Lại đổ xô trồng chanh dây
- Được viết: 25-06-2014 07:42
Vài tháng trở lại đây giá chanh dây trên địa bàn tỉnh Đăk Nông liên tục tăng, có thời điểm lên đến 25.000 đồng/kg, nhiều nông dân thu được cả trăm triệu mỗi vụ.
Nhiều cánh đồng trồng chanh dây nằm chờ thu hoạch
Thấy lợi trước mắt, nhiều nông dân trong tỉnh đã đổ xô, thi nhau chặt bỏ các vườn cây lâu năm để chuyển sang trồng chanh dây.
NÓNG CHANH DÂY
Ông Hà Văn Nam (xã Đăk Nia, TX Gia Nghĩa, Đăk Nông) có 2 ha cà phê bước vào giai đoạn tái canh, tuy nhiên trước cái lợi hấp dẫn của cây chanh dây, ông Nam không thể cưỡng lại.
“Vườn cà phê của tôi già rồi, nếu tái canh phải mất cả trăm triệu lại tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, chanh dây là loại cây có thời gian kiến thiết ngắn, từ thời điểm gieo giống đến khi thu trái bói chỉ mất khoảng 6 tháng. Hơn nữa nếu giá chanh dây chỉ cần giữ được từ 7.000-8.000 đồng/kg, cộng với việc chăm sóc tốt 2 ha sẽ cho thu từ 3 tấn quả, như vậy gia đình tôi sẽ có thu nhập rất khá”, ông Nam lạc quan nhẩm tính.
Còn anh Nguyễn Hào ở xã Quảng Tín, huyện Đăk Rlấp có 1,7 ha chanh dây vừa xuống giống, cho biết: “Cách đây 5 năm mảnh đất này tôi trồng cây cao su, tại thời điểm phá bỏ thì vườn cây đang trong quá trình cho mủ. Tuy nhiên do giá mủ cao su xuống thấp phải ngưng cạo chờ giá lên, trong khi đó nhiều hộ xung quanh phất lên từ cây chanh dây. Thấy vậy nên tôi chủ động phá bỏ vườn cây, vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư mua cây giống, trụ, dây kẽm và thuê nhân công trồng chanh dây với hy vọng hiệu quả mang lại cao hơn”.
Đây cũng là suy nghĩ và cách làm chung của rất nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông hiện nay.
Ông Phạm Hùng Vỹ - Phó phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, ngay từ thời điểm đưa cây chanh dây vào canh tác trên địa bàn tỉnh, Sở đã tiến hành rà soát, khoanh vùng nguyên liệu với diện tích chỉ 200 ha.
Để đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu Sở đã đưa ra nhiều giải pháp như: Ký liên kết với hai hợp tác xã Phú Thịnh, Tia Sáng chuyên cung cấp giống nhằm giúp Sở kiểm soát nguồn cung và số lượng cây giống nhập về, cũng như chất lượng cây giống cung cấp cho nông dân trong vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, do giá chanh dây thời gian qua luôn ở mức cao, nhiều nông dân thắng lớn nên các hộ dân khác đã tự ý nhân cây giống, phát triển ngoài diện tích quy hoạch khiến cho diện tích chanh dây tăng chóng mặt, nằm ngoài tầm kiểm soát. Mặc dù Sở đã ban hành nhiều khuyến cáo đến người dân, nhưng việc ngăn người dân canh tác trên đất của mình là hầu như không thể.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Nông, hiện tổng diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh đã lên đến gần 1.000 ha (gấp 5 lần quy hoạch), tập trung nhiều ở hai huyện Đăk Glong, Đăk Rlấp, trong khi nhu cầu nguyên liệu và năng lực của các nhà máy, cơ sở sơ chế chanh dây trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng tiêu thụ lượng chanh dây bằng 1/5 diện tích trong toàn tỉnh.
