Ứng dụng của bẫy đèn phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại huyện Đạ Huoai
- Được viết: 27-05-2013 08:00
Trong những năm gần đây, sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên rất nhiều loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: khoai lang, mía, cây tiêu, ca cao, cà phê, măng cụt, mít, cao su, khoai mỳ … Trong năm 2012, tổng diện tích cây trồng bị sùng trắng gây hại là 185 ha (Đạ Huoai 180 ha, Cát Tiên 5 ha), với mật độ 3 - 5 con/gốc. Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung, có 3 loại gây hại trên cây trồng bao gồm: Bọ hung đen - Allissonotum impressicolle, bọ hung nâu -Holotrichia sinensis; Bọ hung xanh - Anomata sp.Bọ hung thuộc họ bọ rầy Scarabaeidae, bộ cánh cứng Coleoptera.
Sùng trắng vũ hóa từ tháng 02 đến tháng 5 hàng năm; trưởng thành có tập tính ban ngày chui xuống đất, chập tối bay ra ăn hại cây trồng; sâu non có 3 tuổi màu trắng xám đến trắng sữa, thời gian sâu non từ tháng 6 đến tháng 8.
Để chủ động phòng trừ sùng trắng ngay từ đầu vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai thực hiện mô hình: “Phòng trừ tổng hợp sùng trắng gây hại cây trồngtại xã Đạmri, xã Đạ Tồn huyện Đạ Huoai” trong đó nội dung bẫy đèn thu hút trưởng thành của sùng trắng bước đầu cho kết quả khá cao:
- Trong thời gian từ ngày 15/3/2013 đến 27/3/2013, lắp đặt 12 bẫy đèn thu bắt trưởng thành của sùng trắng tại xã Đạmri (4 bẫy) và Đạ Tồn (8 bẫy).
- Quy cách thiết kế bẫy đèn như sau:
Bẫy đèn sùng trắng
+ Đào hố có chiều dài 2,0 m, chiều rộng 1,0 m, chiều sâu 0,5 m.
+ Vật liệu: Tấm tôn dài 2,0 m, rộng 1,0 m, Bóng đèn bốn chữ U (55W) sử dụng điện thắp sáng 220 V, ni lon màu trắng, khung sắt, cây chống.
+ Lắp đặt bẫy: Trải một lớp ni lon màu trắng dưới mặt và xung quanh hố, nước trong hố được pha thêm nhớt. Khoảng cách từ hố chứa nước lên bẫy đèn: 1,6 m. Chiều cao đặt bẫy: 2,6 m
- Thời gian chiếu sáng của bẫy đèn từ 18 giờ 30 phút đến 22 giờ mỗi đêm.
- Kết quả theo dõi trưởng thành của sùng trắng vào bẫy đèn:
Số lượng trưởng thành của sùng trắng vào bẫy đèn tính đến hết ngày 12/4/2013 cho thấy: Tại xã Đạ Tồn số lượng trưởng thành sùng trắng vào bẫy trung bình 39,3 con/bẫy/đêm, cao nhất 141 con/bẫy/đêm; tại xã Đạmri số lượng trưởng thành sùng trắng vào bẫy trung bình 246,5 con/bẫy/đêm, cao nhất 540 con/bẫy/đêm.
Ngoài phương pháp ứng dụng bẫy đèn phòng trừ sùng trắng, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai khuyến cáo nông dân áp dụng phương pháp trồng khoai lang dẫn dụ sùng đến đẻ trứng, khi ấu trùng xuất hiện sẽ tấn công củ khoai, tiến hành thu gom tiêu diệt sùng. Dùng phân chuồng làm bẫy dẫn dụ trưởng thành đẻ trứng thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt; trồng cây hoa dã quỳ xen lẫn quanh vườn để xua đuổi sùng trắng.
Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai tiếp tục thực hiện mô hình phòng trừ tổng hợp để phòng trừ sùng trắng. Kết quả mô hình là cơ sở khuyến cáo cho nông dân áp dụng trên diện rộng.
Nguyễn Văn Danh
Các tin khác
- Thông tin về tình hình ve sầu mới gây hại cà phê - 28/06/2013
- Tình hình lúa bị vàng lá, chậm phát triển và biện pháp khắc phục tại huyện Đam Rông - 31/03/2015
- Hiện tượng héo vàng hoa cúc tại thành phố Đà Lạt - 26/04/2017
- Rừng trồng keo lai tại Đạ Tẻh bị bệnh nấm hồng gây hại - 10/03/2014
- Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor) hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ - 16/07/2014
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ ruồi vàng hại mít tại Lâm Đồng - 27/05/2013
- Tình hình ve sầu mới gậy hại cà phê tại Lâm Hà - 18/06/2013
- Công tác phòng trừ bệnh phấn trắng hại cao su huyện Đạ Huoai. - 16/05/2014
- Bệnh thối trái cà chua và biện pháp phòng trừ - 15/09/2014
- Tình hình sâu ăn lá cây cà phê tại Bảo Lộc - 13/06/2014
- Bệnh đốm héo rau xà lách scarole tại Đà Lạt - 15/05/2017
- Đặc điểm hình thái sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hại mía và biện pháp phòng trừ - 30/09/2014
- Tảo đỏ hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ - 20/08/2015
- Biện pháp cưa, cắt tỉa cành phục hồi cà phê bị sương muối - 19/03/2015
- Một số giống, tiềm năng và dịch hại trên cây mắc ca tại Lâm Đồng - 17/10/2014
- Bệnh sưng rễ hại rau họ thập tự và biện pháp phòng trừ - 19/06/2014
- Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư (Colletotrichum gloesporioides, Colletotrichum cofeanum) hại cây cà phê - 13/08/2015
- Thực trạng và giải pháp phòng trừ sùng trắng hại cây trồng tại Lâm Đồng - 22/03/2013
- Động vật chân đốt gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ - 17/10/2014
- Tình hình bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Đam Rông - 27/10/2013