Thống kê truy cập

4347607
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1534
18867
55200
4347607

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỌ XÍT MUỖI VÀ BỆNH THÁN THƯ HẠI ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

I. TÁC NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI

1. Bọ xít muỗi

Là sâu hại quan trọng nhất trên cây điều hiện nay, có 2 loài bọ xít muỗi (BXM) gây hại, loài bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phổ biến nhất còn loài bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii) ít phổ biến hơn.

1.1. Đặc điểm hình thái

a. Bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora)

- Trưởng thành: Hình dáng giống con muỗi, màu xanh lá mạ hay lá cây. Cơ thể thon dài. Đầu màu nâu, mắt kép màu nâu đen. Râu đầu dài quá thân. Cánh trước màu xám có đốm đen, ở con cái có viền mép cánh màu vàng. Ba đôi chân màu vàng nâu sẫm.

- Trứng: Hình bầu dục, hơi phình to ở giữa, màu trắng trong, sắp nở có màu vàng da cam. Phía đầu nhỏ của trứng có 2 sợi lông dài không bằng nhau, nhô ra ngoài mô cây. Trứng nằm trong mô non hoặc gân giữa lá non.

- Sâu non: có 5 tuổi, tuổi 1 màu vàng có nhiều lông, cuối bụng cong lên phía lưng. Các tuổi sau có màu xanh vàng..

b. Bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii)

- Trưởng thành: Giống con muỗi, cơ thể màu nâu đầu đen, bụng màu xanh.

- Sâu non: Hình dạng giống bọ xít muỗi trưởng thành nhưng cánh ngắn và kích thước nhỏ hơn.

- Trứng: Có màu trắng kem, kích thước nhỏ và có hai sợi tơ mảnh, trứng đẻ sâu trong mô lá non.

1.2. Triệu chứng gây hại

- Bọ xít muỗi non và trưởng thành đều gây hại các bộ phận non của cây như lá non, chồi non, cánh hoa và cả trái non của cây điều. Bọ xít muỗi dùng vòi châm vào phần mô mềm của cây, ban đầu vết chích giống như vết thương  bị mọng  nước, sau đó bị khô và thâm đen lại.

- Trên lá non, chồi non: Vết chích là những vết chấm màu nâu đen có góc cạnh, hại nặng sẽ làm phiến lá bị cong và có hình dáng khác thường.

- Trên hoa, trái: Các chùm hoa bị hại sẽ bị thối khô.

- Trên hạt điều non: Hạt điều bị hại có nhiều vết đốm nâu đen, nhăn nheo và khô ngay trên cuống quả hoặc quả sẽ bị dị dạng.

1.3. Tập tính sinh học của bọ xít muỗi

 - Ký chủ của bọ xít muỗi: Ngoài hại điều bọ xít muỗi còn hại nặng trên cây chè, ca cao, mận, ổi..

-  Bọ xít muỗi phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20 – 290C, ẩm độ > 90%. Trong năm, gây hại từ tháng 10 - tháng 5 năm sau, giảm hoạt động trong mùa mưa. Hại nặng vào tháng 12 - 2 khi cây điều ra hoa rộ và có quả non sau đó giảm mật độ và tăng mạnh vào giai đoạn cây phát triển trái từ tháng 3 - 4.

- Bọ xít muỗi thường xuất hiện, gây hại vào sáng sớm (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 16 giờ), khi trời nắng nóng thì ẩn nấp dưới tán lá, ngày âm u thì hoạt động cả ngày; sau trận mưa to trời lạnh thường hoạt động mạnh.

- Sâu non mới nở đến tuổi 2 thường sống tập thể (2 - 3 con/chồi, ngọn, lá), sâu non các tuổi khác sống đơn độc. Sâu non ít di chuyển, tự rơi khỏi cây khi bị khua động.

2. Bệnh thán thư

2.1. Triệu chứng gây hại

Thán thư là loại bệnh gây hại phổ biến cây điều. Nếu gặp điều kiện thời tiết thích hợp, bệnh có khả năng phát triển và lây lan mạnh gây ảnh hưởng lớn tới năng suất và chất lượng vườn điều.

Bệnh hại trên lá, chồi, chùm bông và trái. Triệu chứng ban đầu của bệnh là các đốm ướt màu sáng, sau đó chuyển sang màu đỏ nhạt, trên các chồi bánh tẻ, phát hoa và trái. Trên các vết bệnh có hiện tượng chảy nhựa. Trên lá vết bệnh là những đốm màu nâu không có hình dạng cố định.

