Thống kê truy cập

4475808
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2758
2758
113441
4475808

Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”

Sáng ngày 14/3/2024, tại thành phố Bảo Lộc, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"

Hội nghị do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND TP. Bảo Lộc và các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên; Phòng kinh tế thành phố Bảo Lộc, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ có mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

  

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản xuất khẩu mà đặc biệt là mặt hàng sầu riêng trên địa bàn tỉnh gia tăng mạnh. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường quản lý và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Bên cạnh việc phải đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố then chốt.

Báo cáo tại Hội nghị ông Hà Ngọc Chiến – Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 20.363,5 ha sầu riêng; diện tích trồng thuần 12.649 ha, trong đó, có 9.121 ha trồng thuần trong giai đoạn kinh doanh. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt 123.974 tấn.

Trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp, HTX thu mua sầu riêng, phần lớn sản lượng sầu riêng sản xuất tại địa phương đều cung ứng cho thị trường để ăn tươi (chiếm 88,8% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh, tương đương với 110.042 tấn sầu riêng). Bên cạnh sản phẩm sầu riêng ăn tươi, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang chế biến dạng bóc múi và cấp đông, điển hình như Công ty TNHH TMSX Long Thủy; Công ty TNHH B'laoFood; Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng, ... với công suất 13.932 tấn quả tươi/năm (chiếm 11,2% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh).

Sản lượng xuất khẩu sầu riêng tươi năm 2023 đạt 22.482 tấn (chiếm 18,1% tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh). Sầu riêng bóc múi 1.539,0 tấn (tương đương với 6.156,0 tấn sầu riêng tươi), chiếm 4,8% tổng sản lượng sầu riêng thu hoạch của tỉnh. Tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 101,43 triệu USD.

Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quản lý sản xuất sầu riêng; đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất, thu hái sầu riêng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các chuyên đề tuyên truyền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân về công tác quản lý sản xuất, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Lâm Đồng; Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng...

Tổ chức được 81 lớp tập huấn cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh, với khoảng 2.449 lượt người tham gia; phối hợp tổ chức tập huấn cho 150 đại biểu là Hội Nông dân cơ sở 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Triển khai đoàn kiểm tra, giám sát được 88 cuộc giám sát các vùng trồng, CSĐG về việc tuân thủ các quy định của Việt Nam, các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Năm 2023, Chi cục đã giám sát 100% vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Song song với công tác kiểm tra, giám sát thực tế tại các vùng trồng, đoàn kiểm tra, giám sát còn tiến hành lấy 380 mẫu sầu riêng giám định sinh vật gây hại và phân tích dư lượng thuốc vảo vệ thực vật đối với mặt hàng nông sản sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh chưa có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nào bị thu hồi theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trong năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã kiểm tra trực tuyến đối với 98 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.341,9 ha và 05 cơ sở đóng gói sầu riêng. Các địa phương đã phối hợp và hướng dẫn các chủ thể vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện công tác kiểm tra theo đúng quy định và đã đạt hiệu quả cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 114 mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.489,13 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần) và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng với tổng diện tích nhà xưởng là 13.419 m2 phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, huyện Đạ Huoai đang là vùng dẫn đầu về số lượng mã số xuất khẩu với 46 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.950,72 ha và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu.

  

 

Môt số địa phương và chủ thể vùng trồng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại, tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt. Yếu tố này sẽ đối mặt với nguy cơ bị thu hồi và cũng đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế xuất khẩu chính ngạch nông sản vào những thị trường có giá trị cao.

Tại Hội nghị, Ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT cho biết Sở sẽ có kiến nghị, đề xuất Cục Bảo vệ thực vật tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành các quy định xử phạt vị phạm hành chính về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật kiểm soát hiệu quả rệp sáp hại sầu riêng; nghiên cứu, khảo nghiệm bổ sung vào Danh mục thuốc vảo vệ thực vật được phép sử dụng trên sầu riêng ở Việt Nam các loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực tốt trong việc phòng trừ rệp sáp (đặc biệt giai đoạn trứng, ấu trùng).

Hướng dẫn quy trình khắc phục đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để các vùng trồng, cơ sở đóng gói triển khai đồng bộ, nhập các sổ nhật ký lên hệ thống giúp cho công tác quản lý tốt hơn.

Ông cũng đề nghị Phòng Kinh tế; Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Nông nghiệp các huyện và chủ thể các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản có mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tự giám sát vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số; có biện pháp tái kiểm tra, xử lý làm sạch sinh vật gây hại hàng hóa trước khi xuất khẩu để tránh các mã số vùng trồng và CSĐG bị nhiễm đối tượng Kiểm dịch thực vật.

Văn Tuyên - Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng

Các tin khác