Một số giống, tiềm năng và dịch hại trên cây mắc ca tại Lâm Đồng
- Được viết: 17-10-2014 15:36
Cây mắc ca có tên gọi chung là Macadamia, chi Macadamia gồm có 18 loài, nhưng nổi bật là 2 loài Macadamia tetraphylla (mắc ca vỏ hạt nhám hay mắc-ca mép lá răng cưa) và Macadamia integrifolia (mắc ca vỏ hạt láng hay mắc-ca lá nguyên) thuộc họ Proteaceae đã được gây trồng trên quy mô thương mại.
Sản phẩm chính của cây mắc ca là hạt, hạt mắc ca có hương vị thơm ngon. Theo kết quả phân tích của Wenkham và Miller năm 1965, thành phần dinh dưỡng trong nhân hạt mắc ca như sau: Chất béo 78,2%, các hợp chất đường 10%, các hợp chất đạm (protein) 9,2%, hàm lượng nước 1,5-2,5 % (nhân đã được làm khô theo yêu cầu bảo quản lâu dài), Kali 0,37%, Phôt-pho 0,17%, Ma-nhê 0,12%.
Hiện nay toàn thế giới đã tuyển chọn và đặc tên gây trồng được trên 50 dòng phổ biến nhất là các dòng của Úc và Hawaii.
Đến nay tất cả các trang trại gây trồng mắc-ca trên thế giới đều đã đi đến nhận thức chung là nhân tố quyết định thành công của việc gây trồng mắc-ca quy mô thương mại là giống, phải dùng các dòng vô tính đã được tuyển chọn thích hợp với lập địa của mình mới mong đạt được sản lượng và chất lượng cao.
Các dòng tuyển chọn và gây trồng rộng rãi tại Hawaii
Tất cả các dòng do Hawaii tuyển chọn đều có phiên hiệu chung là HAES - chữ cái đầu trong tên tiếng anh của trạm thực nghiệm nông nghiệp Hawaii: Keauhou (HAES 246), Kakea (HAES 508), Ikaika (HAES 333), Keaau (HAES 660), Kau (HAES 344), Mauka (HAES 471), Makai (HAES 800), Purvis (HAES 294), Pahala (HAES 7880), ...
Các dòng được tuyển chọn và gây trồng tại Úc
Own Choice (O.C), Hinde (H2), A4 (X64), A16 (X61), Reown (D4), Greber Hybrid-, Heilsher-, Daddow-, Nutty Glen-, Mason 97-, ...
Các dòng vô tính trồng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã thu thập được 20 giống mắc ca, chủ yếu là các giống mắc ca thương mại trên thế giới như: H2, 508, OC, 814, 246, 344, 741, 660, A4, A16, A38, A268, A203, 246, 344, DAD, Quế nhiệt ... và thử nghiệm trồng từ năm 2002, qua quá trình theo dõi cho thấy giống có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên là OC, H2, A38. Sau 9 năm trồng, năng suất trung bình của giống OC và H2 đạt xấp xỉ 8kg/cây/năm, tương đương so với năng suất trung bình trồng tại Úc và cao hơn so với Trung Quốc (năng suất ở Úc 8 kg và Trung Quốc 6,58ka). Điều này cho thấy cây mắc ca có tiềm năng phát triển ở một số vùng sinh thái trên địa bàn Tây Nguyên (Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên).
Ở Đăk Lăk và Lâm Đồng theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, từ năm 2006 đã nghiên cứu 3 phương thức trồng xen: trồng xen với cà phê vối, trồng xen với cà phê chè, trồng xen với ca cao trên diện tích 3 ha, mật độ 138-166 cây/ha. Các giống được trồng là H2, 508 và OC. Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại nghiêm trọng, giống OC là giống khá phù hợp với điều kiện ở sinh thái tại Đăk Lăk, cây macadamia trồng xen với cà phê chè tại Bảo Lộc Lâm Đồng sinh trưởng tốt hơn so với trồng xen ca cao hoặc xen với cà phê vối tại Đăk Lăk.