- Trên chồi: vết bệnh chạy dọc theo chiều dài hoặc liên kết với nhau. Vết bệnh thường có màu nâu hoặc nâu đen và làm khô teo đọt.

- Trên bông: Vết bệnh xuất ở đầu nhánh bông, nách nhánh, cuống bông.  Bệnh làm khô và rụng bông.

- Ở trái non: Bệnh làm khô teo, đen trái sau đó trái rụng.  Hạt non nhăn nheo và teo lại. Trên trái lớn bệnh làm cho phần nhân của hạt bị teo.  Bệnh màu nâu đậm điển hình.

- Bệnh thường xuất hiện ở phần tiếp giáp giữa cuống và trái, hoặc phần đít trái.

     2.2. Tác nhân gây bệnh, điu kin phát triển bệnh

- Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioidesgây ra. Loài nấm này thường phát sinh trong điều kiện nóng ẩm và thiếu ánh sáng.

- Bệnh thường xuất hiện khi điều ra lá hoặc có nụ hoa hoặc bắt đầu đậu quả. Bệnh tấn công trên các chồi lá non, phát hoa, trái và hạt làm giảm năng suất và chất lượng hạt.

- Bệnh hại nặng ở các vườn ít được chăm sóc, bón phân không cân đối, cây rậm rạp, ít cắt tỉa. Trời có sương nhẹ, mưa nắng xen kẽ bệnh phát triển mạnh.

- Nguồn bệnh phát tán nhờ nước, gió. Ngoài ra bọ xít muỗi cũng là một trong những véc tơ truyền bệnh thán thư khi chúng chích hút thường tạo ra vết thương, mầm bệnh thán thư từ những cây bị bệnh sẽ được bọ xít muỗi truyền đi khiến bệnh nhanh chóng lây lan, vì vậy khi vườn xuất hiện bọ xít muỗi thường đi kèm với bệnh thán thư.

- Bệnh thán thư gây hại nặng ở cây điều cho quả. Trên điều kiến thiết cơ bản bệnh gây hại nặng giai đoạn tháng 8-12.

II. GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỌ XÍT MUỖI VÀ BỆNH THÁN THƯ

1. Giải pháp trước mắt

- Đối với các diện tích điều già cỗi (trên 20 năm tuổi), năng suất thấp đã bị bọ xít muỗi, bệnh thán thư gây hại nặng có biểu hiện cháy khô cả cây hoặc cháy từng đoạn cành, tán lá, chồi hoa, quả cần tiến hành cưa đốn để trồng tái canh bằng các giống điều mới trong đầu mùa mưa.

- Đối với các diện tích điều kiến thiết cơ bản hoặc điều kinh doanh (dưới 20 năm tuổi) còn đảm bảo về năng suất nhưng bị bọ xít muỗi, bệnh thán thư hại nặng làm cháy khô toàn bộ chồi non, tán lá, chùm hoa, chùm quả cần tiến hành cắt tỉa kịp thời trong tháng 3, khi cây ra lộc mới triển khai phòng trừ bọ xít muỗi, bệnh thán thư để cây điều giữ bộ khung tán cho niên vụ sau.

 - Đối với các diện tích điều bị bọ xít muỗi, bệnh thán thư gây hại ở mức nhẹ - trung bình còn có khả năng duy trì được một phần năng suất, cần khoanh vùng triển khai phòng trừ cộng đồng, kịp thời ngay trong đầu tháng 3/2017 để bảo vệ các đợt ra hoa, đậu trái cuối cùng và các chùm quả, chồi lá non chưa bị gây hại.

 Khi triển khai dập dịch bọ xít muỗi bằng biện pháp hóa học phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng đặc biệt là kỹ thuật xử lý thuốc bao vây từ ngoài vào trong, xử lý cả những cây ký chủ phụ như chè, ca cao và cỏ dại xung quanh vườn điều để hạn chế nơi cư trú của bọ xít muỗi.

- Ngoài ra trên các diện tích điều bị bọ xít muỗi gây hại, vận động bà con nông dân thu gom cành, lá thành từng đống nhỏ đốt hun khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để giảm ẩm độ và xua đuổi bọ xít muỗi gây hại.

 2. Giải pháp lâu dài

- Chuyển đổi một số diện tích điều năng suất thấp sang canh tác các cây trồng khác như keo lá tràm trên đất lâm nghiệp; hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái (bưởi da xanh…), dâu nuôi tằm, trồng mía đối với điều trồng trên đất nông nghiệp bằng phẳng.

