Thông tin về tình hình ve sầu mới gây hại cà phê
- Được viết: 28-06-2013 15:55
Ngày 21 tháng 5 năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Lâm Hà tiến hành điều tra tình hình loài ve sầu mới đẻ trứng, gây hại cành cà phê và các cây trồng khác. Kết quả, tổng diện tích nhiễm ve sầu mới 50,85 ha. Trong đó 0,85 ha bị hại nặng với tỷ lệ cành và chỉ số cành bị hại tương ứng là 62,5 – 75% và 10,0 – 15%. Trung bình 5 ha (tỷ lệ hại 37,5 – 50%; chỉ số hại 3,0 – 5,0 %); nhẹ 45 ha (tỷ lệ hại 12,5 – 25%; chỉ số hại 1,0 – 2,5 %).
Ngày 23 tháng 5 năm 2013 Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng có công văn số 133/BVTV đề nghị Trung tâm Nông nghiệp các huyện; thành phố điều tra, phòng trừ loài ve sầu mới đẻ trứng, gây hại cà phê và các cây trồng khác. Theo báo cáo của Trung tâm nông nghiệp các huyện, thành phố trong tháng 5, 6 chưa xuất hiện loài ve sầu mới này gây hại cây trồng tại địa phương (trừ huyện Lâm Hà).
Đến nay, tại Lâm Hà chỉ còn có 35 ha bị nhiễm loài ve sầu mới với tỷ lệ cành bị hại từ 12,5 – 25%; các vườn bị nhiễm này chưa được nông dân tỉa cành, tiêu hủy.
Theo kết quả giám định của Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Lầm – Viện Bảo vệ thực vật, loài ve sầu mới gây hại cà phê tại Lâm Hà có tên khoa học Cryptotympana mandarina Distant. Ve sầu mới có đặc điểm hình thái, đặc điểm gây hại và phân bố như sau:
- Đặc điểm hình thái: Trưởng thành trên lưng có màu đen, dưới bụng có màu vàng cam; sau đuôi có gai nhọn. Kích thước con trưởng thành dài 55 – 60 mm, chiều rộng thân 20 – 22 mm, chiều dài sải cánh 100 – 115 mm. Trứng màu trắng, có kích thước dài khoảng 2 mm, đường kính trứng khoảng 0,5 mm; trứng được đẻ chủ yếu ở các cành cấp 2 của cây cà phê.
- Đặc điểm gây hại: Trưởng thành của loài ve sầu mới hại cành cà phê chỉ xuất hiện cục bộ tại một số thôn, tại các thôn này chỉ có một số vườn bị ve sầu mới tấn công và ở các vườn chỉ xuất hiện rãi rác cây cà phê bị hại. Ve sầu mới đẻ trứng và gây hại chủ yếu trên cành cấp 2 (không hại cành cấp 1) với chỉ số cành bị hại phổ biến từ 1,0 – 5,0%. Ve sầu mới dùng vòi chích vào cành xanh cấp 2 để đẻ trứng làm các cành dinh dưỡng phát triển kém; chồi ngọn, lá ra ít. Bị nặng cả đoạn cành bị chết héo khi còn xanh.
- Cây ký chủ: Ngoài gây hại trên cây cà phê, loài ve sầu mới tại Lâm Hà còn gây hại trên cây bơ, cây cà ry và cây bưởi.
- Phân bố:
- Châu Á: Loài ve sầu Cryptotympana mandarina đã xuất hiện từ lâu ở Châu Á như Trung Quốc, Lào (Distant, 1917), Indonesia (Kato, năm 1930),....
- Ở Việt Nam: Loài ve sầu Cryptotympana mandarina đã xuất hiện ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lai Châu, Thừa Thiên Huế (Pham, năm 2005) … nhưng với tần suất xuất hiện rất thấp.
Cành cà phê bị ve sầu Cryptotympana mandarina distant gây hại |
Trứng của loài ve sầu Cryptotympana mandarina distant |
Chiều dài thân của con trưởng thành |
Chiều rộng thân của con trưởng thành |
Mặt dưới và chiều dài sải cánh của con trưởng thành |
Trên lưng của con trưởng thành |
Hiện nay, Chi cục BVTV Lâm Đồng đang phối hợp với TTNN Lâm Hà tiếp tục theo dõi các pha phát dục của loài ve sầu Cryptotympana mandarina distant gây hại trên cây cà phê và các cây trồng khác.
