Thống kê truy cập

4346329
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
256
17589
53922
4346329

Tình hình rầy nâu gây hại lúa Hè Thu – Mùa năm 2017

Vụ Hè Thu – Mùa 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xuống giống được 16.560ha trong đó 6.427ha lúa Hè Thu và 10.171ha lúa Mùa. Phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, các giống lúa gieo cấy phổ biến gồm HT1, OM 5451, OM 6162, OM 7347, OM 4900, KD 18, Jasmine, PC6.

Từ đầu tháng 8/2017 đến nay, do mật số rầy di trú tăng cao dẫn đển tình hình rầy nâu diễn biến khá phức tạp đặc biệt tại 3 huyện Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh. Kiểm tra của Chi cục Trồng trọt & BVTV cùng với các địa phương đã thống kê có 3.335 ha nhiễm rầy trong đó 1.042ha nhiễm nặng; 1.791,6ha nhiễm trung bình và 501,4ha nhiễm nhẹ, mật độ phổ biến từ 1.485 - 2200c/m2, cao từ 3.000 – 7.600 con/m2, cục bộ một số khu vực tại xã Đinh Lạc, Bảo Thuận, TT Di Linh mật độ rầy đã tăng lên rất cao từ 10.500 – 18.500 con/m2, chủ yếu là rầy cám tuổi 1, tuổi 2.

Trước sự gia tăng nhanh cả về diện tích và mật số rầy nâu trên đồng ruộng, Chi cục đã đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ 2.939,8 lít thuốc Azora 350EC cho 2 huyện Di Linh, Đức Trọng triển khai khoanh vùng phòng trừ đồng loạt tập trung đối với 2.939,8ha lúa nhiễm rầy ở mức trung bình – nặng. Đến nay huyện Di Linh đã xử lý xong 1.400ha, mật độ rầy đã cơ bản được khống chế, riêng huyện Đức Trọng đang triển khai cấp thuốc phòng trừ, dự kiến kết thúc trước 5/9/2017.

Dự báo thời gian tới với điều kiện thời tiết nóng ẩm, rầy nâu sẽ còn tiếp tục phát triển và gây hại mạnh trên lúa Hè Thu - Mùa nếu không được phòng trừ kịp thời. Nguy cơ rầy di trú mang theo mầm bệnh virus vẫn còn rất cao vì diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn- LXL tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng ngày càng gia tăng.

 Hình ảnh: Phòng trừ rầy nâu lúa Hè thu – Mùa

Nguyên nhân  rầy nâu bùng phát  và gây hại mạnh

- Do rầy nâu di trú theo gió từ nơi khác đến làm mật số rầy trên đồng ruộng đột biến tăng cao ở thời điểm đầu tháng 8/2017.

- Thời tiết chủ yếu diễn biến theo chiều hướng sáng nắng, mưa nhiều về chiều và đêm thuận lợi cho rầy nâu sinh sản, gia tăng mật số.

- Hầu hết diện tích lúa gieo sạ với mật độ khá dày từ 150 – 200kg/ha

- Phần lớn nông dân trồng lúa là người đồng bào dân tộc, kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên chưa chủ động mua thuốc BVTV phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước dẫn đến một số diện tích khi phát hiện mật số trưởng thành rất thấp dưới mức thống kê diện tích nhiễm nhưng đến nay đã nhiễm ở mức trung bình – nặng.

Để phòng trừ hiệu quả rầy nâu, không để lan truyền bệnh vàng lùn – LXL trên lúa Hè Thu - Mùa, nông dân cần áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật sau:

- Duy trì mực nước thích hợp trên ruộng để hạn chế rầy nâu di trú chích hút thân cây lúa đặc biệt ở thời điểm dưới 25 ngày sau sạ.

- Bón phân đầy đủ, cân đối: Tuyệt đối không bón phân đạm và phân bón lá có hàm lượng đạm cao ở thời điểm hiện nay khi mật số rầy nâu trên đồng ruộng đang ở mức rất cao.

- Làm sạch cỏ dại, tỉa dặm kịp thời để ruộng lúa đảm bảo mật độ, thông thoáng, hạn chế rầy nâu cư trú.

- Không sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Cúc tổng hợp (Pyrethroid) và thuốc gốc lân hữu cơ để trừ rầy đối với lúa dưới 40 ngày tuổi dễ gây bộc phát rầy trong các lứa tiếp theo.

- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật số rầy nâu trên đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân chủ động lựa chọn sử dụng luân phiên các nhóm thuốc Fenobucarb, Thiamethoxam, Buprofezin, Dinotefuran ...để phòng trừ cho đến khi áp lực rầy nâu giảm hẳn, không có nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất. Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV phòng chống dịch rầy nâu.

- Khi phát hiện lúa nhiễm bệnh vàng lùn- LXL cần nhổ bỏ, tiêu hủy sớm để hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng.

 

Phòng Bảo vệ thực vật

Các tin khác