Đối với vườn trồng xen với cà phê vối tại Đăk Lăk, sau 5 năm cho tỷ lệ cây ra hoa trên toàn vườn đạt hơn 70%, năng suất ban đầu đạt được từ 1,3-1,5kg/cây.
Vườn trồng xen ca cao tại Đăk Lăk cho tỷ lệ ra hoa đậu quả sau 5 năm trồng đạt trên 50%, năng suất trung bình đạt 0,5kg/cây.
Vườn mắc ca trồng xen cà phê chè tại Bảo Lộc – Lâm Đồng cho tỷ lệ ra hoa và đậu quả khá tốt sau 5 năm trồng, với tỷ lệ ra hoa trên toàn vườn đạt 80% và năng suất ban đầu đạt 1,4kg/cây.
Mắc ca là loài cây mới được đưa vào gây trồng tại Tây Nguyên với quy mô thử nghiệm, bước đầu cho thấy cây mắc ca có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái của vùng, đặc biệt là những vùng có khí hậu lạnh. Sau 9 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất từ 7-9 kg hạt/cây với một số giống, cá biệt có những cây cho năng suất hơn 10kg/cây/năm. Nếu so sánh với năng suất của vùng nguyên sản cây mắc ca, tại Úc vào năm thứ 10 năng suất trung bình trên cây đạt 10 kg hạt/năm, vào giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 12 trở đi) năng suất trung bình trên cây chỉ cần từ 12-15kg là đạt hiệu quả.
Tại Lâm Đồng, tính đến tháng 9 năm 2013, diện tích trồng cây mắc ca khoảng 489,9ha và được trồng xen (chủ yếu là cà phê) hầu hết ở các huyện tại Lâm Đồng, trừ 03 huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) do cây mắc ca tương đối chịu lạnh, nhiệt độ tốt nhất cho sinh trưởng là 20 – 250C nhiệt độ bình quân ban đêm khoảng 20 – 210C. Nguồn giống được Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Công ty Đức Anh và một số người dân tự phát đã gây trồng tại lâm Đồng chủ yếu một số giống sau: OC, H2, 508, 695, 900, OC, 741, 816, 842, 849, 800, 246, …
Từ năm 2005-2013, giá bán hạt mắc ca trên thị trường thế giới vào khoảng 2-3 USD/kg hạt, tương đương khoảng 40.000-60.000 đồng/kg. Theo kết quả của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây mắc ca ghép sau khi trồng 5 - 6 năm đã cho thu hoạch đáng kể. Một ha mắc ca trồng thuần ở một số vùng của Tây nguyên với mật độ 286 cây/ha (khoảng cách 5x7m) đến 330 cây/ha (5x6m), vào thời điểm thu hoạch chính từ năm thứ 8 trở đi có thể cho năng suất vào khoảng 3-5 tấn hạt/ha/năm, với giá bán 60.000 đồng/kg hạt thì giá trị thu được từ 180 triệu đến 300 đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 100 đến 120 cây/ha, năng suất mắc ca thu được vào thời kỳ kinh doanh vào khoảng từ 1,2 đến 1,5 tấn hạt/ha, thì giá trị thu được tăng thêm từ mắc ca trồng xen sẽ từ 60 đến 80 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.
Như vậy có thể nói cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Tuy nhiên đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản suất, đặc biệt là công tác chọn giống và quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca.
Giống OC Giống H2
Giống 508 Giống 800
Giống 695 Giống khác
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Qua kết quả đều tra thành phần sâu bệnh hại trên cây mắc ca của Chi cục BVTV Lâm Đồng cho thấy, thành phần sâu bệnh hại chưa phổ biến, mức độ gây hại ở mức độ nhẹ.