TRĂM NỖI ÂU LO
Với việc nhiều diện tích chanh dây tiếp tục được trồng mới, thì nguy cơ giá chanh dây sẽ tiếp tục giảm, thậm chí chạm đáy như năm 2009 dẫn đến nông dân phải phá bỏ vườn cây là điều khó tránh khỏi. |
Đi cùng với sự tăng nhanh về diện tích là muôn vàn nỗi lo của những người trong cuộc. Cũng theo ông Vỹ, việc tăng nhanh về diện tích chanh dây sẽ kéo theo nhiều mối nguy hại, bởi đây là loại cây rất dễ mắc các nguồn bệnh như: nấm bã trầu, phấn trắng, nấm gốc, xoắn đọt… Cùng với đó là việc người dân tự ý cấy ghép, nhân giống sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho chanh dây.
Hơn nữa đa số các hộ dân tự phát trồng đều không qua lớp tập huấn kĩ thuật nào, chỉ là dân “tay ngang” thấy người khác trồng có hiệu quả thì làm theo, vườn chanh dây không mắc bệnh cũng sẽ chậm phát triển, năng suất khó đạt như mong muốn. Đặc biệt, người dân đổ xô phá bỏ các vườn cây công nghiệp lâu năm sẽ làm thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, Giám đốc Cty TNHH MTV Nghĩa Đức - Đăk Nông cho biết: “Thời gian trước đây chanh dây có lúc được chúng tôi thu mua với giá trên 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên thời gian qua với nguồn cung dồi dào cộng thêm thiếu nhân công sơ chế khiến ứ đọng nguyên liệu tại các cơ sở chế biến. Vì vậy, doanh nghiệp chúng tôi buộc phải điều chỉnh giảm giá thu mua đầu vào, hoặc tạm ngừng thu mua để tránh hàng tồn kho”.
Theo ghi nhận của PV, chỉ sau một thời gian ngắn tăng giá nóng, hiện nay giá chanh dây trên địa bàn Đăk Nông được tư thương thu mua chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg. Với giá này, nhiều nhà vườn chỉ đủ trả công lao động và chăm sóc vườn cây, nhưng nông dân vẫn phải chấp nhận vì chanh dây đang vào thời kì rộ, bắt buộc phải thu hoạch không thể để hư hỏng.
Theo Thanh Sa báo Nông nghiệp Việt Nam
Các tin khác
- "Rau kỷ luật" ở Suối Thông B - 17/08/2015
- Vai trò của phân bón vi lượng trong sản xuất nông nghiệp - 06/09/2019
- Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở - 29/12/2019
- Tình hình canh tác cây bơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2021 - 08/12/2021
- Phục hồi vườn hồ tiêu sinh trưởng kém - 01/11/2019
- Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở - 14/10/2019
- Đề án “Nhập khẩu giống hoa có bản quyền phục vụ phát triển ngành sản xuất hoa giai đoạn 2021 - 2025” - 05/07/2021
- Ka Ðô: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại - 25/03/2024
- Bệnh "nan y" trên sắn - 06/11/2014
- Lo ngại xây dựng trái phép, Đà Lạt dừng phát triển du lịch canh nông - 21/09/2020
- Bế giảng lớp huấn luyện chuyên môn về thuốc Bảo vệ thực vật năm 2013 - 17/06/2013
- Tin bài hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch - 11/11/2020
- Tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 18/12/2020
- Làm nhà kính trồng cây sung ngọt - 20/05/2024
- KẾT QUẢ THỰC HIỆN TÁI CANH, GHÉP CẢI TẠO GIỐNG CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2021 - 03/12/2021
- Lễ trao giải cuộc thi Triệu phú rau hoa - 16/07/2018
- Hội nghị “đánh giá công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019” - 31/10/2019
- Danh sách 278 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2018 - 14/07/2018
- Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm - 08/05/2020
- Triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Cục Trồng trọt - 09/06/2021