Thống kê truy cập

4475705
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2655
2655
113338
4475705

Bay xa thương hiệu cà phê Lang Biang

Bay xa thương hiệu cà phê Lang Biang

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, cà phê Lang Biang vẫn có chỗ đứng nhất định đối với người thưởng thức cà phê. Và có lẽ, tạo ra thu nhập ổn định cho người dân trồng cà phê là con đường đúng đắn của huyện Lạc Dương nhằm duy trì vùng nguyên liệu, giữ vững thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang đã đăng ký và được bảo hộ.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ giúp bà con nông dân tăng năng suất và giá trị cây cà phê.

Ảnh: V.Q

Nâng tầm giá trị cà phê

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt đang thời kỳ đậu trái, ông Rơ Ông Ha Lang (Thôn 1, xã Đưng K’Nớ) phấn khởi khoe: “Vụ này cà phê sai quả, nếu không đủ nhân công sẽ hái không kịp mất thôi”. Với 2 ha cà phê đang bước vào tuổi thứ 5, ông Ha Lang cho hay, năm nay cà phê có dự báo cho trái nhiều hơn các năm bởi ông đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc, bón phân đúng quy trình, không để cây phát triển tự nhiên như cách làm trước đây.

Tâm trạng phấn khởi cũng là không khí chung của nhiều hộ dân trồng cà phê ở xã Đưng K’Nớ trong vụ mùa vừa qua vì trong năm 2017, Công ty A.COM bắt đầu liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê cho bà con, giúp cà phê vừa tăng năng suất, vừa có giá bán cao hơn mặt bằng thị trường chung và so với các năm trước.

Cà phê Đưng K’Nớ được xác định là một trong những nguồn nguyên liệu chính có chất lượng của thương hiệu cà phê Lang Biang, hướng tới vùng nguyên liệu sạch nhờ vào điều kiện tự nhiên và không lạm dụng thuốc hóa học. Hiện tại, cà phê vẫn là cây kinh tế chủ lực của địa phương do đặc thù địa hình nhiều đồi dốc, khó chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Theo ông Phi Srỗm Ha Nràng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ, từ năm 2017, xã đã phối hợp với Công ty A.COM thành lập 4 tổ hợp tác (THT) với 48 tổ viên, sản xuất cà phê gần 100 ha trong tổng số gần 700 ha cà phê của địa phương. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị cho cây cà phê. “Nếu như trước kia, người dân chủ yếu bán cho tiểu thương tại chỗ nên thường xuyên bị ép giá, thấp hơn 1 - 2 giá so với trung tâm huyện thì khi A.COM bước vào, giá cà phê được bán cho công ty cao hơn hẳn so với thị trường. Người dân cũng không còn bị phụ thuộc vào thương lái” - ông Ha Nràng cho hay.

Bên cạnh đó, người dân tham gia THT còn được các kỹ sư của A.COM trực tiếp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, định hướng các loại phân thuốc và quy trình chăm sóc cụ thể cho từng vườn dựa vào tình hình phát triển của cây, chất đất, địa hình. Từ kỹ thuật chăm sóc ban đầu đến khi thu hoạch đều có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ phân bón theo hình thức thanh toán 50/50, tức chỉ phải trả trước 50% giá tiền, số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn thành việc thu hoạch.

Ông Bon Niêng Ha Muôn - Tổ trưởng THT Thôn 2 cho biết: Nhờ A.COM chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cây cà phê năm qua cao hơn hẳn, giá thành cũng cao hơn. Qua 1 năm tham gia THT, cái lợi lớn nhất của các tổ viên là học được kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình. Đó là một trong những động lực giúp người dân yên tâm, tiếp tục bám vào cây cà phê và sống tốt từ cây trồng chủ lực này. Hiện THT Thôn 2 đang có 10 thành viên và đang có nhiều người dân đang có nhu cầu tham gia vào THT vì những hiệu quả được thấy rõ.

