Thống kê truy cập

4243509
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2297
20185
42476
4243509

Phòng trừ tuyến trùng hại cây trồng

Bộ phận tuyến trùng tấn công trực tiếp là rễ cây trồng. Chúng ký sinh trong các tế bào rễ (làm tổ trong rễ) nên làm cho các rễ bị biến dị.

Rễ cây bị tuyến trùng gây hại

Hiện có rất nhiều diện tích cây hồ tiêu, ổi và cà rốt... bị tuyến trùng phát sinh và gây hại cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Mật độ tuyến trùng tại vùng ổi Thanh Hà (Hải Dương) có nơi lên đến tới 300 tuyến trùng hoặc bào tử nấm trong 100 gr đất trồng gây chết cây hàng loạt.

Song thực tế cho thấy, rất nhiều nông dân còn bỡ ngỡ và lúng túng với việc phòng trừ loài dịch hại này, bởi trước đây họ chưa hề để ý đến vì chúng không mấy khi gây hại cây trồng. Xin cung cấp một số thông tin tìm hiểu về tuyến trùng hại cây và cách phòng trừ hiệu quả.

+ Đặc điểm: Tuyến trùng gây bệnh hại cây là một loài dịch hại có phổ ký chủ rộng (cây công nghiệp, lương thực, rau, hoa...). Chúng là giun tròn, giun kim hay giun lươn sống trong đất, dưới đáy sông, hồ...

Tuyến trùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải quan sát chúng được thông qua kính hiển vi (kích thước chỉ từ 0,5 - 2 mm).

Chúng sống và di chuyển qua mô tế bào cây trồng, chích hút, bơm các độc tố vào rễ cây làm rễ bị nghẽn mạch, phình to tạo nên các khối u sần hoặc bị hoại tử khiến cho khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây bị giảm, cây sinh trưởng kém vàng lá và chết. Triệu chứng này nặng hơn khi kết hợp với nấm bệnh, vi khuẩn xâm nhập qua vết thương trên rễ do tuyến trùng gây ra.

Tuyến trùng tồn tại và sinh trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Độ ẩm đất trồng, số lượng rễ cây, kết cấu đất, độ PH và oxy trong đất...

Tuyến trùng khó có thể tồn tại ở đất khô nhưng có thể sống được trong đất có độ ẩm 100% (loài Meloidogyne). Nếu rễ cây phát triển mạnh thì tuyến trùng có mật độ cao và ngược lại; đất có kết cấu sét nhiều thì tỷ lệ tuyến trùng ít hơn đất cát; đất có PH thấp (đất chua) mật độ tuyến trùng nhiều...

+ Triệu chứng: Bộ phận tuyến trùng tấn công trực tiếp là rễ cây trồng. Chúng ký sinh trong các tế bào rễ (làm tổ trong rễ) nên làm cho các rễ bị biến dị tạo các u bướu - nông dân thường hay gọi là “bệnh ung thư”. Rễ cây trồng bị tuyến trùng tấn công còn bị tổn thương tạo nhiều nhánh và đỉnh rễ hoại tử.

Do bộ rễ bị tốn thương như vậy nên trên thân lá sẽ xuất hiện những triệu chứng như lá biến vàng, sinh trưởng giảm và thiếu sức sống... Nếu kèm theo các loài nấm ký sinh gây hại rễ sẽ làm cây chết nhanh chóng.

Để có một kết quả chính xác nhất nông dân cần phải có sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn để biết chính xác và mật độ tuyến trùng trong đất.

+ Biện pháp phòng trừ: Cần áp dụng các biện pháp canh tác là chủ yếu như luân canh, xen canh cây trồng, dùng giống sạch bệnh, giá thể làm bầu cây cần xử lý đảm bảo không có mầm mống bệnh...

Không nên nhân cây bị bệnh do tuyến trùng gây hại như tách, chiết... để trồng ra diện rộng.

Tiêu hủy các cây bị bệnh nhất là bộ rễ cần phải được dọn sạch.

Bón phân cân đối cho cây trồng: Cần ưu tiên nguồn phân chuồng để bón cho cây nhằm duy trì hệ vi sinh vật có ích và làm kết cấu đất được tốt hạn chế tuyến trùng tồn tại, gây hại. Không lạm dụng phân hóa học đa lượng (đạm, lân, kali) để thúc cây lớn nhanh, bón bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng....

Cần kiểm tra PH đất định kỳ bằng giấy quỳ tím, nhất là với cây ăn quả để có cách xử lý kịp thời sao cho đất trồng không bị chua.

Nếu đã xác định có mặt tuyến trùng trong đất và gây hại cây trồng cần khẩn trương tiêu hủy cây bị bệnh và xử lý đất trồng bằng một trong các loại thuốc hóa học sau: Diazinol, Ethoprophos, Vifu- Super, Octiva, Travigo, Etocap, Cabofulran... (liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo của từng hãng SX).

* Chú ý:

- Với các vùng đất trồng cây ăn quả nếu các yếu tố trong đất có lợi cho sự tồn tại và gây hại của tuyến trùng, tốt nhất nhà vườn nên xử lý đất bằng thuốc hóa học 2 lần/năm vào đầu và giữa mùa mưa hàng năm để giảm tổn thất cho cây trồng.

- Để thâm canh cây trồng nhất là cây ăn quả được bền vững, nông dân cần áp dụng theo quy trình VietGAP mới mang lại kết quả như mong muốn.

                                                                                    Theo Trần Thị Liên - Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác