canh tác

- Làm đất kỹ, cày sâu có thể nghiền nát siêu nhân

- Trồng cây giống tốt, khỏe mạnh, bộ rễ phát triển

- Bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển tốt, tăng sức chống chịu cho cây.

- Xử lý vôi bột trước khi trồng, liều lượng 200-300kg/1000m2

- Luân canh với cây trồng ít mẫn cảm như hành tây, hành lá, cây họ đậu, cà rốt…

b. Biện pháp sinh học

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh xử lý đất hoặc phun gốc cây ngay sau khi trồng Vimetarzimm 95DP (Metarhizium anisopliae var anisopliae Ma), lượng sử dụng 2 kg/1000m2

- Sử dụng thuốc Biosun 123 (Paecilomyces + Metarhizium + Beauverie bassiana+ Bacillus thuringiensis)rải vào đất trước khi trồng, lượng sử dụng 5 kg/1000m2

c. Biện pháp hoá học

- Xông hơi khử trùng đất bằng thuốc Basamid Granular 97MG (Dazomet) làm giảm mật độ siêu nhân trong đất, lượng sử dụng 50kg/1000m2

- Siêu nhân là đối tượng gây hại mới, do đó chưa có thuốc  đăng ký trong danh mục để phòng trừ siêu nhân, luân phiên sử dụng một số loại thuốc sau đây để phòng trừ: Oshin 20WP (Dinotefuran), Actara 25WG (Thiamethoxam) , Prevathion 35WG (Chlorantraniliprole), liều lượng sử dụng theo khuyến cáo và xử lý thuốc vào buổi chiều.  

Tuyệt đối không  sử dụng các loại thuốc có nhóm độc I, II, thuốc không đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu bệnh hại trên rau như: Lorsban 40EC, 75WG (Chlorpyrifos Ethyl); Regent 0.3GR 3-5 kg/1000m2, Suphu 10GR (Fipronil); Diazan 10GR (Diazinon); Nokaph 10GR (Ethoprophos). Đây là các loại thuốc không có trong danh mục sử dụng trên cây rau.

                                                                                                                                Trần Thị Cúc

Các tin khác