Để chủ động phòng trừ ve sầu Cryptotympana mandarina distant hại cây trồng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ như sau:
- Biện pháp canh tác: Cắt tỉa; thu gom tiêu huỷ đốt các cành cấp 2, cành tăm mà ve sầu đã đẻ trứng.
- Biện pháp thủ công, vật lý:
- Thu bắt trưởng thành bằng vợt bắt côn trùng.
- Dùng bẫy đèn thu hút trưởng thành ve sầu để tiêu diệt.
- Dùng các lưới nylon bao quanh thân, cành cây ngăn không cho ve sầu đẻ trứng.
- Dùng màng nilon phủ dưới đất xung quanh gốc cây không cho ấu trùng ve sầu sau khi nở chui xuống đất (tháng 6-9).
- Dùng các loại keo dính: có thể dùng keo dính có độ dính cao bôi xung quanh thân cà phê ở đoạn gốc cách mặt đất 10-20cm, nhằm ngăn chặn và tiêu diệt ấu trùng ve sầu từ dưới đất leo lên cây vũ hoá.
- Dùng tăm xe chọc sâu 25-30cm vào lỗ trong đất để giết ấu trùng ve sầu.
- Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch có khả năng hạn chế sự gây hại của ve sầu hại cà phê như kiến, ong, nhện… Dùng nấm Metarhizium anisopliae để phòng trừ ấu trùng ve sầu: sử dụng chế phẩm Metament 90DP (Chi cục đã khảo nghiệm đối với ve sầu) với liều lượng 10gr thuốc + 5 -10 lít nước/gốc tuỳ theo tuổi cây cà phê. Hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học tiêu huỷ trắng thảm thực vật (cỏ dại) nhằm duy trì hệ sinh vật đất và giữ phong phú hệ rễ thực vật, tạo nhiều nguồn thức ăn cho ấu trùng.
- Biện pháp hoá học: Thường xuyên kiểm tra ve sầu hại cà phê, khi ấu trùng ve sầu xuất hiện, có xu hướng gia tăng và gây hại; luân phiên xử lý bằng các loại thuốc sau: Benfuracarb (Oncol 20EC); Diazinon (Cazinon 10 GR); Fipronil (Regent 0.3GR, Suphu 10GR); Chlorpyrifos Methyl (Sago – Super 3 GR) hoặc Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (Tasodant 6GR; 12GR).
Phòng kỹ thuật
Các tin khác
- Ốc bươu vàng hại lúa vụ Hè - Thu 2013 và Biện pháp phòng trừ - 08/05/2013
- Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Đam Rông - 27/10/2013
- Đã định danh loài chân đốt (siêu nhân) gây hại rau tại Đà Lạt - 09/10/2015
- Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phục hồi vườn cà phê vối bị thiệt hại do sương muối tại Lâm Hà - 24/03/2015
- Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor) hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ - 16/07/2014
- Tảo đỏ hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ - 20/08/2015
- Bọt xít muỗi hại điều và biện pháp phòng trừ - 11/09/2014
- Ứng dụng của bẫy đèn phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại huyện Đạ Huoai - 27/05/2013
- Quy trình quản lý tổng hợp bệnh Phytophthora và bọ xít muỗi hại ca cao - 03/09/2014
- Hướng dẫn biện pháp phòng trừ côn trùng chân đốt (siêu nhân) gây hại cây trồng tại Lâm Đồng - 05/05/2015
- Phòng trừ bệnh bạc lá hại lúa - 01/08/2014
- Động vật chân đốt gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ - 17/10/2014
- Một số biện pháp kỹ thuật quản lý nhóm côn trùng chích hút hại hoa hồng mùa khô năm 2014 tại thành phố Đà Lạt - 21/03/2014
- Biện pháp cưa, cắt tỉa cành phục hồi cà phê bị sương muối - 19/03/2015
- Hiện tượng rụng trái cà phê tại xã Tam Bố, huyện Di Linh - 18/07/2014
- Tình hình ve sầu mới gậy hại cà phê tại Lâm Hà - 18/06/2013
- Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa tại Lâm Đồng - 04/07/2014
- Tình hình sâu ăn lá cây cà phê tại Bảo Lộc - 13/06/2014
- Tác nhân gây bệnh héo vàng hoa cúc và bệnh đốm héo xà lách tại thành phố Đà Lạt - 17/05/2017
- Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ - 30/09/2014