Thống kê truy cập

4599983
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
553
17610
94942
4599983

Tình hình tuyến trùng gây hại cây dâu tằm và các giải pháp phòng trừ

Tình hình tuyến trùng gây hại cây dâu tằm và các giải pháp phòng trừ

Tuyến trùng hại dâu tằm là đối tượng dịch hại mới, xuất hiện tại Lâm Đồng từ cuối năm 2019 tại Đạ Huoai với diện tích gây hại khoảng 12ha. Năm 2020 -2021, bệnh đã lan rộng và gây hại 425ha tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh (nhiễm nặng 89ha). 7 tháng đầu năm 2022 diện tích dâu tằm nhiễm tuyến trùng tiếp tục tăng lên 700ha (129,7ha nhiễm nặng) chủ yếu tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Cát Tiên.

Kết quả phân tích, giám định của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật xác định loài tuyến trùng gây hại trên dâu tằm là Meloidogyne sp., đây là loài tuyến trùng nội ký sinh thường chui vào trong rễ, nằm bên trong và  chích hút các tế bào trong rễ cây tạo ra các nốt sần trên rễ. Tuyến trùng gây hại làm tổn thương bộ rễ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm trong đất phát triển ức chề quá trình hút nước và chất dinh dưỡng của cây gây thối rễ, vàng lá và chết cây.

Cây dâu tằm bị bệnh thường phát triển còi cọc, các lá già vàng trước, sau đó lan dần lên các lá non phía trên làm cho lá bị cháy và rụng, cây bị nặng rụng hết lá và chết. Bộ rễ có các cục u sưng sần sùi với kích thước to, nhỏ khác nhau tùy mức độ gây hại của tuyến trùng, u sưng xuất hiện ở cả các rễ nằm dưới mặt đất và các rễ ăn nổi trên mặt đất.

 

Triệu chứng gây hại của bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm

Tuyến trùng có khả năng tồn tại trong đất lâu ngày, phát triển và gây hại nặng vào mùa mưa. Tuyến trùng di chuyển hạn chế trong đất, chủ yếu lan truyền qua nước mưa, nước tưới, dụng cụ lao động. Tuyến trùng không thể tồn tại trong đất khô nhưng có thể sống được trong đất có độ ẩm 100% (đặc biệt loài Meloidogyne sp.). Đất có kết cấu sét nhiều thì tỷ lệ tuyến trùng ít hơn đất cát, đất có pH thấp (đất chua) mật độ tuyến trùng nhiều.

Hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn mùa mưa, nhiều khu vực trồng dâu tằm tại các địa phương như Đạ Tẻh, Lâm Hà thuộc các vùng trũng thấp đang bị ngập lụt, nước chảy tràn, nguy cơ bệnh tuyến trùng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng chống, hạn chế bệnh tuyến trùng lây lan trên diện rộng, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

          Một số giải pháp phòng trừ tuyến trùng hại cây dâu tằm.

- Đối với các diện tích nhiễm nặng (>30% số cây bị bệnh): Bà con nông dân cần thực hiện tốt biện pháp luân canh, chuyển đổi sang các cây trồng khác như bắp, mè, lạc, đậu từ 2 -3 vụ trước khi trồng lại cây dâu tằm. Khi trồng mới lại dâu tằm cần áp dụng các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, xử lý đất phòng trừ tuyến trùng, sử dụng cây giống sạch bệnh theo quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh tuyến trùng hại dâu tằm đã hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt & BVTV.

- Đối với các diện tích nhiễm nhẹ - trung bình (<30% cây bị bệnh): Tuyên truyền, vận động nông dân nhổ bỏ các cây bị hại nặng, thu gom toàn bộ rễ cây bị bệnh đưa ra khỏi khu vực trồng để tiêu hủy. Rải vôi vào các gốc đã nhổ bỏ kết hợp sử dụng các loại thuốc BVTV đã được khuyến cáo phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm như  Sincosin 0.56SL (10ml/8lit) + Argispon 0.56SL (10ml/8 lít), lượng nước thuốc 150 lít/ha  để phòng trừ. Xử lý 2 lần cách nhau 15 ngày.

Nếu mật số tuyến trùng còn cao,  luân phiên với các loại thuốc như Tiêu tuyến trùng 18EC (hoạt chất tinh dầu quế 18%), liều lượng sử dụng 100ml/8 lít, hoặc Tervigo 020SC (hoạt chất Abamectin), liều lượng 0,5 lít/ha, lượng nước thuốc 1.500 lít/ha kết hợp với các chế phẩm sinh học như Trichoderma spp. để phòng trừ tuyến trùng và nấm bệnh trong đất. Thời điểm xử lý thuốc trừ tuyến trùng tốt nhất là ngay sau khi kết thúc thu hoạch lá hoặc sau cắt cành (bắt đầu lứa dâu mới) để không ảnh hưởng đến tằm.

Ngoài ra bổ sung chế phẩm kích thích ra rễ như Ric 10WP, phân hữu cơ (phân chuồng hoặc phân tằm đã ủ hoai mục, từ 15 -20 tấn/ha) kết hợp bón đầy đủ phân đa lượng NPK đặc biệt phân lân để phục hồi và phát triển bộ rễ cây.

 

Vũ Thúy - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng

Các tin khác