 - Đối với các diện tích điều kiến thiết cơ bản, điều kinh doanh còn đảm bảo về năng suất, cần áp dụng quy trình thâm canh, quản lý tổng hợp đối với bọ xít muỗi và bệnh thán thư. Cụ thể

2.1. Biện pháp canh tác

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, phát quang bụi rậm, làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán để vườn điều thông thoáng, đặc biệt các vườn điều ở mép rừng để hạn chế nơi trú ngụ thường xuyên của bọ xít muỗi.

- Thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy hạn chế lây lan nguồn bệnh.

- Bón phân N-P-K cân đối, không bón quá nhiều phân đạm; tăng phân kali vào thời kì cây điều ra đọt non, chồi hoa và quả non.

- Thăm vườn thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều tối (5-6 giờ) kiểm tra mật độ bọ xít muỗi, bệnh thán thư vào thời kỳ cây điều ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

 2.2. Biện pháp vật lý

Thu gom các tàn dư như cành, lá khô chất thành từng đống nhỏ rải đều trong vườn đốt hun khói vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi .

2.3. Biện pháp sinh học

Bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen (Dolicoderus thoracicus)hoặc kiến vàng (Oecophylla smaragdina), bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng, trưởng thành bọ xít muỗi và có thể xua đuổi, ngăn cản trưởng thành đến chích hút hoặc đẻ trứng nếu đạt mật số cao.

Sử dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizum anisopliae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp. phun trừ bọ xít muỗi khi tuổi còn nhỏ, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.

2.4. Biện pháp hóa học

Chỉ sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ bọ xít muỗi, bệnh thán thư khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng và phải theo nguyên tắc “4 đúng”. Sử dụng các thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hàng năm.

a) Đối với bọ xít muỗi

- Loại thuốc: Sử dụng các thuốc có hoạt chất Citrus oil (MAP Green 6SL,…), Alpha-cypermethrin (Alfathrin 5EC, FM-Tox 25EC, Motox 5EC, …); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 60EC, Dragoannong 585EC…); Cypermethrin (Wamtox 100EC, Tungrin 25EC, Sherbush 5EC, 10EC; …); Permethrin (Peran 50EC, Permecide 50EC…);... Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

- Thời điểm phun hiệu quả: Phun thuốc vào chiều mát; những ngày trời âm u bọ xít muỗi hoạt động mạnh có thể phun sớm hơn nhưng nếu điều đang nở hoa không phun trước 9 giờ sáng để hoa điều thụ phấn. Phun khi bọ xít muỗi tuổi 1-3 hiệu quả cao nhất.

- Phương pháp phun: Phun trừ đồng loạt trên diện rộng, phun từ xung quanh vườn vào trong theo hình xoáy trôn ốc và phun ướt đều tán cây. Sử dụng bình phun động cơ thổi gió hoặc tạo sương mù, khói để phun thuốc BVTV có cơ chế tác động tiếp xúc hoặc xông hơi. Phun trừ bọ xít muỗi (trưởng thành và ấu trùng) cư trú trong các bụi rậm, tán cây rậm rạp ven vườn điều.

b) Đối với bệnh thán thư

- Loại thuốc: Sử dụng các thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng có hoạt chất Citrus oil (MAP Green 6SL,…), Copper Hydroxide (DuPontTM Kocide 46.1 WG,..), Cuprous Oxide (Norshield 86.2WG,…), Copper Oxychloride + Kasugamycin (New Kasuran 16.6WP,…), Hexaconazole (Tungvil 5SC, 10SC, …). Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

- Thời điểm phun: Vào giai đoạn cây điều ra chồi non, nụ hoa, quả non nếu gặp điều kiện ẩm độ cao, sương mù nhiều cần phun thuốc BVTV để phòng trừ bệnh. Không phun trước 9 giờ sáng để hoa điều thụ phấn.

- Phương pháp phun: Phun ướt đều tán cây; nếu ẩm độ không khí cao và kéo dài có thể phun lần 2 (sau lần 1 từ 5-7 ngày).

 HÌNH ẢNH BỌ XÍT MUỖI VÀ BỆNH THÁN THƯ HẠI ĐIỀU

  

            Trưởng thành bọ xít muỗi đỏ                   Trưởng thành bọ xít muỗi xanh 

                  (Helopeltis antonii)                                        (Helopeltis theivora)                  

 Hoa điều bị bệnh thán thư gây hại                            Lá héo khô do tác động của thời tiết,

                                                                                                 bọ xít muỗi và bệnh thán thư

 

Các tin khác