Thống kê truy cập

4476795
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
3745
3745
114428
4476795

HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP CHĂM SÓC CÂY CÀ PHÊ GIAI ĐOẠN SAU THU HOẠCH

Sau khi thu hoạch cây cà phê cần thời gian để phục hồi và tập trung dinh dưỡng cho quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả. Để đảm bảo năng suất, chất lượng cà phê cho niên vụ tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng hướng dẫn người dân sản xuất cà phê áp dụng một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch:

- Cắt, tỉa cành và vệ sinh vườn: Sau thu hoach, tiến hành cắt tỉa cành, tạo lại tán cho cây cà phê. Việc tỉa cành, tạo tán cần tiến hành nhanh, đúng kỹ thuật (cắt tỉa bỏ các cành già cỗi, cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh hại, cành mọc trong tán bị che không nhận được ánh sáng mặt trời, ...), không để cành bị xước, dập; xác định vị trí cắt tỉa hợp lý để cây có được bộ tán cân đối, tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Sau khi cắt tỉa tiến hành thu gom cành, nhánh và vệ sinh vườn sạch sẽ.

- Tưới nước: Sau thu hoạch là giai đoạn mùa khô cây cà phê cần nước, vì vậy cần xác định đúng thời điểm, lượng nước, chu kỳ, phương pháp tưới phù hợp để đảm bảo cho cây nở hoa đồng loạt và đạt năng suất cao cho vụ tiếp theo. Khi thấy đất đã khô (ẩm độ đất khoảng 27%), lá cà phê có biểu hiện héo rũ xuống, mầm hoa đã phân hóa to (mỏ sẻ) thì mới tiến hành tưới nước với lượng là 400 - 500 lít/gốc, nếu thời điểm này gặp mưa mà lượng nước còn thiếu (lượng mưa nhỏ hơn 30mm) thì cần phải tưới bổ sung đủ lượng nước để cây nở hoa đồng loạt. Tưới lại lần 2 cách lần thứ nhất từ 25 - 30 ngày (không nên tưới sớm hơn và cần tưới đẫm để đảm bảo độ ẩm trong đất cao giúp cho cây dưỡng trái non) để tiếp tục ép những hoa non còn lại nở hết (không phân tán thành nhiều đợt). Tùy theo điều kiện thời tiết từng vùng có thể tưới 2 - 4 lần trong mùa khô.

- Bón phân: Sau khi thu hoạch cần phải cung cấp dinh dưỡng để giúp cho cây phục hồi và phân hóa mầm hoa bằng các loại phân thích hợp:

+ Phân vô cơ (hóa học): Cần chọn lựa các loại phân bón chuyên dùng, tan nhanh và có hàm lượng đạm cao như NPK 20-5-6, NPK 20-10-10, NPK 25-9-9, Ure, SA, … để bón bổ sung cho cây cà phê trong giai đoạn mùa khô (nên kết hợp bón phân vào đợt tưới thứ 2). Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại phân bón lá có hàm lượng Bo cao và các nguyên tố trung vi lượng khác để tăng cường khả năng phân hóa mầm hoa, tăng sức sống của hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu và chống rụng quả.

+ Phân hữu cơ: Cần bổ sung phân hữu cơ cho vườn cây bằng các loại phân chuồng đã được ủ hoai mục với lượng 20 - 30 tấn/ha, chu kỳ 2 năm bón 1 lần hoặc phân hữu cơ vi sinh 2 - 3 kg/gốc, chu kỳ 1 năm bón 1 lần.

+ Những vườn cà phê có pH thấp (pH < 4,5) cần bón bổ sung vôi với lượng 1,0 - 1,5 tấn/ha, chu kỳ 2 năm bón 1 lần. 

- Phòng trừ dịch hại: Thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý các đối tượng sâu, bệnh trong giai đoạn mùa khô. Chú ý các đối tượng dịch hại như: bệnh rỉ sắt, bệnh khô cành, bệnh đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vảy, sâu đục thân, mọt đục cành, bọ xít muỗi, … Khi sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” và chỉ sử dụng các loại thuốc đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất như hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp châm phân tự động (tưới nhỏ giọt, phun mưa tại gốc); trồng xen cây che bóng, chắn gió xung quanh vườn, … để vườn cây phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà phê.

Vy Thế Vũ

Các tin khác