Xây dựng thương hiệu từ "gốc"
- Được viết: 03-05-2018 15:08
Xây dựng thương hiệu từ "gốc"
“Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” - thương hiệu chung dùng để quảng bá nông sản, đặc biệt là rau, hoa, cà phê, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tơ, lụa… với “sứ mệnh” mang những điều kỳ diệu của Đà Lạt đến thế giới. Với sự hỗ trợ của tổ chức JICA - Nhật Bản, Lâm Đồng đang tiếp tục xây dựng để thương hiệu này phát triển từ “gốc” là chiến lược hướng đến sự bền vững, lâu dài của thương hiệu.
Logo thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” dùng chung cho các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông
Thực hiện kế hoạch Hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2017-2020, tỉnh Lâm Đồng đã được hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 11 tỉ đồng để phát triển và quảng bá thương hiệu. Từ nguồn kinh phí này, Lâm Đồng sẽ tập trung cho hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông. Qua đó, sẽ xây dựng các video, clip trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh mạng xã hội, tạp chí; xây dựng logo, bao bì nhãn mác cho sản phẩm, quảng bá du lịch canh nông đi cùng với quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu và các trang website riêng để phục vụ người tiêu dùng trong việc truy cập, tìm kiếm các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: Với mục tiêu xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu số một tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020. Và để làm được điều đó, tỉnh đang triển khai đồng thời công tác phát triển, quảng bá thương hiệu với quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; nhấn mạnh sự an toàn, chất lượng và chuyên nghiệp của sản phẩm, dịch vụ khi gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút du lịch, nâng cao đời sống của người dân vùng sản xuất, tăng sản lượng nông sản thương hiệu xuất khẩu.
Trước mắt, Lâm Đồng sẽ tập trung cho bốn nhóm sản phẩm đã đăng ký bảo hộ: Rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông.
Vấn đề này nghe tuy đơn giản nhưng để thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì khi thay đổi nhãn hiệu, logo dùng chung trên các sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng và cả doanh nghiệp còn bỡ ngỡ do đã quen với nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” hay “Hoa Đà Lạt” trước đây… Mặt khác, thay đổi tín hiệu nhận biết sản phẩm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen của người tiêu dùng. Và để giải quyết hết các khó khăn này, thì xây dựng thương hiệu từ “gốc” là lời giải tốt nhất. Vì khi những người sản xuất hiểu và đồng loạt sử dụng thương hiệu này, các sản phẩm sẽ tạo được dấu ấn, chỗ đứng vững chắc trên thị trường đối với người dùng.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên - cho hay, hiện tỉnh đã giao Sở Công thương là đơn vị chính phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch… cùng triển khai xây dựng theo đúng lộ trình. Trong quá trình triển khai, quan trọng nhất là 2 nội dung: Quản lý thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm. Để làm tốt 2 nội dung này phải xây dựng từ “gốc” đến “ngọn”, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến thị trường để vừa khẳng định, vừa bảo vệ thương hiệu.
Ở nội dung Quản lý thương hiệu, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Quản lý thương hiệu cấp tỉnh, xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, thực hiện công tác hậu kiểm đối với việc chấp hành quy định của các tổ chức, cá nhân được cấp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Sau đó thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, từ đó xây dựng tiêu chí, quy chuẩn để đánh giá xếp loại các sản phẩm nông sản, du lịch canh nông gắn thương hiệu làm căn cứ thực hiện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm tra, đánh giá trong quá trình sử dụng thương hiệu. Đồng thời lựa chọn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Giai đoạn đầu, ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đang tham gia các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đối với vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng phân tích: Để làm được điều này, cần phải làm tốt 2 nội dung là quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp và nâng cao chất lượng du lịch canh nông. Trong đó, chú trọng tăng cường tính chủ động, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất (giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất, chăm sóc,...) đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch (các trung tâm sau thu hoạch, doanh nghiệp, cơ sở), chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (công nghệ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ trên thị trường) đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản. Đặc biệt là, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở đầu mối thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cũng phải chuẩn hóa sản phẩm để đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát và công bố chất lượng, phân loại nông sản được gắn nhãn hiệu chứng nhận trước khi tiêu thụ.
Từ kế hoạch thực hiện đến thực tế, để thương hiệu đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước vẫn là câu chuyện dài hơi mà tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực thực hiện theo từng lộ trình cụ thể. Với những thế mạnh sẵn có, tầm nhìn chiến lược và hoạch định lâu dài cũng như các bước phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được kỳ vọng các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Đà Lạt sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế không chỉ trong hiện tại mà còn hướng tới sự bền vững ở tương lai.
Dẫn nguồn: Diễm Thương - Báo Lâm Đồng Online
Các tin khác
- Khai giảng lớp huấn luyện IPM trên cây cà chua tại thôn TaLy 2 xã Ka Đô huyện Đơn Dương - 26/09/2019
- Tái canh cà phê ở Tây Nguyên vượt mốc 118 nghìn ha - 01/11/2019
- Hội thảo "Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam" - 10/12/2017
- Nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - 23/07/2024
- Lo ngại xây dựng trái phép, Đà Lạt dừng phát triển du lịch canh nông - 21/09/2020
- Tăng cường thực hiện các giải pháp sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 - 20/11/2019
- Hội nghị phát triển cây sầu riêng công nghệ cao tại Đạ Huoai - 25/06/2018
- Đánh tráo giống cà chua - 25/07/2013
- Tin bài hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch - 11/11/2020
- Hội thảo giới thiệu các lợi ích của phân bón vi sinh Eco-Grow, Eco-Flora và hiệu quả của sản phẩm khi áp dụng lên cây chè, rau, hoa tại Tp Đà Lạt - 12/07/2017
- Phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm - 04/02/2020
- Lại đổ xô trồng chanh dây - 25/06/2014
- Tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả phục vụ công tác chuyển đổi năm 2018 - 12/09/2018
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp - 25/04/2024
- Nông dân Lâm Hà vững vàng làm kinh tế giỏi - 14/08/2024
- Lâm Đồng công nhận nguồn giống cây cà phê đầu dòng Xanh lùn (TS5) - 11/06/2018
- Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” - 15/03/2024
- Hội thảo về nông nghiệp thông minh diễn ra tại Đà Lạt từ 21 - 22/8 - 19/08/2015
- Quyết định Công nhận vườn cây sầu riêng đầu dòng - 14/10/2018
- Tình hình sản xuất hoa lan Hồ điệp tại công ty TNHH TM & DV Trường Hoàng - 02/10/2019