Thống kê truy cập

4601228
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1798
18855
96187
4601228

Hội nghị sơ kết kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Ngày 16 tháng 12 năm 2016 Sở Nông nghiệp &PTNT chủ trì cùng UBND huyện Bảo Lâm tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hội nghị do đồng chí Hoàng Sĩ Bích, Phó giám đốc Sở và đồng chí Trương Hoài Minh, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đồng chủ trì; với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh Lâm Đồng, Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở; lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, Phòng kinh tế thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2016, chương trình tái canh cà phê luôn được sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngân hàng hỗ trợ vốn vay và cơ chế chính sách đầu tư trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê và các giải pháp phù hợp; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các Sở, ban, ngành, các cấp ủy, địa phương trong tổ chức thực hiện.

Kết quả thực hiện tái canh năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 12.356,2 ha. Trong đó trồng mới 228,5ha, trồng tái canh 4.366,7ha, ghép cải tạo 7.761ha, nâng tổng diện tích tái canh của Lâm Đồng giai đoạn 2013-2016 đạt 37.059 ha (trồng mới 1.087,5ha, trồng tái canh 15.303ha, ghép cải tạo 20.668,8ha). Nguồn vốn vay năm 2016 đạt 146,934 tỷ đồng/5.413 hộ để thực hiện tái canh trên diện tích 8.770,6 ha. Trong đó, chi nhánh Agribank Lâm Đồng 137 tỷ đồng và Agribank chi nhánh Nam Lâm Đồng là 9,934 tỷ đồng. Tính lũy kế từ năm 2013-2016, Ngân hàng Agribank chi nhánh Lâm Đồng và Agribank chi nhánh Nam Lâm Đồng đã hỗ trợ vay vốn 924,911 tỷ đồng cho 16.138 hộ trên diện tích 22.639,5 ha.

Toàn tỉnh hiện có 229 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cà phê với năng lực 10.213.700 cây/năm; trong đó có 34 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống với số lượng 7,885 triệu cây/năm. Hiện nay, có 36 cơ sở được công nhận vườn cây đầu dòng với tổng số vật liệu khai thác là 10.830.240 cây giống/năm. Cơ cấu giống chủ lực gồm các giống đã được công nhận TR4, TR9, TR11, TS1, TS2, TS4, Hữu Thiên, Thiện Trường.

Thông qua thực hiện Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê; các địa phương đã trẻ hóa vườn cây già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi và tiến hành trồng mới; trồng tái canh; ghép cải tạo. Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 29,6 tạ/ha năm 2016; sản lượng 365.923,6 tấn năm 2012 lên 429.353,4 tấn năm 2016; góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất cà phê Lâm Đồng vẫn còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức: Diện tích cần tái canh cà phê giai đoạn 2017-2020 còn lớn (trên 27.600 ha); phần lớn diện tích cà phê đang sản xuất thiếu cây che bóng, chắn gió (hiện mới chỉ đạt trên 5% diện tích được che bóng); diện tích chủ động nước tưới còn thấp mới chỉ đạt trên 25,5% diện tích; công tác kiểm soát chất lượng giống nhiều nơi còn gặp khó khăn; …

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Sĩ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo: Để thực hiện thành công Kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê đưa năng suất cà phê trung bình toàn tỉnh đến năm 2020 lên 3,2-3,5 tấn/ha, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa ngành nông nghiệp-ngân hàng-chính quyền địa phương-doanh nghiệp-nông dân trong thời gian tới tạo động lực toàn diện để thực hiện thành công Kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cà phê trê địa bàn tỉnh. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để thực hiện tốt Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê:

(1) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về mục đích, yêu cầu, sự cần thiết thực hiện Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê và chủ trương, chính sách của nhà nước về hỗ trợ vay vốn đầu tư để thực hiện chương trình trong thời gian tới.

(2) Nhân rộng các mô hình ở vùng sâu, vùng xa nhằm chuyển giao KHKT để nông dân áp dụng thực hiện.

(3) Nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống thông qua hoạt động công bố tiêu chuẩn chất lượng, công nhận cây đầu dòng và xây dựng vườn đầu dòng.

(4) Tăng cường công tác kiểm soát nguồn giống đúng tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng.

(5) Tăng cường cùng Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT đề xuất cơ chế ưu đãi cho vay vốn thực hiện tái canh: Mở rộng đối tượng được vay vốn cho các cơ sở sản xuất giống có nhu cầu vay vốn để sản xuất giống phục vụ cho tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh; tăng định mức cho vay tái canh cà phê; áp dụng một mức lãi suất cho vay (không có sự chênh lệch lãi suất đối với dư nợ trong thời gian ân hạn và dư nợ sau thời gian ân hạn).

(6) Lồng ghép các chương trình, dự án như VnSAT, ISLA .... để thực hiện các hoạt động tập huấn, nâng cấp vườn ươm giống, trang thiết bị phòng thí nghiệm phân tích nấm bệnh, tuyến trùng, …phục vụ Kế hoạch tái canh, cải tạo gắn với phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh.

Một số hình ảnh tại hội nghị

                                                                                                                                                        Người viết tin

 

 

 

 Vũ Đức Cường

 

Các tin khác