Thống kê truy cập

4534760
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
478
2352
29719
4534760

Phòng trừ rệp gây hại cà phê

Tuần qua, tại các vùng trồng cà phê trên toàn tỉnh các loại rệp gây hại cây cà phê có xu hướng gia tăng do thời tiết ở Lâm Đồng chủ yếu ngày nắng nóng, chiều tối có mưa rào và cây cà phê đang giai đoạn phát triển trái nên nguồn thức ăn dồi dào hơn. Đây là những điều kiện thuận lợi cho loại rệp gây hại cây cà phê như rệp sáp, rệp vảy nâu, rệp vảy xanh.  

Theo số liệu điều tra dự tính dự báo của tổng hợp từ Trung tâm Nông nghiệp các huyện trồng cà phê của Tỉnh, tổng diện tích cà phê bị nhiễm các loại rệp là 4.178 ha, mức hại trung bình.

Cây cà phê đang trong giai đoạn quả non, rệp chích hút chất dinh dưỡng làm cho trái non bị rụng, ảnh hưởng lớn đến năng suất thu hoạch nếu không diệt trừ kịp thời. Ngoài ra, khi rệp phát triển mạnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm muội đen phát sinh, gây hại, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.

Đặc điểm hình thái, sinh học   

- Rệp sáp (Pseudococus spp.): Rệp trưởng thành có hình bầu dục trên mình có nhiều sợi sáp dài trắng xốp. Trưởng thành đực mình thon dài, có cánh không có sáp, mắt to đen, râu và chân có nhiều lông ngắn. Trứng bầu dục dính với nhau thành ổ tròn, bên ngoài có lông tơ bao phủ. Rệp non mới nở màu hồng. Chưa có sáp bên mình, chân khá phát triển. Trứng 3 - 5 ngày, rệp non 6 - 7 ngày, trưởng  thành 20 - 30 ngày.

  - Rệp vảy nâu (Coccus hesperidum Linnaeus): Rệp cái có hình o van lồi, đôi khi không cân đối và hơi vồng lên. Trường thành có màu vàng nâu hoặc xanh xám, có nhiều đốm nâu đậm trên giữa lưng, dài 3-4 mm. Rệp cái có hình thức sinh sản đơn tính đẻ ra trứng (trong quần thể không tìm thấy cá thể đực). Trứng được đẻ ra nằm dưới bụng rệp mẹ. Trứng có màu vàng nâu. Thời gian đẻ trứng của rệp cái khá dài khoảng 1 tháng. Một rệp cái đẻ trung bình 15-19 trứng. Rệp cái có thể sống lâu 90-124 ngày.

  - Rệp vảy xanh (Coccus viridis Green): Rệp cái hình o van, dẹt, khoảng 2-3 mm, màu xanh nhạt, không di chuyển, định vị mặt dưới lá, gần gân chính và chop lá. Trên lưng có các đốm nâu đen xếp hình chữa “U” hay chữ “V” không đều. Sâu non có kích thước nhỏ dẹt hơn. Màu xanh vàng và có 3 cặp chân ngắn. Sâu non trải qua 3 lần lột xác để hóa trưởng thành, sau mỗi lần lột xác kích thước tăng dần và lồi thêm. Rệp vảy xanh cũng sinh sản vô tính, đẻ trứng. Trứng đẻ không liên tục và nở  chỉ sau vài giờ. Mỗi rệp cái có thể đẻ đến 500 trứng. Sâu non mới nở ra di chuyển nhanh và phát tán trên cây ký chủ. Sau vài ngày chúng định vị mặt dưới lá hay đọt non để hút chất dinh dưỡng.

      

                 Rệp sáp                                               Rệp vảy  nâu                                    Rệp vảy  xanh

Đặc điểm gây hại

- Rệp sáp: thường xuất hiện ở trên quả và rễ cây cà phê, chúng chích hút nhựa làm cho quả khô và rụng. Rệp sáp gây hại quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều nhất trong mùa khô hanh đặc biệt là thời gian có các giai đoạn mưa nắng xen kẽ nhau. Rệp sáp đẻ trứng ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Số lượng rệp giảm hẳn giữa mùa mưa do mưa nhiều, ẩm độ không khí quá cao. Rệp sáp thường sống tập trung, gây hại ở nhiều bộ phận của cây cà phê như: kẽ lá, chồi non, cuống của chùm hoa, chùm quả, gốc cây… để hút nhựa làm cây kém phát triển, rụng lá, giảm năng suất, sản lượng, thậm chí chết cây.

- Rệp vảy nâu: Rệp chích hút dinh dưỡng làm giảm phát triển cà phê. Chất thải do rệp tiết ra trên cây ký chủ là môi trường thích hợp cho bệnh bồ hóng phát triển, làm giảm khả năng quan hợp, trái bị nhỏ. Mặt khác chất thải ngọt của rệp còn dẫn dụ nhiều loài kiến đến sống cộng sinh.

- Rệp vảy xanh: Rệp thường gây hại trên lá, dọc gân chính trên đọt, trên trái non. Chất thải của rệp tạo điều kiện bệnh bồ hóng phát triển, làm giảm khả năng quang hợp lá. Từ đó là cây biến vàng, còi cọc.

Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc cây cà phê, cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, cành vô hiệu để giảm bớt nơi sinh sống của rệp.

- Tưới nước, bón phân đầy đủ hạn chế sự phát triển của rệp

- Trong quá trình tưới chống hạn cho cây cà phê, dùng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo ẩm độ trên cây và giảm mật độ rệp.

  -  Thường xuyên kiểm tra vườn cà phê nhằm phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp sáp để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Để hạn chế thiệt hại do các loại rệp gây ra, có thể luân phiên sử dụng một số loại thuốc:  Abamectin 0.3% + Petroleum oil 88% (Visober 88.3EC) Chlorpyrifos Ethyl (Anboom 40EC); Cypermethrin (SecSaigon 50EC); Imidacloprid (Saimida 100SL, T-email 10WP, Midan 10 WP); Chlorpyrifos Ethyl +  Cypermethrin  (Tadagon 700EC, Sairifos 585EC); Chlorpyrifos Ethyl + Imidacloprid (Dizorin super 55EC). Acephate  (Lancer 50SP); Benfuracarb (Oncol 20EC);  Alpha-Cypermethrin (Fastac 5EC); Alpha - cypermethrin + Profenofos (Profast 210EC). Phun kỹ để thuốc bám, thấm qua lớp sáp nhằm diệt rệp, phun thuốc hai lần cách nhau 7 - 10 ngày nhằm diệt tiếp lứa rệp non mới nở từ trứng được che ở dưới bụng rệp sáp mẹ.

                                                                                                                            Nguyễn Thị Hà

Các tin khác