Định vị cà phê Lang Biang

Hiện nay, cây trồng chủ lực của huyện Lạc Dương vẫn là cà phê Arabica. Với lợi thế vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, đất đai, chất lượng cà phê ở Lạc Dương rất thơm ngon. Chính vì vậy, từ năm 2015, huyện đã tiến hành xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang để nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của huyện.

Ông Sử Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Hiện nay, toàn huyện Lạc Dương còn khoảng 4.000 ha cà phê Arabica, trên thế giới cũng rất ít địa phương trồng được loại cà phê thơm ngon này để cạnh tranh, nên việc đăng ký nhãn hiệu thật sự là bước đi trước của huyện. Để giữ vững thương hiệu này, huyện đã mời một số doanh nghiệp vào cuộc để cùng bà con nâng tầm thương hiệu cà phê. Theo đó, các công ty vẫn thu mua cà phê của Lạc Dương nhưng để sản phẩm đi vào chiều sâu chất lượng, họ đã liên kết với các hộ dân để thành lập nên các tổ hợp tác sản xuất, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cà phê đạt chuẩn và cam kết thu mua giá cao hơn thị trường. Công ty A.COM đã xây dựng 4 tổ hợp tác ở xã Đưng K’Nớ. Trong đó, cái lợi nhất của người dân khi được công ty hợp tác là được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, cam kết thu mua giá cà phê cao hơn giá thị trường.

Xã Đưng K’Nớ là địa phương có gần như 100% diện tích nông nghiệp trồng cà phê. Trước đây, do điều kiện vùng sâu, vùng xa, giá cà phê của xã luôn thấp hơn rất nhiều so với các địa phương trong huyện, nhưng nhờ vào liên kết, năng suất cà phê tăng lên và giá cả cũng hơn so với mặt bằng chung của huyện. Từ đây, bà con đồng bào hết sức phấn khởi để tiếp tục giữ vững thương hiệu cà phê Arabica, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.  

Từ hiệu quả của xã Đưng K’Nớ, người dân ở các xã trong huyện đã hình dung được nhờ vào liên kết làm ăn trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà cà phê tại địa phương khó khăn hơn lại được thu mua giá cao hơn. Đây là thành công rất lớn của huyện cho chiến lược phát triển thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang.

Bên cạnh Công ty A.COM vào đầu tư, huyện cũng đã mời một vài doanh nghiệp cà phê như Con Sóc ở thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Nông sản Langbiang chỉ chuyên thu mua cà phê của Lạc Dương để làm thương hiệu riêng và đang đi chào hàng ở một số nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Hiện, huyện Lạc Dương cũng đang mời tập đoàn TH True Milk vào để liên kết chế biến sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương. Từ đây, thúc đẩy thương hiệu cà phê Lang Biang sẽ bay xa hơn nữa và nâng tầm giá trị cây cà phê.

Theo ông Sử Thanh Hoài, để bảo vệ quỹ đất trồng cà phê, điều cần thiết nhất là phải tạo cho người dân thu nhập ổn định. Được vậy, người dân tự khắc sẽ giữ được cây cà phê để giữ gìn thương hiệu…

“Lạc Dương có nhiều lợi thế để chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là cây dược liệu và rau, hoa - những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với cây cà phê. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân chuyển đổi dần sang trồng rau, hoa công nghệ cao, từ đó làm giảm diện tích trồng cà phê Arabica. Có thể thấy rằng, chỉ cần chuyển đổi 1-2 sào cà phê sang trồng rau, hoa, dược liệu thì thu nhập đã cao hơn rất nhiều so với 1 ha cà phê. Chính vì vậy, định hướng của huyện vẫn là khuyến khích các hộ dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng theo hướng có giá trị cao, đồng thời nâng cao giá trị cây cà phê ở những vùng nguyên liệu có sẵn” - ông Hoài chia sẻ thêm.

Dẫn nguồn: Việt Quỳnh, Phong Vân - Báo Lâm Đồng Online

Các tin khác