Thống kê truy cập

3542023
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
4672
20711
81668
3542023

Tuyến trùng gây hại cây dâu tằm ở Lâm Đồng

      Tỉnh Lâm Đồng hiện đang canh tác 6.774,7ha dâu tằm tập trung tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai và Tp Bảo Lộc. Các giống dâu tằm trồng phổ biến gồm có VA 201, VH3, VH9, VH13, Tam bội 28 và Tam bội 36.

      Theo phản ánh của Trung tâm Nông nghiệp các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh hiện nay trên dâu tằm có xuất hiện tuyến trùng gây hại 8ha tại xã Madaguôi, Đạ Tồn – huyện Đạ Huoai, 4ha tại xã Đạ Kho, Quảng Trị - huyện Đạ Tẻh. Tỷ lệ nhiễm tuyến trùng trung bình từ 10 – 25% ở các vườn dâu tằm giai đoạn từ 5 – 7 năm tuổi.

       Để xác định loài tuyến trùng gây hại trên cây dâu tằm, Chi cục Trồng trọt & BVTV Lâm Đồng đã phối hợp với TTNN các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh kiểm tra lấy mẫu phân tích xác định có 3 loài tuyến trùng gây hại trên dâu tằm nhưng phổ biến và gây hại chính là loài Meloidogyne spp. Kết quả phân tích các vườn dâu tằm bị tuyến trùng gây hại tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh, mật số tuyến trùng kí sinh từ 130-530 con/100g đất, 30-60 con/10g rễ. Một số vườn phát hiện tuyến trùng Xiphinema sp. và Aphelenchus sp. nhưng mật độ khá thấp.

       Chi cục Trồng trọt & BVTV hướng dẫn đặc điểm, triệu chứng gây hại và các biện pháp phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm như sau:

   * Triệu chứng tuyến trùng gây hại dâu tằm

      Cây dâu bị bệnh phát triển còi cọc, các lá già vàng trước, sau đó lan dần lên các lá non phía trên làm cho lá bị cháy và rụng, cây bị nặng rụng hết lá và chết. Bộ rễ có các cục u sưng sần sùi với kích thước to, nhỏ khác nhau tùy mức độ gây hại của tuyến trùng, u sưng xuất hiện ở cả các rễ nằm dưới mặt đất và các rễ ăn nổi trên mặt đất.

     

                                          Hình ảnh: Triệu chứng gây hại của tuyến trùng trên cây dâu tằm

* Điều kiện phát sinh phát triển tuyến trùng

  - Tuyến trùng Meloidogyne spp. có phổ ký chủ rộng gây hại trên 80 loài cây trồng khác nhau. Ở Lâm Đồng tuyến trùng gây hại phổ biến trên cây cà phê, tiêu, cà chua, cà rốt,  chuối…

  - Tuyến trùng Meloidogyne spp.có khả năng tồn tại trong đất lâu ngày, phát triển và gây hại nặng vào mùa mưa. Tuyến trùng di chuyển hạn chế trong đất, chủ yếu lan truyền qua nước mưa, nước tưới, dụng cụ lao động… Bệnh gây hại cả trên diện tích đất thoát nước và đất thoát nước kém.

* Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác:

  • Đối với vườn bị hại nặng phải nhổ bỏ tiêu hủy sớm cây bị bệnh kết hợp rải vôi bột vùng đất nhiễm bệnh và phun thuốc phòng trừ để hạn chế lây lan
  • Đối với trồng mới dâu tằm trên đất nhiễm tuyến trùng phải vệ sinh đồng ruộng, thu gom toàn bộ rễ cây nhiễm bệnh, làm đất kỹ kết hợp tăng cường phân hữu cơ.

- Biện pháp hóa học:

 Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc BVTV đăng ký phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm. Hiện nay Chi cục Trồng trọt & BVTV đang phối hợp với Công ty TNHH DV Khoa Đăng khảo nghiệm đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm của thuốc Tiêu tuyến trùng 18EC để kịp thời khuyến cáo cho nông dân phòng trừ thời gian tới.

Lưu ý: Dâu tằm là thức ăn cho tằm rất mẫn cảm với thuốc BVTV vì vậy tất cả các loại thuốc BVTV sử dụng phun phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu đểu phải được thử nghiệm đảm bảo không ảnh hưởng đến tằm trước khi sử dụng.

 Phạm Thị Hòa

 

Các tin khác