Thống kê truy cập

4132628
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2073
2073
49777
4132628

Tình hình gây hại và biện pháp phòng trừ bệnh nấm rỉ (Cronatium flaccidum) trên thông 3 lá tại Lâm Đồng

Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Pham Quang Thu – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, bệnh rỉ sắt, gây u bướu thân thông xuất hiện khá phổ biến trên rừng trồng và rừng tự nhiên với mức độ, tỷ lệ bệnh rất khác nhau ở các khu vực điều tra.

Tại Lâm Đồng, trong tháng 4/2016, bệnh đã xuất hiện và gây hại trên rừng trồng thông 3 lá (giai đoạn 3-4 năm tuổi) tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Thuận, diện tích bị hại 38,6 ha, tỷ lệ cây bị hại từ 30-80%, tỷ lệ cây chết từ 3-15%.

Triệu chứng:

- Bệnh gây hại rừng thông 3 lá ở các cấp tuổi

- Cây bị bệnh có biểu hiện lá chuyển vàng, phần thân gốc có hiện tượng phình to, xì mủ thân và mọc nhiều chồi non, sau một thời gian phần gốc thân cây có xuất hiện nấm gỉ sắt màu nâu vàng. Vỏ cây nứt có vết đen.

 

 

 

 

 

 

 

 

                   Triệu chứng gây bệnh nấm rỉ (cây 3 năm tuổi)

 

              Triệu chứng gây bệnh nấm rỉ (cây 7 năm tuổi)  

                Triệu chứng gây bệnh nấm rỉ (cây > 15 năm tuổi)  

 

Tác nhân gây bệnh:

- Bệnh gỉ sắt u bướu thân do nấm Cronatium flaccidum gây ra.

- Nấm rỉ Cronatium flaccidum gây hại thực vật có mạch dẫn, làm giảm khả năng hút nước và dinh dưỡng. Sợi nấm sinh trưởng ở các chồi non và tiêu diệt thượng tầng gỗ, ảnh hưởng tế bào mạch dẫn. Đây là nguyên nhân làm mất khả năng lưu dẫn, rụng lá, chết cây. Bệnh xuất hiện trên cây thông ở tất cả các giai đoạn. Bệnh phát triển rất nhanh ở cây con và cây non. Cây lớn thường bị nhiễm giữa tán cây.

Đặc điểm phát triển của nấm rỉ Cronatium flaccidum

- Giai đoạn bào tử tinh (Spermatia): Đầu mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 3, từ các vị trí bị bệnh hình thành những giọt màu vàng, dính dẻo như mật đó là bào tử tinh ở thể đơn bội.

- Giai đoạn bào tử rỉ (Aeciospores): khoảng thời gian ngắn sau giai đoạn bào tử  tinh, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 các thể đơn bội tiến hành song nhân và hình thành bào tử rỉ. Bào tử rỉ là một lớp bột màu vàng cam được hình thành trên các vị trí bị bệnh là các khối u ở thân và cành cây thông ba lá, đặc điểm nẩy mầm của bào tử rỉ cần có cây chủ trung gian để hoàn thành vòng đời của mình.

- Giai đoạn bào tử hạ (Urediniospores): Sau khi bào tử rỉ được hình thành, bào tử rỉ được phát tán ra ngoài không khí do gió, nước mưa và một số loài động vật. Bào tử rỉ xâm nhiễm vào cây chủ trung gian để tiếp tục hoàn thành vòng đời của mình. Tại Lâm Đồng cây chủ trung gian cho bệnh rỉ sắt thân cành được tìm thấy như: cây  dẻ  căm bốt (Quercus cambodiensis Hickel & A. Camus), cây mò trắng (Clerodendrum petasites (Lour.) Moore), cây ngũ sắc (Lantana camara L.)… Sau khi lá cây trung gian  bị nhiễm bào tử rỉ, bào tử nảy mầm và hình thành bệnh đốm lá cho cây trung gian. Từ các vị trí bị bệnh của cây trung gian đã hình thành nên bào tử hạ từ tháng 4 đến tháng 9.

- Giai đoạn bào tử đông (Teliospores): Từ các tổ chức bị bệnh của cây chủ trung gian là cây dẻ căm bốt, cây mò cua, cây ngũ sắc, … bào tử hạ phát triển dần và hình thành bào tử đông, bào tử được xếp thành cột, nhô lên khỏi bề mặt của vị trí bị bệnh, có màu nâu hạt dẻ trông như sợi tóc, có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi điều tra trên thực địa, nhìn rõ bào tử đông dạng cột bằng kính lúp cầm tay có độ phóng đại 10 lần.

Giai đoạn bào tử đảm (Basidiospores): Từ các cột bào tử đông, nấm trải qua quá trình phân chia giảm nhiễm và hình thành bào tử đảm ở thể đơn bội. Bào tử đảm có thể tìm thấy trên các vị trí bị bệnh của cây trung gian vào tháng 10, tháng 11. Bào tử đảm không màu, phát tán ra môi trường nhờ gió, nước mưa và động vật xâm nhiễm vào thân, cành và nõn cây thông ba lá. Bào tử nảy mầm hình thành sợi nấm, sợi nấm phát triển trong cây chủ làm thay đổi sinh lý, sinh hóa tế bào gỗ. Tại các vị trí nấm xâm nhiễm các tế bào đã phát triển mạnh và biến dạng hình thành nên các u sưng phồng, thân cây biến dạng, xì mủ.

Biện pháp phòng trừ

Để phòng trừ hiệu quả bệnh nấm rỉ hại thông 3 lá cần áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp đặc biệt chú ý các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Đối với vườn ươm cây giống: Không nên đặt vườn ươm gần các rừng trồng bị bệnh và không lấy đất mặt của các rừng trồng bị bệnh về vườn ươm làm ruột bầu vì bào tử nấm bệnh dễ dàng xâm nhiễm vào cây con ở vườn ươm.

- Đối với rừng trồng:

+ Biện pháp canh tác:

ü      Chặt và đào toàn bộ gốc rễ tất cả những cây đã chết và những cây có triệu chứng nhiễm bệnh nặng (lá chuyển vàng, thân gốc phình to có hiện tượng xì mủ, mọc chồi non). Toàn bộ những cây đã chặt hạ gom đốt, nhưng không làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của những cây xung quanh và tuân theo qui định về phòng cháy chữa cháy rừng.

ü      Chặt bỏ và dọn sạch cây dẻ căm bốt  (cây ký chủ trung gian) để hạn chế sự xâm nhiễm và lan truyền của bào tử gỉ  từ cây dẻ qua cây thông 3 lá.

+ Biện pháp hoá học:

ü      Khi bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, có thể sử dụng thuốc Anvil 5SC (hoạt chất Hexaconazole), nồng độ 0,5% hoặc Carbenzim 50 WP (hoạt chất Carbendazim) phun 2 lần mỗi lần cách nhau 7 ngày để phòng trừ bệnh.

ü      Thường xuyên kiểm tra và phòng trừ các nhóm côn trùng cánh cứng hại vỏ như các loại mọt, tuyến trùng  thường tấn công và gây chết các cây thông bị bệnh nặng.

                                                                                                  Nguyễn Khoa Thảo

Các tin khác