Thống kê truy cập

3514425
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
4890
18018
54070
3514425

Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ

Theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu mía đường, loài sâu đục thân mía 4 vạch mới gây hại nặng nhất cho sản xuất mía đường ở tỉnh Tây Ninh, với tỷ lệ cây bị hại biến động từ 30 - 100%.  Khi trưởng thành vũ hóa, khả năng phát tán và lây lan mạnh.

Do là loài sâu hại mía hoàn toàn mới ở Việt Nam nên hầu như chưa có kết quả nghiên cứu nào trong nước đề cập đến nó. Tuy nhiên, đây lại là loài sâu đục thân mía khá phổ biến, đã có mặt từ lâu ở các nước trồng mía xung quanh nước ta như Thái lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh,… nên các kết quả nghiên cứu về nó ở ngoài nước cũng đã có.

1. Đặc điểm của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu

- Tên khoa học của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới này là Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc Họ Ngài sáng (Pyralidae), Bộ Cánh vảy (Lepidoptera). Để phân biệt với loài sâu đục thân 4 vạch đầu vàng cũ có tên khoa học là Chilo sacchariphaugus Bojer đã có ở Việt Nam từ lâu.

- Sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu có vòng đời trung bình từ 44 - 54 ngày. Trong đó giai đoạn trứng khoảng 9 ngày; giai đoạn sâu non có từ 5 - 7 tuổi, kéo dài từ 25 - 30 ngày; giai đoạn nhộng từ 7 - 10 ngày; giai đoạn trưởng thành là từ 3 - 5 ngày.

- Trứng thường được đẻ vào ban đêm, thành từng ổ có từ 4 - 5 hàng trứng, có màu trắng trên cả 2 mặt của phiến lá mía, mỗi ổ trứng có từ 27 - 370 quả trứng, có tỷ lệ nở trung bình đạt 96,96% trong điều kiện tự nhiên.

Có thể phân biệt giữa 2 loài sâu đục thân mía như sau:

- Sâu đục thân 4 vạch đầu nâu mới xuất hiện:

+ Sâu non có đầu màu nâu vàng đến sẫm, các chấm trên cơ thể to, màu xám mờ, mảnh lưng ngực trước có màu nâu đậm, sâu non tuổi cuối có kích thước rộng từ 3,25 - 3,92mm và dài từ 19,12 - 23,22mm. Sâu non sau khi nở từ trứng thường theo nhau bò xuống bẹ lá và tập trung đục vào trong lóng mía của chính lá đó để gây hại. Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều con cùng gây hại trên 1 cây, sâu có thể đục ăn xuyên qua 3 - 5 lóng mía và ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân chỉ trong vòng 2 - 3 tuần, làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi.

+ Sâu non đẫy sức thường hóa nhộng ngay trong lỗ đục ở trong thân cây mía. Nhộng sâu màu nâu đỏ, có kích thước rộng từ 2,87 - 4,89mm, dài từ 10,98 - 14,93 mm.

+ Ngài trưởng thành có màu nâu đến nâu nhạt, ngài cái lớn hơn ngài đực, sải cánh rộng từ 26,21 - 28,24mm, thân dài từ 14,53 - 18,24mm, chủ yếu hoạt động vào ban đêm nhưng có xu tính ánh sáng yếu (ít vào đèn)

+ Một cây mía bị hại có thể có từ 5 - 7 con, thậm chí 50 - 60 con sâu non. Cây mía bị hại sẽ bị chết khô rất nhanh, Nếu cây mía bị hại ở thời kỳ sắp bước sang giai đoạn chín thì  hầu như không còn khả năng phục hồi cũng như cho thu hoạch về sau.

- Để phân biệt rõ với loài sâu đục thân 4 vạch cũ trước đây: đầu màu vàng nhạt, các chấm trên cơ thể nhỏ, màu tím đen, lộ rõ; mảnh lưng ngực trước có màu trắng, viền nâu đen, sâu non tuổi cuối thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình. Sâu non chủ yếu gây hại đơn lẻ, chỉ 1 - 2 sâu non/cây và cây mía bị hại thường chỉ bị tổn thương nhẹ, vẫn có thể cho thu hoạch về sau.

 

2. Quy luật phát sinh

Điều kiện thích hợp để cho loài sâu đục thân mía 4 vạch mới này bay tới đẻ trứng và phát sinh gây hại là ở giai đoạn mía được 5 - 6 tháng tuổi, độ ẩm không khí trong ruộng mía đang ở mức cao từ 70 - 80%, nhất là rơi vào các tháng mùa mưa ẩm ướt hoặc trên ruộng mía thoát nước kém, ngập úng kéo dài.

Điều đáng chú ý là dù xuất hiện ít phổ biến hơn các loài sâu đục thân mía khác, nhưng một khi nó xuất hiện và gây hại thì thiệt hại thường rất lớn, có khi lên tới 100%. Hàng năm, mật số sâu trên đồng mía thường bắt đầu tăng lên từ tháng 3, đạt đỉnh cao vào tháng 6 - 7 - 8, rồi bắt đầu giảm dần và đạt mức thấp nhất vào tháng 1 - 2 năm sau.

Các loài thiên địch chính của loài sâu đục thân mía mới này gồm có ong kén trắng kí sinh sâu non Cotesia flavipes, ong Tetrastichus sp. kí sinh nhộng, ong đen Telenomus sp. và ong mắt đỏ Trichogramma chilotraeae kí sinh trứng.

3. Biện pháp phòng trừ

Việc phòng trừ sâu đục thân mía nói chung, loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mới nói riêng là việc làm hết sức khó khăn do cây mía có sinh khối lớn, cây cao, to, thời gian sinh trưởng kéo dài, lại thường được thâm canh, trồng dày, lưu gốc nhiều năm,…

- Sử dụng giống ít nhiễm sâu như U-Thong 1, F156, K90-54…;

- Trồng cây khỏe (bón phân cân đối, tưới tiêu nước hợp lý, làm cỏ kịp thời, chăm sóc, xới xáo tốt); biện pháp thăm đồng thường xuyên để phát hiện và tiêu diệt sâu sớm; biện pháp dùng bẫy pheromon, bẫy đèn,…

- Bảo vệ, nhân nuôi và thả các loài ong kí sinh như ong mắt đỏ Trichogramma, ong kén trắng Cotesia flavipes, ong Tetrastichus sp., hay bọ đuôi kìm Euborellia sp;

- Biện pháp hóa học: Cần phát hiện sớm và áp dụng biện pháp hóa học khi sâu non mới nở chưa đục vào trong thân cây. Phun thuốc tốt nhất là vào thời điểm sau khi phát hiện trưởng thành ra rộ khoảng 15-20 ngày.

Có thể sử dụng một số loại thuốc có các hoạt chất sau để phòng trừ: Carbosulfan (Marshal 3GR, 5GR); Dimethoate + Fenobucarb (Caradan 5GR);  Permethrin (Tungperin 50 EC);

Các biện pháp này phải được áp dụng sớm, đồng bộ, thường xuyên, liên tục từ trước khi trồng mía, cho đến khi thu hoạch và chăm sóc mía gốc sau thu hoạch.

                                                                                                                                  Trần Thị Cúc

Các tin khác