Thống kê truy cập

4475343
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2293
2293
112976
4475343

Nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, TP Bảo Lộc đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ người dân phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 30%, người dân đối ứng 70%. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu đầu tư vào các loại cây trồng như: rau, hoa và chăn nuôi. Giá trị mà các mô hình mang lại từ 25 - 30 triệu đồng/sào/tháng và giúp người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

TP Bảo Lộc đang tập trung xây dựng nhãn hiệu "Hoa lan Bảo Lộc"

• GIÚP NÔNG DÂN LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ

Mô hình trồng rau công nghệ cao của gia đình ông Ngô Văn Bình (thôn Thanh Hương 3, xã Lộc Thanh) đã được UBND TP Bảo Lộc hỗ trợ kinh phí phát triển nông nghiệp sạch. Năm 2023, ông Bình được UBND TP Bảo Lộc hỗ trợ nguồn kinh phí gần 200 triệu đồng. Nguồn kinh phí này, được gia đình ông đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động cho vườn rau hơn 4 sào.

“Trước đây, tuy diện tích đất nhiều, nhưng gia đình chỉ trồng 2 loại chính là cà chua và ớt chuông. Thu nhập tuy ổn định, nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi. Từ khi đầu tư hệ thống máy móc tự động, gia đình tôi đã trồng thêm ớt siêu cay và các loại rau. Giờ chỉ cần đóng cầu giao điện là việc tưới nước, bón phân chăm sóc cho vườn không cần phải lo nghĩ. Hiện tại, công việc trồng rau đang mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/tháng; đồng thời, tạo công ăn, việc làm cho 5 đến 7 nhân công” - ông Bình chia sẻ.

Cùng với nguồn hỗ trợ từ thành phố, nông dân cũng đã được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Trên địa bàn xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc), anh Trần Văn Đoàn (34 tuổi) là một trong những người tiên phong phát triển mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao. Đầu năm 2023, thông qua sự ủy thác của Hội Nông dân xã, anh Đoàn đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP Bảo Lộc đầu tư phát triển mô hình rau thủy canh.

Anh Đoàn chia sẻ: “Do điều kiện kinh tế khó khăn, phần lớn chi phí phải vay mượn nên đã đầu tư là phải chắc chắn tôi mới dám làm. Vì vậy, tôi đã tìm đến các mô hình sản xuất rau thủy canh ở huyện Đức Trọng học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, tôi đã phát dọn một sào đất của gia đình đầu tư hơn 700 triệu đồng để xây dựng nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới nước tuần hoàn, tưới nước phun sương… trồng rau thủy canh khép kín. Loại rau mà tôi chọn để trồng là các giống rau bó xôi. Sau 25 ngày, tôi đã thu hoạch lứa rau đầu tiên và được vựa rau ở huyện Đức Trọng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hiệu quả đạt được ngoài mong đợi của bản thân. Hiện tại, mỗi tháng, tôi xuất bán từ 1,5 - 1,7 tấn rau bó xôi, mang lại nguồn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng”.

Cũng theo anh Đoàn, đây là mô hình trồng rau công nghệ cao hoàn toàn tự động, khép kín nên từ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch, chỉ cần 1 mình anh là đủ, không phải thuê thêm nhân công.

Để có rau sạch bán hằng ngày, anh Đoàn áp dụng phương pháp trồng gối vụ. Buổi sáng thu hoạch rau xong thì ngay buổi chiều tổ chức dọn dẹp sạch khu vực vừa thu hoạch, rồi đưa cây con vào trồng tiếp tục. Nhờ gối vụ và tuần hoàn liên tục, việc trồng mới ngay sau khi thu hoạch, nên sản lượng luôn bảo đảm nối tiếp nhau, kịp thời cung ứng cho thị trường.

• CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, cho biết: Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Trong các năm 2021, 2022, nguồn vốn hỗ trợ giúp người nông dân khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Nhưng từ năm 2023 đến nay, mỗi năm UBND thành phố đã trích 5 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ người nông dân phát triển hàng chục mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP… Từ nguồn vốn này, người nông dân được tiếp cận hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa; đồng thời, được tiếp cận với các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Qua khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, hầu hết các mô hình được UBND TP Bảo Lộc hỗ trợ kinh phí đều phát huy hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại TP Bảo Lộc vẫn đang trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, lao động thủ công dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thực trạng ngành Nông nghiệp còn manh mún, tự phát, thiếu ổn định; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kỹ thuật canh tác, gắn kết thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Theo đồng chí Tôn Thiện Đồng - Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã chủ động khảo sát, kiểm tra thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao trên toàn địa bàn thành phố. Qua đó cho thấy, phát triển nông nghiệp phải hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại. Đây là cơ sở để xây dựng thương hiệu tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả cao, bền vững cho người dân.

“Cùng với các sản phẩm thế mạnh như chè, cà phê, dâu tằm, măng cụt thì từ những hiệu quả mang lại, Bảo Lộc đang tập trung để xây dựng nhãn hiệu “Hoa lan Bảo Lộc”. Đây là nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao hơn nữa giá trị, hiệu quả của loại cây trồng này cho người nông dân... Cùng với đó, Bảo Lộc sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ người nông dân phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của địa phương” - Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng trao đổi.

https://baolamdong.vn/

Các tin khác