Thống kê truy cập

3544016
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
612
22704
83661
3544016

Bệnh thối trái cà chua và biện pháp phòng trừ

Hiện nay, do điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh và gây hại cà chua trong đó bệnh thối trái gây thiệt hại về năng suất và phẩm chất quả thu hoạch, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.

            Bệnh thối trái trên cà chua do 3 tác nhân chính gây ra bao gồm: thối trái do bệnh mốc  sương (cháy muộn), thối trái do bệnh đốm vòng (cháy sớm) và do bệnh thán  thư. Để chủ động phòng chống bệnh  thối trái cà chua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn biện pháp phòng trừ như sau:

1. Thối trái do bệnh mốc sương (Phytophthora infestans) gây ra

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình trải qua 3 giai đoạn: mất màu, rám nâu và thối rữa

            - Trên quả non: vết bệnh có màu nâu, bệnh phát triển rất nhanh bao quanh quả làm cho quả bị rụng sớm

            - Trên quả lớn: vết bệnh xuất hiện từ nuốm quả hoặc ở giữa quả. Đầu tiên vết bệnh có màu nâu  nhạt sau chuyển qua nâu đậm rồi nâu đen, vết bệnh lan khắp bề mặt quả làm cho quả khô cứng, bề mặt sần sùi lồi lõm, thịt quả bên trong có màu nâu, khoảng trống trong quả có tản nấm trắng. Khi trời ẩm ướt trên bề mặt quả bệnh có lớp nấm trắng xốp bao phủ sau đó quả bệnh thối đen nhũn và có nhiều nấm thứ cấp khác xâm nhập.

Bệnh thối trái do nấm Phytophthorainfestans gây ra

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh:

            Bệnh do nấm Phytophthora infestans (Mont) De Bary thuộc bộ Peronosporales, họ Pythiaceae, lớp nấm trứng Oomycetes.

            - Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết ẩm và mát, nhiệt độ từ 18-220C.

  2. Thối trái do bệnh đốm vòng (Alternaria solani) gây ra

Triệu chứng

            Vết bệnh xuất hiện đầu tiên ở cuống hoặc tai quả, hình tròn, màu nâu sẫm, hơi lõm xuống, hình thành những đường vòng đồng tâm màu đen, quả dễ bị rụng.

Bệnh thối trái do nấm Alternaria solani gây ra

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh

            Bệnh do nấm Alternaria  solani (Ell. & Mart.) L.R.Jone & Grout gây ra. Nấm thuộc họ Dematiaceae, bộ Moniliales, lớp nấm bất toàn. Sợi nấm có vách ngăn, phân nhánh, màu nâu tối;

            Bào tử phân sinh nảy mầm trong giọt nước sau 1 – 2h ở phạm vi nhiệt độ 16 – 340C, nhiệt độ thích hợp nhất cho nấm phát triển là 26 – 280C,.

            Nấm xâm nhập vào cây qua lỗ khí khổng hoặc vết thương hoặc trực tiếp qua biểu bì. Trong điều kiện thuận lợi, thời kỳ tiềm dục của bệnh là 3 – 4 ngày và sau đó 3 – 4 ngày nấm có thể sinh bào tử mới. Thông thường thời kỳ tiềm dục kéo dài 8 – 10 ngày. Trời càng nhiều mưa và sương thì bào tử phân sinh hình thành càng nhiều.

            Nấm gây bệnh có thể tồn tại trong hạt giống, tồn tại trong tàn dư thực vật hoặc cây cà chua hoang dại và cây hoang dại thuộc họ cà.

3. Thối trái do bệnh thán thư (Colletotrichum coccodes) gây ra

Triệu chứng

            Bệnh  chỉ có triệu chứng trên trái chín. Vết lõm nhỏ xuất hiện và mở rộng đường kính đến 12 mm. Ở giữa chuyển sang màu vàng nâu nhạt.Đĩa cành sản sinh ra đa số bào tử màu hồng cam trên bề mặt vết thương.

Bệnh thối trái do nấm Colletotrichum coccodes gây ra

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh

            Bệnh do nấm Collectotrichum coccodes gây ra, thuộc lớp nấm Bất toàn: Deuteromycetes

            Nấm chỉ sinh ra các phân sinh bào tử hình trứng dài, không màu, đơn bào. Nấm bệnh phát triển thích hợp ở nhiệt độ - 300C và ẩm độ cao; Nấm tồn tại trên cây và quả cà chua bị bệnh, lan truyền sang vụ sau.

4.Biện pháp phòng trừ

 Biện pháp canh tác

            - Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy những quả cà bị bệnh, cắt tỉa loại bỏ các lá già, lá bệnh.

            - Trồng cây giống sạch bệnh.

            - Trồng cây với mật độ thích hợp từ 20.000 -24.000 cây/ha

            - Luân canh cây trồng khác họ

 Biện pháp hóa học

Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam         

            - Đối với bệnh thối trái do nấm mốc sương gây ra: sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất sau: Chlorothalonil (Daconil 75WP, 500SC); Copper Hydroxide (Champion 57.6 DP); Cuprous Oxide (Norshield 86.2WG); Cyazofamid (Ranman 10 SC);Fosetyl Aluminium (Aliette  800 WG); Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 75WP); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Mancozeb + Metalaxyl-M (Ridomil gold 68WG; Romil 72 WP,…

            - Đối với bệnh thối trái do bệnh đốm vòng gây ra: : sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất sau:Azoxystrobin (Amistar 250 SC); Propineb (Antracol 70WP); Zineb (Zineb Bul 80WP); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC; Trobin top 325SC);  Chlorothalonil (Arygreen 75 WP; Chionil 750WP; Forwanil 75WP);  Difenoconazole (Score 250 EC);  Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold),…

            - Đối với bệnh thối trái do bệnh thán thư gây ra: sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất sau: Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG);  Oxytetracycline + Streptomycin (Miksabe 100WP); Azoxystrobin + Dimethomorph + Fosetyl-aluminium (Map hero 340WP),…

            Lưu ý phun theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì và đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.

                                                                                                       Nguyễn Thị Thanh Hà

Các tin khác