Thống kê truy cập

4347100
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1027
18360
54693
4347100

Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa tại Lâm Đồng

Hiện nay, do điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao nên bệnh đạo ôn phát triển mạnh. Theo Trung tâm BVTV phía Nam, toàn vùng  nhiễm  45.667 ha trên lúa Hè Thu. Tại Lâm Đồng bệnh đạo ôn gây hại trên diện tích 866 ha, trong đó có 490 ha nhiễm năng tại Đạ Tẻh trên các giống lúa OM 4900, OM6162, OM 7347, nếp lai.

Triệu chứng gây hại

Bệnh hại ở các bộ phận trên cây lúa nhưng rõ nhất trên lá, cổ bông, đốt thân.
- Trên lá: Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu, ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khỏe có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy, nơi bị nhiễm nặng có thể bị cháy rụi hoàn toàn, bộ rễ bị thối và lúa không hồi phục

- Trên đốt thân: Vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.

- Cổ bông, cổ gié: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá, nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, nếu trời khô vết bệnh sẽ kho tóp lại, gặp gió to, chỗ vết bệnh sẽ bị gẫy gập, ruộng lúa trở nên xơ xác. Do cản trở việc vận chuyển dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi hạt làm cho hạt lúa bị lép lửng. Nếu nặng bệnh có thể làm cho hạt lúa bị lép lửng hoàn toàn.

- Trên hạt: Vết bệnh không định hình, có màu nâu xám. Nấm đen ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.

Vết bệnh trên lá                      Vết bệnh trên đốt thân                              Vết bệnh trên cổ bông

Tác nhân gây bệnh

- Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bào tử nhỏ, thường tập trung thành cụm qua khí khổng ở lá hay ở đốt thân, cổ bông.

- Bào tử thường phát sinh vào ban đêm. Tính gây bệnh thay đổi tùy theo giống và vùng địa lý. Bào tử có thể bay trong không khí và theo gió lây lan khắp nơi.

- Bào tử có thể phát tán và bay cao đến 24m, thậm chí đến 10.000 m để lây lan cho các ruộng lân cận trong khu vực. Nấm phát triển tốt trong điều kiện mát từ 24-280C, ẫm độ cao >80%, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ dễ phát sinh thành dịch. Bào tử nấm nảy mầm khi gặp lớp nước tự do trên lá hay không khí bảo hòa nước. Bào tử xâm nhập vào tế bào lá bằng cách mọc thành đĩa áp, chọc thủng vách tế bào lá lúa. Ngoài ra, bào tử còn tiết ra độc tố pyricularin có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzyme chứa kim loại của cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa, gây độc cho cây.

- Nấm đạo ôn tồn tại ở dạng sợi nấm, bào tử trong rơm rạ và hạt giống bị bệnh.  Ngoài ra nấm còn tồn tại trên ký chủ phụ sinh trưởng phát triển quanh năm. Trong điều kiện khô ráo bào tử có thể sống hơn một năm, sợi nấm sống gần 3 năm nhưng trong điều kiện ẩm ướt chúng không sống sót qua vụ sau.

- Ký chủ của bệnh: Cây lúa là ký chủ chính, ngoài ra bệnh có thể lưu tồn trên các cây ký chủ phụ mọc quanh ruộng như các loài cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chỉ, lúa ma, lúa rày-lúa chét...

Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh.

            Khí hậu thời tiết: Nhiệt độ không khí 20 – 300C và ẩm độ trên 92% thích hợp cho bào tử nấm hình thành và nảy mầm. Nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, trời âm u, có mưa phùn, sương mù liên tục trong nhiều ngày là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá lây lan, phát triển và gây hại nặng. Một vết bệnh có thể phóng thích 2.000 – 6.000 bào tử/1 đêm.

Chế độ nước: Trong điều kiện khô hạn, ẩm độ đất thấp hoặc ở điều kiện ngập úng kéo dài cây lúa dễ bị nhiễm bệnh. Khi ẩm độ cao số bào tử mọc ra rất nhiều.Càng khô hạn kết hợp với sương mù nhiều bệnh càng tăng.

Đặc điểm sinh trưởng, phát dục của cây lúa: Ở giai đoạn lúa đẻ rộ hoặc đã đẻ song là lúc lúa đòi hỏi lượng đạm lớn, đạm được tích lũy nhiều để phát triển thân lá thì cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh trên lá và thân. Giai đoạn lúa có bông cũng cần hàm lượng đạm cao (tuy nhiên lượng đạm không cao như lúc đẻ nhánh), lúc này đạm sẽ được tích lũy nhiều làm cho bệnh dễ phát sinh và phát triển ở bông và cổ bông.

Chế độ phân bón:    

-Nếu bón dư thừa phân đạm sẽ làm tăng bệnh hoặc sử dụng đạm Amonium sunfat (SA) quá nhiều, quá muộn hoặc bón vào lúc nhiệt độ không khí thấp và cây còn non đều làm tăng tỉ lệ bệnh.

- Phân lân ảnh hưởng ít đến mức độ nhiễm bệnh của cây. Tuy nhiên nếu bón thêm phân lân trên vùng đất phèn sẽ hạn chế bệnh đạo ôn lá rất rõ ràng.

- Phân kali có ảnh hưởng rất phức tạp trên sự phát triển của bệnh đạo ôn lá; bón dư thừa đạm và kali đều làm tăng bệnh; bón đạm vừa phải kết hợp đủ lượng kali thì sẽ giãm bệnh rất rõ. Do đó, trong giai đọan sau trổ nếu ruộng bị nhiễm thì không đuợc bón thêm phân bón lá có nitrat kali.

