Thống kê truy cập

4601294
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1864
18921
96253
4601294

Đánh tráo giống cà chua

Hàng trăm hộ dân tại huyện Đơn Dương (vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng) đang đổ nợ vì bị các vườn ươm bán cho loại giống mới kháng bệnh kém và không được thị trường ưa chuộng.

Vườn ươm lừa nông dân?

Đầu vụ cà chua này, như thường lệ, gia đình bà Tạ Thị Hoa (thôn Nghĩa Tân, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) mua cây giống cà chua ở vườn ươm quen thuộc Trưởng Thư về trồng. Thấy vườn cà chua 25 thiên (25.000 cây) phát triển nhanh bất thường, bà Hoa cứ nghĩ do chăm bón tốt hơn vụ trước. Đến khi cây cao đến dây 3 (khoảng 50cm) thì bị táp lá và nấm bệnh mới vỡ lẽ đó là giống cà chua Nato chứ không phải giống Anna thường trồng.

Bà Hoa báo với vườn ươm Trưởng Thư và đại lý bán hạt giống Nguyệt. Phía đại lý cử nhân viên đến kiểm tra và khuyên bà Hoa cứ tiếp tục chăm, lúc ra trái sẽ có người mua. Tuy nhiên, đến nay, cà chua đã chín bói nhưng thương lái không đoái hoài vì chê cà chua Nato trái nhỏ, chín không đều và ruột mềm, thị trường không ưa chuộng.

Theo bà Hoa, rõ ràng do vườn ươm hám lợi đã đánh lừa nông dân. Vì hạt giống cà chua Nato rẻ hơn Anna đến 10 triệu đồng/kg, nhưng vườn ươm nói là giống Anna và bán cho nông dân theo giá Anna (750 đồng/cây).

Vườn cà chua Nato đến độ thu hoạch nhưng thương lái không mua

Không chỉ bà Hoa mà hàng trăm nông dân khác tại huyện Đơn Dương cũng lâm cảnh tương tự, trong đó nhiều nhất là tại các xã Tu Tra, Ka Đơn. Một số hộ phát hiện sớm thì nhổ bỏ để trồng lại, còn những người không phát hiện hoặc có diện tích trồng lớn, đầu tư nhiều thì đành “nhắm mắt đưa chân”, tiếp tục chăm sóc cho đến khi thu hoạch mà không biết có bán được hay không. Đối với trường hợp bà Hoa, đại lý giống có giới thiệu thương lái đến ngã giá mua 4.000 đồng/gốc (bằng một nửa giá cà chua Anna), nhưng vẫn chưa chắc chắn. Bà Hoa cho biết, nếu bán giá này, gia đình bà bị thiệt trên 100 triệu đồng, nhưng nếu không bán được còn đổ nợ hơn vì phải vay mượn để đầu tư.

Nhiều nông dân tại huyện Đơn Dương cho biết, không chỉ giống cà chua mà trước đây họ đã gặp tình cảnh tương tự đối với giống cải thảo. Loại giống cải thảo “lạ” này cao đến gấp rưỡi loại cải thảo dân thường trồng, nhưng lá vươn lên cao rồi xõa xuống chứ không cuốn vào như cải thảo thông thường

Giải quyết chưa thỏa đáng

Theo thống kê của các ngành chức năng, tại huyện Đơn Dương có trên 200 hộ bị đánh tráo giống cà chua với số lượng 1,7 triệu cây giống, trồng trên diện tích 53ha, trong đó 116 hộ đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở NN-PTNT Lâm Đồng.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, sở đã làm việc với đại diện công ty, đại lý giống và vườn ươm để xác định trách nhiệm. Bước đầu thống nhất với trường hợp người dân nhổ bỏ cây thì vườn ươm sẽ hoàn lại tiền giống cho người dân, hộ nào chăm sóc và chuẩn bị thu hoạch thì đơn vị cung cấp hạt giống sẽ phải thu mua lại toàn bộ sản phẩm.

Nhưng theo ông Dương Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tuy cam kết vậy nhưng người dân phản ánh tư thương đã ép giá, cà chua Anna hiện đang 7.000 đồng/gốc, trong khi tư thương chỉ mua giá 4.000 đồng/gốc. Cũng theo ông Đại, tại các cuộc họp với dân, nhiều người bật khóc vì bỏ ra 100 - 200 triệu đồng, phải vay ngân hàng để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nếu không bán được cà chua thì phải bán đất để trả nợ. Vì vậy, cần phải có biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người dân, phải giải quyết nhanh và thỏa đáng cho dân.

Bà Tạ Thị Hoa, người bị “dính” cú đánh tráo giống số lượng lớn, cũng cho rằng, cách bồi thường tiền giống và mua sản phẩm với giá như vậy là không thỏa đáng. Nếu cơ quan nhà nước không giải quyết được thì cần đưa ra pháp luật (kiện ra tòa – PV).

Nguồn: NAM VIÊN - Báo Sài Gòn Giải phóng http://sggp.org.vn/

Các tin khác