Thống kê truy cập

4347150
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1077
18410
54743
4347150

Tái canh cà phê ở Tây Nguyên vượt mốc 118 nghìn ha

Trong 5 năm, các tỉnh ở Tây Nguyên đã thực hiện tái canh trên 118 nghìn ha cà phê và tiếp tục thực hiện dự án. Thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển sản xuất để trở thành vựa cà phê chất lượng cao của cả nước.

Sáng 31/10/2019, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng trong thời gian tới.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2014 đến tháng 6 năm 2019 là 118 nghìn ha (đạt trên 98,5% trong kế hoạch 120 nghìn ha vào năm 2020). Trong đó diện tích tái canh là trên 84 nghìn ha, diện tích ghép cải tạo là 34 nghìn ha. Số này chủ yếu ở hai tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông.

Diện tích tái canh được thực hiện chủ yếu bằng các biện pháp trồng mới hoặc ghép cải tạo và đạt hiệu quả cao. Ông Hiền, nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, gia đình ông thực hiện ghép cải tạo khoảng 1ha cà phê già cỗi. Sau nhiều năm, cây vẫn tươi tốt và cho năng suất cao.

“Trung bình 1ha vẫn cây cho năng suất khoảng 2,5-3 tấn/ha. Trước đây nhiều thông tin cho rằng ghép cây chỉ thu hoạch được khoảng 1-2 năm là lại phải bỏ, thực tế không phải như thế vì nhiều gia đình đã thu hoạch đến 7 năm mà cây vẫn cho năng suất cao”, ông Hiền chia sẻ tại hội nghị.

                    Tây Nguyên được xác định là "thủ phủ" cà phê của cả nước

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian qua, việc thực hiện tái canh cà phê đã đạt hiệu quả cao. Trong đó, nhiều mô hình phát triển tốt, năng suất cao. Từ những thành quả này, ngành nông nghiệp và các viện nghiên cứu cây trồng cần ghi nhận và đi sâu vào phân tích kết quả để làm tiền đề cho việc tái canh trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trước năm 2014, người dân Tây Nguyên tổ chức tái canh cà phê bằng cách đào gốc già nua, cây sâu bệnh rồi trồng thay thế mà không xử lý đất. Do vậy, đã từng xảy ra tình trạng cây bị nhiễm bệnh và chết nhiều. Sau khi nghiên cứu bài bản, việc tái canh được Bộ NN-PTNT kết hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phổ biến kiến thức đến người dân và đến nay, việc tái canh đã khoa học hơn, hiệu quả hơn. Cây trồng mới phát triển tốt trên nền đất cũ và việc dịch bệnh cũng đã được kiểm soát.

Lâm Đồng là địa phương có diện tích tái canh cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên với khoảng trên 58 nghìn ha và đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, địa phương xác định, tái canh cà phê không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả các cấp chính quyền, người dân.

Cũng theo ông Châu, để cây phát triển tốt thì khâu đầu tiên cần xác định đó là sử dụng các loại giống tốt, giống đảm bảo chất lượng. Cũng theo ông Châu, tỉnh đang thực hiện các giải pháp về bổ sung kỹ thuật lẫn kiến nghị hỗ trợ vốn vay để nông dân có thể tái canh hiệu quả.

        

                          Các đại biểu đều nhận định cần xây dựng ngành cà phê Việt Nam

                                 phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để tái canh cà phê bền vững Dự án VnSAT đã tham gia tổ chức đào tạo, tập huấn cho 19.614 hộ nông dân về các giải pháp kỹ thuật nhằm tái canh trên 19 nghìn ha theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian tới, VnSAT tiếp tục mở rộng hướng tái canh và đề nghị các trung tâm khuyến nông địa phương liên lạc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để nắm bắt về kỹ thuật và giống cây trồng.

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định cần xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững. Có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Đến năm 2025, tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600 nghìn ha, năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm.

Tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗ và phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30-40 nghìn ha. Trong đó, vùng trọng điểm gồm 4 tỉnh ở Tây Nguyên là 530 nghìn ha (tỉnh Đắk Lắk: 190 nghìn ha, Lâm Đồng: 150 nghìn ha; Gia Lai: 75 nghìn ha; Đắk Nông: 115 nghìn ha).

Vùng ngoài vùng trọng điểm gồm 7 tỉnh như: Đồng Nai: 20 nghìn ha; Bình Phước: 15 nghìn ha; Bà Rịa - Vũng Tàu: 6 nghìn ha; Kon Tum: 12,5 nghìn ha; Quảng Trị: 5 nghìn ha; Sơn La: 7 nghìn ha; Điện Biên: 4,5 nghìn ha.

Đồng thời quy hoạch vùng trồng cà phê chất lượng cao khoảng 25% diện tích ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây Bắc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cà phê là cây chủ lực của nông sản Việt Nam và nó nằm trong TOP loại nông đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Cây cà phê phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và ngoài yếu tố sinh kế của người dân, nông sản này còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng này.

“Chúng ta thống nhất ổn định diện tích cà phê Tây Nguyên khoảng 600 nghìn ha. Ngoài diện tích này, nếu cây già cỗi, không hiệu quả thì chuyển sang cây trồng khác. Việc tái canh không phải là một giai đoạn nhất định mà là thường xuyên. Cần ghi nhận những kết quả đạt được và đánh giá, phân tích để đúc rút kinh nghiệm và áp dụng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị.

Cũng theo Thứ trưởng Doanh, các địa phương cần chú trọng đến công tác giống, kiểm soát chặt khâu giống để tạo ra cây chất lượng phục vụ tái canh. Đồng thời, kiểm soát chặt việc trồng xen để tránh cây xen làm ảnh hưởng đến cây thuần.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác