Thống kê truy cập

4534753
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
471
2345
29712
4534753

Một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhóm côn trùng chích hút hại hoa hồng mùa khô năm 2014 tại thành phố Đà Lạt

Hoa hồng là một trong những loài hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt, với tổng diện tích gieo trồng 205 ha, hoa hồng được trồng tập trung chủ yếu tại Làng hoa Vạn Thành – Phường 5 với diện tích 120 ha; khu vực An Sơn, Nam Thiên – Phường 4 với diện tích 70 ha; khu vực Nguyên Tử Lực – Phường 8 với diện tích 10 ha và rải rác một số khu vực như Thánh Mẫu – Phường 7, Thái Phiên - phường 12. Phần lớn diện tích hoa hồng tại Đà Lạt được canh tác trong nhà kính. Các giống hoa hồng được trồng phổ biến gồm đỏ Hà Lan, trắng xanh, song hỷ, Bê Bê, vàng, đỏ Ý, cánh sen, đỏ son, sen trắng, hồng phấn, Pháp, ….

            Cây hoa hồng tại Đà Lạt được canh tác tập trung, chuyên canh với chu kỳ 10 – 15 năm vì vậy tình hình sâu bệnh hại luôn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, thời tiết Đà Lạt đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô, nhiệt độ trung bình từ 22 – 250C, ẩm độ không khí 64-82%. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhóm côn trùng chích hút như bọ trĩ, nhện đỏ, rầy rệp đang gia tăng nhanh mật số và mức độ gây hại trên cây hoa hồng. Qua điều tra tại các vùng trọng điểm sản xuất hoa hồng của Đà Lạt, mật số nhện đỏ trung bình hiện nay từ 15 – 20 con/lá, bọ trĩ từ 3 – 5 con/cành, ngoài ra bệnh phấn trắng cũng gây hại khá phổ biến với tỷ lệ hại 30% lá, rệp sáp gây hại cục bộ một số vườn với mật số 2-3con/gốc.

        

                     Hình 1: Nhện đỏ hại hoa hồng                                Hình 2: Bọ trĩ hại hoa hồng    

Để phòng trừ dịch hại trên cây hoa hồng người dân Đà Lạt phun trung bình khoảng 50 - 70 lần thuốc BVTV/năm; lượng thuốc sử dụng từ 60 - 84 kg,lít/ha/năm. Chủng loại thuốc BVTV nông dân sử dụng trên cây hoa hồng khá đa dạng với 43 loại hoạt chất (60 tên thương phẩm) trong đó 24 loại hoạt chất (33 loại thuốc thương phẩm) để phòng trừ các loại sâu hại chủ yếu là nhện đỏ, bọ trĩ, rầy, rệp; 15 hoạt chất (21 loại thuốc thương phẩm) để phòng trừ bệnh hại; riêng thuốc trừ cỏ có 02 hoạt chất (03 loại thuốc thương phẩm), thuốc KTST có 02 hoạt chất (03 loại thuốc thương phẩm).

Trong số các loại thuốc nông dân Đà Lạt sử dụng phòng trừ sâu bệnh hại hoa hồng hiện chỉ có 9 loại thuốc có đăng ký sử dụng trên cây hoa hồng gồm Tasieu 1.9EC, Reasgant 1.8 EC, Atamite 73EC, Radiant 60SC, Bell kute 40WP, Daconil 75WP, Anvil 5SC, Amistar top 325SC, Nativo 750WG, còn lại 51 loại chưa đăng ký sử dụng trên cây hoa hồng.

Ngoài việc sử dụng đa dạng các loại thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh hoa hồng, kết quả điều tra có 100% nông dân thường xuyên hỗn hợp từ 2 – 3 loại thuốc BVTV/lần phun, 75% nông dân tăng liều lượng các loại thuốc sử dụng so với khuyến cáo. Sau khi sử dụng, có khoảng 30% nông dân tiêu hủy bao bì thuốc BVTV cùng với rác thải sinh hoạt, 70% thường vứt ngay tại ruộng, chôn xuống đất hoặc đốt.

Trước diễn biến của điều kiện thời tiết hiện nay kết hợp với tập quán sử dụng thuốc BVTV còn nhiều bất cập của người dân trồng hoa hồng, dự báo thời gian tới các đối tượng dịch hại như bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ, rầy rệp sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển mạnh trên cây hoa hồng. Để quản lý nhóm côn trùng chích hút gây hại cây hoa hồng bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:

1. Biện pháp canh tác

- Làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ

- Không nên trồng hoa hồng quá dày để vườn luôn được thông thoáng.

- Bón phân đầy đủ, cân đối và kịp thời theo nhu cầu của cây.

- Tỉa bỏ cành, lá, nụ và hoa có mật độ nhện đỏ, bọ trĩ, rầy rệp cao, khó phục hồi đem tiêu hủy triệt để.

- Nhà kính trồng hoa hồng phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, giảm nhiệt độ trong mùa khô.

- Tưới nước đầy đủ cho cây hạn chế sự phát sinh, phát triển của nhóm côn trùng chích hút.

2. Biện pháp vật lý, cơ giới

- Sử dụng bẫy dính màu vàng để dẫn dụ và tiêu diệt bọ phấn, bọ trĩ trưởng thành.

- Áp dụng biện pháp tưới phun với áp lực mạnh để rửa trôi nhện đỏ trong mùa khô.

3. Biện pháp hóa học

Hoa hồng là loài hoa rất mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ dịch hại trên cây hoa hồng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo không gây thiệt hại cho sản xuất.

Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 40 hoạt chất (58 loại thuốc thương phẩm đăng ký sử dụng trên cây hoa hồng). Để phòng trừ nhóm côn trùng chích hút hại hoa hồng, bà con nông dân có thể sử dụng các loại thuốc BVTV sau:

- Nhện đỏ: Luân phiên sử dụng các hoạt chất Abamectin (Reasgant 1.8 EC), Emamectin benzoate (Tasieu  1.9EC, Map Winer 5WG), Fenpropathrin (Vimite10 EC), Fenpyroximate (Ortus 5 SC), Hexythiazox (Nissorun 5 EC), Propargite (Atamite 73EC), Milbemectin (Benknock 1 EC), Azadirachtin (Agiaza 4.5 EC), Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC - Mite 70SL), Emamectin benzoate + Matrine (Rholam Super12EC), Fenpropathrin 160g/l + Hexythiazox 60g/l (Mogaz 220EC).

- Bọ trĩ: Sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate (Susupes 1.9 EC), Spinetoram (Radiant 60SC), Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20 EC).

- Bọ phấn: Sử dụng hoạt chất Dinotefuran (Oshin 100 SL) để phòng trừ

- Rầy, rệp: Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ rầy, rệp trên cây hoa hồng, có thể tham khảo sử dụng các hoạt chất như Thiamethoxam, Imidacloprid, Petroleum spray oil để phòng trừ.

Lưu ý: Các loại thuốc BVTV chưa đăng ký sử dụng trên cây hoa hồng, khi tham khảo sử dụng cần phải phun thử nghiệm trên diện tích nhỏ để đảm bảo hiệu quả và không gây ảnh hưởng cho cây trồng.

                                                                                           Phòng Kiểm dịch pháp chế

 

Các tin khác