- Những chân ruộng hẩu, nhiều mùn, trũng, khó thoát nước; những vùng đất mới vỡ hoang, đất nhẹ giữ nước kém, khô hạn và những chân ruộng có lớp sét nông rất phù hợp cho nấm bệnh phát triển gây hại.

Giống lúa: Những giống nhiễm bệnh không những là điểm bệnh phát sinh ban đầu mà còn là điều kiện cho bệnh lây lan dễ dàng thành dịch trên đồng ruộng. Một số giống lúa được đánh giá là mẫn cảm đối với bệnh đạo ôn như OMCS 2000; VND 95-20; OM 35 -36; Jasmine 85, OM1490, Khăng dân 18. Trồng các giống lúa nhiễm bệnh, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh, áp lực nguồn bệnh trong khu vực cao thì cây lúa dễ bị cháy rụi nhanh rồi chết.

 Khả năng kháng lại bệnh của giống lúa chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nhất định do loài nấm gây bệnh đạo ôn thường xuyên thay đổi tính chất gây bệnh để phù hợp với ký chủ. Do đó cũng cần thay đổi giống mới sau một thời gian canh tác.

Mật độ gieo sạ: Gieo sạ càng dầy, tán lá lúa càng nhiều, khả năng che khuất càng lớn, ẩm độ dưới tán lá càng cao, điều kiện vi khí hậu càng thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát triển.

                          Trồng các giống lúa bị nhiễm                                                     Mật độ quá dày

Biện pháp phòng trừ

Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom, dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng. Sau khi thu hoạch nên cày vùi rơm rạ để trả lại nguồn hữu cơ cho đất đồng thời diệt được mầm bệnh, hạn chế đốt rơm vì biện pháp này chỉ trả lại một số chất khoáng có trong tro, đất dần dần kém màu mỡ suy kiệt.

- Gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn trong vùng thường xảy ra bệnh và mức gây hại cao. Một số giống lúa đang trồng tại Lâm Đồng được đánh giá nhiễm nhẹ hơn với bệnh đạo ôn như OM 6976, OM 8232, OM 6932, IR64... Nên chọn hạt giống sạch bệnh, khử lẫn  tạp hạt cỏ, xử lý một số loại bệnh trên vỏ hạt bằng cách  pha 20ml thuốc Cruiser Plus với 2 lít nước phun lên 100kg hạt giống trong giai đoạn ủ từ 6 – 12 giờ trước khi gieo sạ.

-  Mật độ gieo sạ: Nếu có điều kiện nên áp dụng biện pháp sạ hàng. Lượng giống trung bình 80 -120kg/ha.

 - Bón phân với tỉ lệ cân đối giữa phân chuồng và N:P:K, bón tập trung nặng đầu, nhẹ cuối, không bón thừa phân đạm, chỉ nên bón từ 80 -100kg N/ha là đủ. Khi bị bệnh đạo ôn không để ruộng khô hạn, không bón phân đạm, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.

Khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng đã triển khai có hiệu quả tại từng địa phương để khống chế sự phát triển của bệnh.

- Chế độ nước: Giữ mực nước đầy đủ thường xuyên trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước trong từng giai đoạn của cây lúa, tránh để ruộng khô nước khi bệnh đạo ôn xảy ra.

- Tăng cường chế độ chăm sóc để cây lúa khỏe, làm cỏ sục bùn kịp thời giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt tăng sức đề kháng bệnh.

Biện pháp hóa học:

Để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, phải thăm đồng thường xuyên, nhất là giai đoạn lúa khoảng 40 ngày tuổi cho tới khi trổ. Khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh đạo ôn nên phun thuốc ngừa đặc biệt trên các giống lúa được đánh giá là nhiễm bệnh đạo ôn, phun càng sớm càng tốt.

- Sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo, khi phun nên điều chỉnh béc phun cho hạt thuốc thật mịn để thuốc có thể bám đều trên lá và bông. Lượng nước thuốc phun cũng phải thay đổi tùy thuộc giai đoạn của cây lúa. Giai đoạn đẻ nhánh phun với lượng nước thuốc 320 lít/ha, khi lúa đã vào giai đoạn làm đòng – trỗ phải tăng lượng nước thuốc lên 400 - 500lít/ha để đảm bảo nước thuốc phủ đều khắp diện tích mặt lá và bông lúa.

- Dùng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh đạo ôn như hoạt chất: Tricyclazole (Bimdowmy 750WP), Azoxystrobin 200g/l + Difenoconazole 125g/l (Amistar top 325SC); Isoprothiolane (Fuan 40EC, Fuji - One  40 EC, 40WP, Fuzin 400 EC), Propiconazole 125g/l  + Tricyclazole 400g/l (Filia 525 SE); Iprobenfos (Cantazin 50 EC, Kian 50EC, Kisaigon 50ND, Kitazin 17 G); Carbendazim (Arin 50SC, Binhnavil  50 SC, Zoom 50EC). Liều lượng sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo hướng dẫn trên bao bì.

Tùy thuộc vào áp lực của bệnh có thể phun 1 lần hoặc phun kép. Trường hợp bệnh nặng hoặc điều kiện thời tiết nhiều sương mù, ẩm độ cao thuận lợi cho nấm phát triển thì nên phun thuốc nhắc lại 2 -3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Tuyệt đối không pha thêm những loại phân bón lá có tỷ lệ đạm cao phun xịt cùng với thuốc.

Đối với ruộng sắp trỗ hoặc đang trỗ, nếu thấy thời tiết thuận lợi nên phun 1 đợt để ngừa bệnh tấn công trên cổ bông, bông và hạt lúa, phun tiếp lần 2 sau 10 -15 ngày. Chú ý phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát để không ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của bông lúa.

                                                                                                                   Nguyễn Hoàng Ấn

Các tin khác