"Rau kỷ luật" ở Suối Thông B
- Được viết: 17-08-2015 14:41
Ở Tổ Hợp tác Rau an toàn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) sản xuất “rau kỷ luật” được thực hành từ năm 2007. Trước đó mới chỉ có 2 hộ gia đình trồng khoảng 4ha cà chua ngoài trời, nhưng đã chủ động xây dựng uy tín sản xuất theo quy trình an toàn tự phát của mình. “Ban đầu chưa ai hay biết gì về tiêu chuẩn VietGAP. Với suy nghĩ dù sản xuất một cây rau, một trái cà cũng phải bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người tiêu dùng, trong đó có sức khỏe của chính mình, nên 2 hộ gia đình sản xuất tiêu biểu ở thôn Suối Thông B luôn chọn mua nguồn cây giống sạch bệnh, nguồn nước tưới trong lành và sử dụng các loại thuốc trong danh mục…” - ông Đinh Trọng Hùng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác nhớ lại. Nhờ vậy, qua nhiều lần khảo sát, người đại diện một hệ thống siêu thị Sài Gòn đã chủ động tìm đến đặt vấn đề thu mua toàn bộ sản phẩm cà chua trên 4ha sản xuất đúng theo quy trình VietGAP. Không cần thiết lập văn bản hợp đồng, một bên hộ nông dân và một bên đối tác đã nhanh chóng thỏa thuận bằng miệng và đi vào triển khai thực hiện. Theo đó, bên đối tác chịu trách nhiệm cử 2 cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất cà chua an toàn cho nông dân, tư vấn về sử dụng nguồn giống, bao tiêu toàn bộ sản phẩm; bên hộ nông dân có đất sản xuất và lao động, được hưởng toàn bộ sản lượng cà chua bán ra. Kết quả sau một lứa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4 tháng, trên 4ha diện tích cà chua “đầu tay” đã đạt năng suất hơn 60 tấn/ha. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, bên đối tác đã thu mua 100% sản lượng cà chua này.
Một năm sau, số thành viên của Tổ Hợp tác tăng lên 12 hộ gia đình với hơn 10ha diện tích đất liền bờ, liền thửa thuộc khu vực Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương). Từ đây, bên cạnh cây cà chua chủ lực, Tổ Hợp tác đã tổ chức sản xuất hơn 10 loại rau khác nhau, đặc biệt có nhiều loại rau cao cấp như xà lách lô lô, súp lơ xanh, rau thơm quế tây, ngò tây… Hình thức hợp tác sản xuất - tiêu thụ lần này là giấy thỏa thuận thương mại, bên đối tác không ứng trước vốn đầu tư; nhưng vẫn ràng buộc trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nghiệm thu sản phẩm rau các loại trước khi vận chuyển về hệ thống siêu thị ở Sài Gòn tiêu thụ. Ông Mai Toản, Thư ký Tổ Hợp tác nói thêm: “Bấy giờ, tất cả thành viên Tổ Hợp tác chúng tôi chính thức bước vào sản xuất theo khuôn khổ quy định rau an toàn của đối tác. Theo đó, phải lấy mẫu đất phân tích xong mới xuống giống; giếng nước ngầm phải đảm bảo trong lành; hàng ngày và hàng tuần buộc ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, chịu sự quản lý kỹ thuật trực tiếp của bên tiêu thụ…”. Nhờ áp dụng đầy đủ các công đoạn sản xuất khắt khe, nên 100% sản phẩm thu hoạch của thành viên trong Tổ Hợp tác đều đạt yêu cầu của đối tác. Thời điểm này, so với sản phẩm rau cùng loại sản xuất bằng phương pháp thông thường, giá sản phẩm rau an toàn của Tổ Hợp tác bán ra cao hơn 30%.
Hơn 2 năm qua, sản phẩm rau của Tổ Hợp tác Rau an toàn Suối Thông B đã được cấp Chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Số lượng thành viên hiện có hơn 20 hộ gia đình sản xuất trên 20ha. Bên cạnh diện tích rau ngoài trời, Tổ đang phát triển 2.000 mét vuông nhà kính trồng ớt ngọt, cà chua bi… Tính chung trong năm 2014, lợi nhuận trên mỗi ha đất sản xuất trung bình khoảng 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổ phó Tổ Hợp tác phân tích: “Các thành viên trong tổ đã tự phân bổ tương đối đồng đều lợi nhuận bằng cách luân phiên sản xuất trên từng loại rau. Chẳng hạn, đầu năm với thành viên này trồng rau xà lách lô lô, súp lơ, cải thảo… thì thành viên kia trồng cà chua, cà tím, quế tây… Đến cuối năm thì hoán đổi trở lại…”. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, khoảng 10 hộ thành viên đáng tiếc phải khai trừ khỏi Tổ Hợp tác vì “không theo nổi” sự gò bó về kỹ thuật sản xuất, dẫn đến phần lớn sản lượng rau thu hoạch nhiều lứa liên tục không đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Khai trừ một thành viên là điều bất đắc dĩ. Nhưng không còn cách nào khác vì trên hết phải bảo vệ uy tín sản phẩm rau an toàn của Tổ Hợp tác đã tạo dựng hơn 7 năm qua…” - Tổ trưởng Đinh Trọng Hùng nói.
VĂN VIỆT (Báo Lâm Đồng online)
Các tin khác
- Hội thảo bảo hộ giống cây trồng - 25/11/2019
- Đắt đỏ xà lách cô rôn Đà Lạt giá 40.000 đồng/kg - 20/04/2018
- Tình hình sản xuất cây chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 27/01/2022
- Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh giống hoa, invitro đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 29/12/2019
- Tình hình thực hiện chuyển đổi giống cây trồng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 10/12/2024
- Chuyện mới từ bông atiso - 18/08/2015
- Quyết định Công nhận vườn cây bơ đầu dòng - 14/10/2018
- Quyết định Công nhận vườn cây sầu riêng đầu dòng - 14/10/2018
- Khai giảng lớp huấn luyện IPM trên chè tại thành phố Bảo Lộc - 16/09/2018
- Tình hình sản xuất hoa cúc xuất khẩu tại công ty TNHH Trang trại Nông nghiệp kỹ thuật cao Nhật Việt - 27/04/2020
- HƯỚNG DẪN THU HOẠCH, SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN CÀ PHÊ NIÊN VỤ 2021-2022 - 03/12/2021
- Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt sản xuất nhiều giống cây trầu bà (Calathea spp.) mới - 09/07/2018
- Nông nghiệp ứng dụng CNC Lâm Đồng – dấu ấn của sự phát triển - 17/12/2017
- Bội thu cam VietGAP - 18/11/2019
- Khóa đào tạo giảng viên IPM (TOT-IPM) trên cây lúa - 06/10/2020
- Thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón - 07/11/2019
- Cây mâm xôi đen tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Organic Minh Thọ - 03/04/2020
- Tăng năng lực xuất khẩu cho nông sản Lâm Đồng - 22/04/2024
- Hội thảo “Hiện đại hóa khâu sản xuất giống rau, hoa ở Lâm Đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” - 02/11/2018
- Tin bài hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch - 11/11/2020