Thống kê truy cập

4475624
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2574
2574
113257
4475624

Quản lý chất lượng giống cây trồng để tạo ra sản phẩm có giá trị

Giống cây trồng được coi là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh luôn chú trọng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Lâm Đồng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300.000 ha, với diện tích gieo trồng năm 2021 khoảng 386.354 ha, gồm: 122.309 ha cây hàng năm và 264.045 ha cây lâu năm. Những cây trồng và sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt chủ lực  gồm: cà phê 174.298,6 ha, sản lượng 516.602,8 tấn; chè 12.105 ha, sản lượng 174.882,2 tấn; dâu tằm: 9.258 ha, sản lượng 184.298,6 tấn; điều 26.266 ha, sản lượng 17.167,8 tấn; cây ăn quả 24.470 ha, sản lượng 181.184,2 tấn; rau, đậu các loại 70.050 ha, sản lượng 2,429 triệu tấn; hoa các loại 9.120 ha, sản lượng 3.567 triệu cành. Do vậy, nhu cầu về nguồn giống, đặc biệt là giống chất lượng cao là rất lớn.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 423 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau, hoa, cây công nghiệp, cây ăn quả công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cây trồng. Trong đó, cây công nghiệp và cây ăn quả có 289 cơ sở; rau có 107 cơ sở; hoa 27 cơ sở. Để quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng theo quy định, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, trong đó có chất lượng giống cây trồng.
 
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết: Để công tác quản lý chất lượng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, thời gian qua, Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, tập huấn, khuyến cáo người dân, nhất là bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa cần mua giống ở các cơ sở có địa điểm, nguồn gốc rõ ràng; giấy phép kinh doanh hợp pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chất lượng giống cây trồng là khâu then chốt, là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Chất lượng giống cây trồng là khâu then chốt, là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
 
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống nắm chắc các quy định của Nhà nước, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến các đơn vị cung ứng, sản xuất giống cây trồng và tiến hành lấy mẫu trên thị trường để đánh giá thực trạng chất lượng giống cây trồng một cách khách quan, sát thực tế.
 
Trong năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra và lấy mẫu cây giống để phân tích, đánh giá chất lượng giống và độ sạch bệnh của 50 cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống cà phê và cây ăn quả, 100% các cơ sở đều đạt tiêu chuẩn để cung ứng thị trường; xây dựng và hướng dẫn 1 vườn ươm giống cây họ cà; tổ chức quản lý sản xuất đảm bảo cây giống xuất vườn sạch bệnh và đạt các tiêu chuẩn chuyển giao cho trên 200 vườn ươm cây họ cà ứng dụng vào sản xuất, gieo ươm giống;... Năm 2021, Chi cục đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu 55 giống hoa mới có bản quyền với tổng số trên 2 triệu hạt, ngọn, cây, lá, củ giống hoa các loại, có giá trị thương mại cao thích nghi với điều kiện canh tác của tỉnh. Sau khi nhập, các đơn vị doanh nghiệp đã triển khai 220 điểm khảo nghiệm VCU (Value of Cultivation and Use) đánh giá giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống mới và đánh giá hiệu quả của các giống nhập nội. Ngoài ra, Chi cục tiếp tục thực hiện chuyên đề về quản lý các cơ sở sản xuất nuôi cấy mô. Qua đó, đơn vị đã rà soát cụ thể về chủng loại, số cơ sở và năng lực hoạt động, đánh giá tồn tại, khó khăn, từ đó đã xây dựng được dự thảo quy định quản lý đối với các cơ sở sản xuất cây giống bằng phương pháp in vitro,... 
 
Theo ông Trương Đức Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Cây giống Cao Nguyên (HIVICO), thời gian qua, nhu cầu giống của nông dân ngày càng cao, do vậy các cơ sở nuôi cấy mô nở rộ. Trại giống nuôi cấy mô PH thuộc Công ty HIVICO cung cấp chủ yếu hoa đồng tiền cho thị trường trong nước và trên 500 loại hoa các loại cho thị trường các nước Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ... Ông Phú cho biết, để cho ra đời giống cây chất lượng trước tiên phải chọn cây mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh, khả năng kháng bệnh và năng suất cao... Trại giống của Công ty có nguồn gốc nên hầu hết sản phẩm cấy mô đều đạt chất lượng, người nông dân mua giống về trồng cũng có phản hồi rất tích cực.
 
Ông Hà Ngọc Chiến khẳng định, quản lý chặt và nâng cao chất lượng giống cây trồng là khâu then chốt, là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 
 
Ở Lâm Đồng, đối với giống cây trồng phải tuyên bố tiêu chuẩn, giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng mới được lưu thông trên thị trường. Hiện nay, chất lượng giống cây trồng của tỉnh đáp ứng nhu cầu trong việc sản xuất của Nhân dân. Từ đó, đã góp phần làm cho sản xuất trồng trọt của tỉnh đạt được mức tăng trưởng nhanh, tạo những bước phát triển mới theo hướng tích cực ở nhiều mặt, từng bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa nông sản tập trung ổn định, quy mô lớn, áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
 
Nguồn: Hoàng Yên - Báo Lâm Đồng Online

Các tin khác