Thống kê truy cập

4474341
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1291
1291
111974
4474341

Tình hình gây hại của bệnh xoăn lá virus trên cây cà chua tại huyện Đơn Dương

Cà chua là cây rau ăn quả được trồng phổ biến tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Hiện nay, Lâm Đồng canh tác khoảng 2.480ha cà chua trong đó huyện Đơn Dương 2.100ha. Phần lớn diện tích cà chua sử dụng giống Rita (98%), một số ít diện tích trồng giống Ana.

Bệnh xoăn lá cà chua đã xuất hiện tại Lâm Đồng từ 2005 - 2006, tuy nhiên từ giữa tháng 7/2016, bệnh đột biến gia tăng nhanh về diện tích và mức độ gây hại tại khu vực xã Ka Đơn – huyện Đơn Dương. Bệnh gây hại phổ biến cà chua ở giai đoạn từ 20 – 45 ngày sau trồng. Triệu chứng gây hại chủ yếu là đọt non xoăn lại, chuyển sang màu tím, lá non xoăn vào trong và hướng lên trên, cây thấp, lùn, không phát triển. Đến nay, riêng xã Ka Đơn đã có 30ha nhiễm bệnh  trong đó 30/30 ha nhiễm nặng, TLH từ 15 – 80% cây, trong đó một số diện tích nông dân đã nhổ bỏ trồng cây khác. Mật độ côn trùng chích hút (bọ phấn 1,5 – 3 con/cây, bọ cưa 1 -1,5 con/cây).

Với các triệu chứng biểu hiện của bệnh xoăn lá trên các diện tích cà chua bị hại, Chi cục Trồng trọt & BVTV Lâm Đồng xác định nguyên nhân do virus (chủ yếu loài TYLCV gây xoăn lá chùn ngọn - Tomato yellow  leaf  curl  virus, ngoài ra còn một số virus khác như TSWV - tomato spotted wilt virus gây đốm héo, TMV -Tobaco mosaic virus vàCMV (Cucumber mosaic virus) gây khảm lá.

 Vườn cà chua bị virus tại xã Ka Đơn huyện Đơn Dương

Bệnh xoăn lá do virus là loại bệnh hại nguy hiểm trên các loại cây trồng nói chung và cà chua nói riêng. Bệnh lây nhiễm vào cây khỏe qua “véc tơ” là côn trùng môi giới hoặc lây lan cơ giới qua đất, tàn dư thực vật, cỏ dại, công cụ lao động, tay người làm vườn tùy theo loài virus. Đến nay chưa có thuốc hóa học đặc trị bệnh do virus. Vì vậy để hạn chế sự lan truyền của bệnh, cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:

* Biện pháp PTTH bệnh virus tạivườn ươm

- Vườn ươm giống phải cao ráo, thông thoáng, sau mỗi lần xuất vườn phải xử lý dụng cụ vườn ươm. Vật liệu ươm giống phải phơi khô, hoai mục.

- Dùng lưới côn trùng để bảo vệ cây con.

- Hạt giống trước khi ươm phải được xử lý bằng nước nóng (3 sôi, 2 lạnh) hoặc ngâm hạt giống cà chua trong dung dịch Na2PO4 (10%) trong 2 giờ, sau đó xả lại trong nước sạch 40phút, trải hạt trên giấy hút ẩm để làm khô.

- Quản lý tốt côn trùng môi giới truyền bệnh: Sử dụng các loại thuốc: Oshin 20WP, Sokupi 0.36AS, Actara 25WG (nồng độ khuyến cáo, 5-7 ngày/lần).

* Biện pháp PTTH bệnh virus tại vườn trồng

Biện pháp canh tác

- Nhổ bỏ và tiêu hủy sớm các diện tích cà chua đã nhiễm bệnh để hạn chế lây lan sang các khu vực lân cận.

- Khi trồng mới cần sử dụng cây giống sạch bệnh từ các vườn ươm, cơ sở sản xuất giống có uy tín và đảm bảo tiêu chuẩn cây giống xuất vườn theo quy định.

- Vệ sinh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch, thường xuyên kiểm tra, nhổ bỏ và tiêu huỷ  triệt để cây bị bệnh.

- Luân canh cây trồng, không trồng liên tục cây rau họ cà (cà chua, cà tím, ớt, khoai tây) nhiều vụ trên cùng một diện tích.

-  Vệ sinh tay, công cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa lá, cành.

-  Khi cắt tỉa chồi lá, cần cắt tỉa cây khỏe trước, cây bệnh sau. Trong quá trình canh tác không hút thuốc lá.                                                                                                                            

- Bón phân đầy đủ và cân đối theo quy trình sản xuất cà chua an toàn; mùa mưa hạn chế bón nhiều đạm.

Biện pháp vật lý

- Dùng bẫy dính màu vàng (kích thước bẫy 20cmx30cm,  đặt bẫy so le 3m/cái khi cắm choái) để thu hút con trưởng thành.

- Dùng lưới quây xung quanh vườn với chiều cao 1,8 - 3,5m (nơi ánh sáng ít, gió yếu quây lưới thấp 1,8m).

Biện pháp hóa học

- Phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh (bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp) bằng các loại thuốc như  Dinotefuran (Oshin 20WP); Thiamethoxam (Actara 25WG); Citrus oil (MAP Green 10AS); Oxymatrine (Vimatrine 0.6 SL).

                                                                                                               Phòng Bảo vệ thực vật

Các tin khác