Các đối tượng sâu hại gồm: Bọ nẹt, rầy mềm, sâu kèn nhỏ, rệp sáp, sâu đo đen vằn trắng, sâu cuốn lá …
Rầy mềm (Toxoptera sp.) Rệp sáp (Pseudococus sp.)
Bọ nẹt (Chưa xác định) Sâu kèn nhỏ (Acanthopsyche sp.)
Sâu đo đen văn trắng (Chưa xác định) Sâu đục thân mình hồng (Zeuzera sp.)
Các đối tượng bệnh hại bao gồm bệnh xì mủ thân, bệnh chổi rồng, bệnh khô ngọn, thán thư làm thối hoa, nám quả.
Xì mủ thân (Phytophthora sp.) Bệnh chổi rồng (Phytoplasma)
Bệnh khô ngọn (chưa xác định)
- Biện pháp phòng trừ
+ Biện pháp canh tác: Lựa chọn và trồng giống kháng bệnh (tìm hiểu các giống được phép sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ở các trung tâm giống có uy tín và chất lượng), chỉ sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, sạch bệnh và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành, lá, hoa bị hại tiêu hủy.
+ Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch trên vườn trồng mắc ca như: nhện, kiến vàng, ong bắp cày, chim, bọ ngựa, bọ rùa có khả năng ăn ấu trùng của một số loài sâu hại như: rệp sáp, bọ xít, nhện đỏ, bọ cánh cứng ... Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học để phòng trừ.
+ Biện pháp hóa học: Trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam năm 2013(Ban hành kèm theo Thông tư số 21 /2013/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây mắc ca.
Khi sâu, bệnh hại mới phát sinh gây hại và có xu hướng phát triển như rệp sáp, rầy mềm, sâu đục thân mình hồng có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Diazinon, Cypermethrinđể phòng trừ. Bệnh xì mủ thân có thể tham khảo các hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb hoặc Mancozeb + Metalaxyl – M để phòng trừ. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực của thuốc và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng ./.
Các tin khác
- Sâu xanh hại muồng hoa đào ở Lâm Đồng - 16/05/2014
- Hơn 600 ha cây trồng bị sương muối gây hại tại Lạc Dương - 14/03/2015
- Tập huấn hướng dẫn biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối trên cà phê chè - 18/03/2015
- Biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng hại cây hoa hồng - 02/06/2015
- Động vật chân đốt gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ - 17/10/2014
- Ốc bươu vàng hại lúa vụ Hè - Thu 2013 và Biện pháp phòng trừ - 08/05/2013
- Tình hình sâu đục thân gây hại cà phê - 23/05/2014
- Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ - 30/09/2014
- Biện pháp cưa, cắt tỉa cành phục hồi cà phê bị sương muối - 19/03/2015
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại Lâm Đồng - 22/03/2013
- Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Đam Rông - 27/10/2013
- Hiện tượng rụng trái cà phê tại xã Tam Bố, huyện Di Linh - 18/07/2014
- Tình hình sâu đục thân mình trắng hại cà phê chè tại Đà Lạt năm 2013 và biện pháp phòng trừ - 01/07/2013
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ ruồi vàng hại mít tại Lâm Đồng - 27/05/2013
- Công tác điều tra DTDB sâu bệnh hại cây trồng 6 tháng đầu năm 2012 - 27/06/2012
- Phòng trừ sâu xanh đục trái (Heliothis armigera) hại cây cà chua - 08/05/2015
- Bệnh thối trái dâu tây tại Đà Lạt và biện pháp phòng trừ - 19/06/2013
- Sâu gây u bướu cây sao đen (Cydia sp.) tại Lộc Bắc - 16/05/2017
- Tình hình gây hại của bệnh héo rũ trên cây hoa cẩm chướng tại Đà Lạt - 03/03/2016
- Công văn số 1602/BVTV-TV ngày 26/7/2013 của Cục Bảo vệ thực vật về việc phòng chống bệnh bạc lá lúa - 26/07/2013