Thống kê truy cập

4475501
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2451
2451
113134
4475501

Bội thu cam VietGAP

Còn hơn nửa tháng nữa mới bước vào mùa thu hoạch cam đường Canh, nhưng các nhà vườn ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã tấp nập khách đến đặt hàng bao tiêu sản phẩm có múi này.

               Cam VietGAP được thương lái bao tiêu hết

Phấn chấn trong niềm vui được mùa được giá anh Phạm Văn Tiến ở xã Yên Phú khoe: Sản lượng cam toàn xã ước đạt 400 nghìn tấn, cao hơn kỳ năm trước gần 100 nghìn tấn, giá bán theo hợp đồng giao ước cũng cao hơn từ 20-25%. Sở dĩ năm nay có khách đến đặt hàng thu mua sớm là do, cam ở đây vừa được nhà nước cấp chứng nhận “Sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”. Thương lái bây giờ tinh lắm, cam ở đâu ngon, sạch là họ biết đến ngay.

Nhà vườn Phạm Văn Bắc trồng 0,5ha cam đường Canh, sản lượng quả dự kiến sẽ đạt 11 tấn, được thương lái đặt hàng bao tiêu với giá 32-37 nghìn đồng 1kg, tùy loại (giá cam quân bình năm 2018 là 25-27 nghìn đồng 1kg).

Anh Bắc cho biết: Có được mùa vụ bội thu này là do, các nhà vườn trong xã đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cam theo hướng VietGAP – Nuôi dưỡng quả bằng phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh và hạt đậu tương nghiền. Bảo vệ thực vật theo phương pháp phòng trừ tổng hợp (IPM). Không dùng hóa chất trừ cỏ cho vườn cam. Sử dụng nước tưới từ các nguồn không nhiễm kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại. Điều khiển cây ra hoa, đậu quả bằng kỹ thuật thủ công truyền thống (chặn rễ, khoanh cành).

Ông Phạm Văn Lộc (hộ trồng cam VietGAP) tâm đắc cho rằng: Được mùa lớn nhất của các nhà vườn ở địa phương là được học hỏi kỹ thuật thâm canh cam bền vững. Bởi trước đây hầu hết các nhà nông trên địa bàn, chỉ trồng và chăm sóc cam theo kinh nghiệm cảm tính, sâu bệnh phát sinh gây hại nặng mới phun thuốc phòng trừ, dẫn đến hiệu quả đạt được rất thấp. Nay trồng cam theo qui trình VietGAP, nhà vườn được hướng dẫn các qui luật phát sinh và phát triển của sâu bệnh hại cây trồng.

Theo đó chỉ cần dùng các loại thuốc vi sinh, thảo mộc hoặc thuốc hóa học có độ độc rất thấp, cũng phòng trừ hiệu quả mọi đối tượng gây hại cây ăn trái, căn bản là phải nhận biết được sớm để phun, khi vết bệnh đầu tiên vừa xuất hiện hoặc sâu non mới ở tuổi 1, tuổi 2.

“Cắt tỉa kịp thời cho cây ăn quả, quan trọng không kém bón phân, tưới nước cho cây trồng, bấy lâu các nhà vườn vì hiểu biết hạn chế nên thường coi nhẹ công tác này. Cắt tỉa thường xuyên sẽ tạo sự thông thoáng cho vườn cây, tăng cường khả năng quang hợp, khả năng tích lũy dinh dưỡng trong cây trồng, thúc đẩy cây phát triển cân đối. Cắt tỉa còn giúp trẻ hóa tuổi sinh lý cho cây, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả. Loại bỏ sớm các cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh, cành vô hiệu, còn giúp tránh tiêu hao dinh dưỡng, giảm thiểu phát sinh dịch bệnh hại cây ăn quả”, ông Lộc nhận xét.

                               Vườn cam sạch ở Yên Phú

Anh Lê Văn Luyến (cùng xã Yên Phú) đã nói thẳng: Trồng cam theo VietGAP tốn công lao động hơn, chi phí cho bón phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh cũng tốn kém hơn, nhưng đổi lại, các loại quả sau thu hoạch dễ bán hơn, bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Theo đó, mùa vụ này anh Luyến cũng chắc chắn bỏ túi được 300 triệu đồng/0,5ha cam VietGAP.

Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác