Thu lợi kép từ mô hình xen canh
- Được viết: 26-08-2024 07:55
Những năm qua, từ việc trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê, nhiều nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện trong tỉnh đã và đang có nguồn thu nhập khá cao.
Mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê giúp nâng cao thu nhập cho gia đình ông K’Hiểuh
Ông K’Hiểuh ở Thôn 2, xã vùng sâu Đinh Trang Thượng (Di Linh) cho biết, từ nhiều năm qua, thấy cây có múi có giá cả ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương, thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ khá mạnh và được nhiều bà con trong tỉnh nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung phát triển mạnh, nên những năm qua, gia đình ông K’Hiểuh đã mua một số cây trồng xen thử nghiệm cùng các loại cây bơ, mắc ca trong vườn cà phê rồi nhân rộng trên diện tích hơn 2 ha.
"Vốn là cây khó tính đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, nhưng nguồn lợi thu về cũng cao hơn hẳn. Bởi trước đây, giá cả thị trường cà phê bấp bênh và mang lại thu nhập cũng rất hạn chế. Vì vậy, việc trồng xen đa dạng cây trồng để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích là giải pháp hữu hiệu, giúp người nông dân thu lợi kép từ sản xuất nông nghiệp. Với 2 ha cà phê, dự tính niên vụ này, gia đình tôi thu bình quân đạt 5 tấn cà phê nhân; 200 gốc sầu riêng, có 40 gốc đang trong thời kỳ kinh doanh, ước tính sản lượng đạt 5 tấn quả và 8 tấn bơ 034 đã xuất bán…”, ông K’Hiểuh phấn khởi.
Tương tự, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở vùng sâu huyện Đam Rông cũng đã và đang chú trọng phát triển mô hình trồng xen cây ăn trái trong rẫy cà phê. Đến với vườn rẫy cà phê của gia đình ông K’Tăm ở Thôn 2, xã Liêng S’rônh nhận thấy, trong vườn cà phê ông đã trồng khá nhiều cây ăn trái các loại. Với 6 ha đất canh tác, đến nay, ông K’Tăm đã trồng 4 ha cà phê (2 ha đang cho kinh doanh), 1 ha sầu riêng và trồng xen 100 cây bơ, 500 cây chanh không hạt, mắc ca, dổi. Ngoài ra, gia đình ông K’Tăm còn trồng 3 sào dâu để nuôi tằm. “Số diện tích cà phê đang cho kinh doanh, mỗi năm bình quân đạt sản lượng 5,5 tấn cà phê nhân, số còn lại năm nay bắt đầu cho thu bói. Còn các loại cây ăn trái như: Bơ, sầu riêng, mắc ca, nhiều cây cũng đã cho thu hoạch ổn định. Còn về trồng dâu, nuôi tằm do hạn chế về nhà nuôi nên hiện tại gia đình tôi mới chỉ nuôi 7,5 gram tằm con/lứa. Từ khi thực hiện mô hình trồng xen đa cây, thu nhập của gia đình được tăng lên và ổn định hơn. Tùy theo đặc tính sinh trưởng, mỗi loại cây trong vườn rẫy cho thu hoạch vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nên cũng hạn chế áp lực về mặt thời gian thu hoạch cho gia đình”, ông K’ Tăm - Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Thôn 2 nói.
Còn gia đình ông Phan Văn Tuấn ở thôn Tân Tiến, xã Đạ R’sal, có 4 ha đất sản xuất. Những năm qua, song song với phát triển cây cà phê, ông Tuấn chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước và thực hiện thành công mô hình trồng 400 cây vải thiều, trồng xen 120 cây sầu riêng, cây bưởi da xanh và cam, quýt trong vườn cà phê. Ngoài ra, ông còn tận dụng khoảng đất trống, bờ ao trồng 0,2 ha rau an toàn và diện tích 0,3 ha mặt nước thả cá để cải thiện cuộc sống gia đình. “Nhu cầu và giá cả thị trường cây ăn trái các loại ổn định. Với mô hình trồng xen đa cây đã cho gia đình tôi có nguồn thu nhập quanh năm, tránh được tình trạng được mùa mất giá bởi chỉ độc canh cây cà phê. Từ nhiều năm nay, bình quân gia đình tôi có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí sản xuất”, ông Phan Văn Tuấn bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, cho biết: Việc trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê đã được nhiều nơi thực hiện từ nhiều năm nay. Bởi người dân nhận thấy cái lợi từ các loại cây ăn trái trồng xen trong vườn cà phê mang lại, nên đã mạnh dạn mở rộng diện tích xen canh. Cách làm này cho hiệu quả kinh tế tốt, vừa nâng cao giá trị sử dụng đất và tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích, vừa giảm tỷ lệ rủi ro khi giá cả cà phê lên xuống thất thường. Vì vậy, nhiều năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 12 của Huyện ủy, nhận thấy hiệu quả, thông qua mô hình, việc trao đổi, tập huấn…, bà con đã mạnh dạn thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, qua thực nghiệm đã chứng minh việc trồng xen mắc ca ở xã Phi Liêng, Đạ K’nàng đã cho thu nhập gia tăng thêm từ 150 - 250 triệu đồng/ha... Bên cạnh đó, các loại cây ăn trái khi trồng xen trong vườn cà phê có nhiều lợi ích, vì vừa làm cây che bóng, mùa khô hạn chế quá trình hấp thụ bốc hơi nước, giúp giảm lượng nước tưới cho cà phê. Đồng thời hạn chế sâu bệnh cho cây cà phê…
Theo thống kê của huyện Đam Rông, đến nay, toàn huyện đã có trên 30% diện tích cây cà phê có trồng xen cây ăn trái các loại; tập trung nhiều nhất ở các xã Đạ R’sal, Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ K’nàng và Phi Liêng…
https://baolamdong.vn/
Các tin khác
- Người tiên phong trồng mắc ca đất Lâm Hà - 03/06/2024
- Vai trò của phân bón vi lượng trong sản xuất nông nghiệp - 06/09/2019
- Danh sách các cơ sở SXKD giống rau đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 23/08/2018
- Hướng dẫn Danh mục giống cây trồng sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi năm 2019 - 22/03/2019
- Kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn theo hướng tăng trưởng xanh - 11/10/2024
- Sản xuất rau, củ, quả nói không với thuốc trừ sâu - 09/04/2024
- Lạc Dương với mục tiêu 8.480 ha rau an toàn - 23/07/2024
- Đặc điểm một số giống cà phê chè trồng tại Lâm Đồng - 09/10/2019
- Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng và công bố mã hồ sơ đối với thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam - 05/03/2015
- Hội thảo “Sản xuất cây giống họ cà sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn cơ sở xuất vườn” - 25/09/2018
- Tái canh cà phê ở Tây Nguyên vượt mốc 118 nghìn ha - 01/11/2019
- Hội thảo “Hiện đại hóa khâu sản xuất giống rau, hoa ở Lâm Đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” - 02/11/2018
- TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG CÂY MẮC CA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG - 03/12/2021
- Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2015 - 06/01/2015
- "Thủ phạm" đục củ khoai lang - 06/11/2014
- Sau hoa lay ơn đến rau củ làm thức ăn cho bò - 20/02/2014
- Hội nghị Các giải pháp tăng cường công tác quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2013 - 22/12/2013
- Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng chè, chủ động hội nhập Quốc tế - 06/08/2015
- Hạn chế bệnh héo xanh cà chua - 18/08/2015
- Bội thu cam VietGAP - 18/11/2019