Thống kê truy cập

4157909
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
20885
27354
75058
4157909

Một số biện pháp bảo quản hành tây tại Đà Lạt

Hành tây là loài cây có nguồn gốc từ Trung Đông. Theo những sách cổ ghi lại thì giá trị dinh dưỡng của hành tây đã được biết đến từ rất sớm. Hành tây còn là món rau quan trọng bữa ăn của những người thợ xây dựng Kim tự tháp.

Hành tây vừa được xem là một loại gia vị vừa như một loại rau rất giàu kalium, selenium và vitamin C. Thành phần selenium có nhiều trong hành tây rất tốt cho da, móng và tóc. Ngoài ra, chất quexetin trong loại rau củ này có tác dụng chống oxy- hoá rất mạnh, kết hợp với selenium  giúp khử các gốc tự do, nguyên nhân gây ra nếp nhăn và sự chai cứng da. Trong thành phần dinh dưỡng của hành tây không chứa chất béo, có khả năng làm giảm sức cản ngoại vi, đối kháng với tác dụng làm tăng huyết áp, duy trì sự ổn định của quá trình bài tiết muối trong cơ thể. Chính vì vậy, hành tây có tác dụng giảm huyết áp hiệu quả và an toàn hơn các loại thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não.

Diện tích trồng hành tây tại Lâm Đồng hàng năm khoảng 540 ha với sản lượng đạt từ 35.000 - 38.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt (50 ha), và các huyện: Đơn Dương (400 ha), Đức Trọng (40ha), Lạc Dương (50 ha). Thời vụ chính trồng hành tây tại các vùng trong tỉnh thường xuống giống trong tháng 11, thu hoạch từ tháng 2 - tháng 3 năm sau. Vụ sớm trồng trong tháng 10 thu hoạch trong tháng 12.

Tại Đà Lạt hành tây được trồng chủ yếu vào mùa vụ đông xuân, thường thu hoạch rộ vào giai đoạn tháng 2 - 4 hàng năm. Năm 2014, hành tây tại Đà Lạt thu hoạch trúng vào giai đoạn mưa nhiều, hành chưa khô đỉnh sinh trưởng nên việc bảo quản của nông dân gặp nhiều khó khăn, theo một số chủ vựa chuyên trữ hành tây tại phường 7, phường 8 thì hầu hết các chủ thu mua hành tây về trữ trong kho và chờ giá lên (vì mùa mưa hầu hết nông dân Đà Lạt không trồng được hành tây), việc lưu trữ hành tây tại Đà Lạt hiện nay có một số ưu, nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

- Nông dân thường kê ván cách mặt đất khoảng 30 - 40 cm và đổ thành đống với chiều cao từ 0,6 - 1,2m lên cho thoáng.

- Đa số kho của các chủ vựa có làm giàn 2 hoặc 3 bậc để chứa nhiều hàng, đồng thời rải ra thành đống (cao từ 0,6 - 1,2m) giúp cho kho hành tây thông thoáng, bảo quản được lâu hơn.

 Nhược điểm:

- Trước khi thu hoạch và sau khi thu hoạch nông dân chưa quan tâm đến khâu xử lý trước khi trữ vào kho, điều này đã làm tăng độ nảy mầm của củ hành và tạo điều kiện cho một số vi khuẩn gây thối có điều kiện lan nhanh và gây hại làm cho hành dự trữ bị thối.

- Việc lưu trữ hành trong kho của các chủ vựa chỉ thực hiện theo tập quán, thông thường khi thu mua tại vườn, chủ vựa thu về đổ vào kho trữ, không sử dụng hóa chất bảo quản. Rất ít kho hàng được lưu trữ trong bao lưới, hành chứa trong bao lưới chỉ dùng cho hàng chuẩn bị vận chuyển đi xa.

Để giúp nông dân khắc phục những nhược điểm trong bảo quản hành tây sau thu hoạch, Chi cục BVTV Lâm Đồng đưa ra một số biện pháp hỗ trợ việc bảo quản hành tây của nông dân như sau:

1. Đối với hành chuẩn bị thu hoạch: Trước khi thu hoạch 3 - 4 tuần nên sử dụng chất dạng muối Natri của MH (là dạng hydratzit của acid maleic) với nồng độ 0,25% để phun lên cây ở ngoài đồng (1000 lít dung dịch cho 1 ha) nhằm ức chế mạnh đến đỉnh sinh trưởng của hành tây (kìm hãm sự nảy mầm).\

2. Tránh hiện tượng thối củ bằng cách xử lý vi khuẩn gây thối như Erwinia sp, một số loại nấm như Peronospora schleidni, Sclerotium cepivonumgây bệnh sương mai, thối trắng hành tây bằng các loại thuốc Stepgauard 50SP, 100SP, Kocide 46.1WG, Kasai 21.2WP, Kasuran 47WP, Sat 4SL, Actinovate 1SP với nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo khi vườn hành tây chuẩn bị rụi lá (trước thu hoạch 2 - 3 tuần).

3. Nên thu hoạch vào thời điểm nắng ráo.

4. Sau khi thu hoạch nên sử dụng chất diệt mầm, chất điều hòa sinh trưởng để kìm hãm sự nảy mầm, sự phát triển của hành tây, thông thường nên sử dụng chất MH (maleic hydroxyle) ở nồng độ 150ppm để xử lý.

5. Kho chứa hàng phải thông thoáng, thông thường nên lót ván cách sàn 50cm, chiều cao của đống từ 0,6 - 1m nhằm tạo độ thông thoáng cho kho hàng, trong kho cần có quạt thông gió.

6. Nếu bảo quản trong bao, mật độ bao để trong kho phải đảm bảo có độ thoáng khí.

  Một số hình ảnh về lưu trữ hành tây tại Đà Lạt

              Kho trữ hành tây của các vựa                                Kho trữ hành tây của nông dân                                       

 

                                                    Hành đóng bao chuẩn bị vận chuyển

  

             Hành tây nảy mầm trong kho                                          Hành tây nảy mầm loại bỏ

                                                                                                               Lê Thị Thanh Nga

 

Các tin khác