Kết quả thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tảo giống cà phê giai đoạn 2013-2019 và kế hoạch, giái pháp trong thời gian tới
- Được viết: 10-12-2019 17:09
Lâm Đồng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 200.000ha đất đỏ Bazan phân bố chủ yếu ở độ cao 500 - 1.500m, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất cà phê; đặc biệt là trồng được cả 3 chủng loại cà phê chè, cà phê vối và cà phê mít với chất lượng tốt. Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 174.390 ha cà phê (Trong đó: Cà phê vối 160.705ha, cà phê chè 13.482ha) với sản lượng năm 2018 đạt 508.000 tấn (năm 2019 ước đạt khoảng 523.000 tấn); sản lượng xuất khẩu năm 2018 đạt 110.000 tấn, giá trị 183 triệu USD; diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (UTZ, 4C, Rainforest,…) đạt 75.493 ha; về sản xuất giống toàn tỉnh có 246 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê với năng lực sản xuất trên 13 triệu cây giống/năm; về hoạt động thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh hiện có 92 doanh nghiệp và 472 hộ kinh doanh cá thể tham gia hoạt động thu mua và chế biến cà phê với tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê nhân từ 280.000 - 300.000 tấn/năm, chế biến cà phê bột khoảng 1.650 tấn/năm; tỉnh đã xây dựng được 03 nhãn hiệu chứng nhận cà phê ở các địa phương, gồm: “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”, “cà phê Arabica Langbiang Lạc Dương” và “cà phê Di Linh”.
Là tỉnh đi đầu của cả nước trong việc thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tạo giống cà phê, từ năm 2013 đến nay, diện tích tái canh, ghép cải tạo cà phê trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 65.643 ha (trong đó: diện tích tái canh cà phê chè 1.280 ha; diện tích ghép cải tạo cà phê chè 2,0 ha; diện tích tái canh cà phê vối 32.326 ha và diện tích ghép cải tạo cà phê vối 32.035 ha). Qua gần 7 năm triển khai thực hiện chương trình tái canh đã đạt được kết quả nổi bật như: đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,3 tạ/ha năm 2018; sản lượng từ 365.923 tấn năm 2012 lên 508.000 tấn năm 2018 (tại các huyện trọng điểm cà phê của tỉnh như huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên, có nhiều mô hình đạt năng suất 7 - 8 tấn/ha).
Để đạt được những kết quả như trên, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản xuất cà phê theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng như: (1) Tập trung chỉ đạo sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn; (2) Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; (3) Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cà phê bền vững; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ tái canh, chuyển đổi giống, xây dựng thương hiệu,… đặc biệt là Chỉ đạo thực hiện quyết liệt chương trình tái canh cà phê và đã xác định được bộ giống cà phê phù hợp, có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho chương trình tái canh đó là các giống cà phê vối cho năng suất, chất lượng cao như: TR4, TR9, TR11, TS1, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên, ...; xây dựng được hệ thống các cơ sở vườn ươm với 246 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê đảm bảo chất lượng với năng lực sản xuất trên 13 triệu cây giống mỗi năm để phục vụ tái canh. Về cơ bản, giống cà phê đã đáp ứng được đủ nhu cầu cho sản xuất; về giải pháp kỹ thuật, đã xây dựng được quy trình tái canh, ghép cải tạo phù hợp với điều kiện của Lâm Đồng để rút ngắn thời gian chờ luân canh nhưng vẫn đảm bảo vườn cà phê sạch bệnh, cho năng xuất cao; huy động được các nguồn vốn để thực hiện chương trình tái canh cây cà phê trong giai đoạn năm 2013 – 2018 ước đạt 10.280 tỷ đồng (Trong đó: nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 17 tỷ đồng, nguồn vốn vay tín dụng 955 tỷ đồng, nguồn vốn từ các doanh nghiệp hỗ trợ 9.308 tỷ đồng), 10 tháng năm 2019 nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng Agribank đã giải ngân 110,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, nguồn vốn do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ đang triển khai tại tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn phân bổ 197,3 tỷ đồng hỗ trợ cho vay tái canh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình tái canh cà phê của tỉnh Lâm Đồng cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: tỷ lệ hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn này còn ít, chỉ chiếm khoảng 10% (do tài sản có thể thế chấp thì nông dân đã thế chấp với ngân hàng lấy vốn sử dụng vào mục đích khác); việc giải ngân hỗ trợ tín dụng từ Nhà nước theo phương thức nhiều giai đoạn như hiện nay cũng không phù hợp với nhu cầu của người dân và không khuyến khích các hộ tiếp cận nguồn vốn vay; nguồn tài chính của các hộ dân còn hạn chế, trong khi đó chi phí cho tái canh từ 200 - 230 triệu đồng/ha, phần tín dụng ngân hàng cho vay tối đa là 80%, số còn lại người dân tự bỏ ra, thời gian tái canh dài mới có nguồn thu nhập ổn định nên việc tái canh trên diện tích rộng, số lượng lớn người dân còn đắn đo, cân nhắc; công tác chuyển giao KHKT còn hạn chế dẫn đến một số hộ áp dụng không đúng quy trình, hướng dẫn tái canh, chăm sóc bón phân, xử lý đất trước khi trồng tái canh, ghép cải tạo, ....; Một số hộ tái canh với diện tích manh mún, chỉ trồng tái canh những cây cho năng suất thấp, cây bị sâu bệnh hại, không tái canh toàn bộ trên một diện tích cụ thể, do vậy việc đầu tư chăm sóc áp dụng không đúng quy trình tái canh; tỷ lệ trồng cây che bóng, cây chắn gió còn thấp.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chương trình tái canh, ghép cải tạo giống cà phê với một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
- Về diện tích: năm 2020 tập trung thực hiện tái canh, ghép cải tạo giống cà phê trên diện tích 6.769 ha và sẽ tiếp tục rà soát diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để tiếp tục xây dựng kế hoạch tái canh cà phê trong giai đoạn 2021-2025.
- Về giống: Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống cà phê như: công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và công bố tiêu chuẩn chất lượng giống cà phê của các cơ sở gieo ươm giống trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên, hỗ trợ cho các cơ sở, vườn ươm giống cà phê chất lượng cao (Bourbon; Typica, Caturra, Pacamara, …) tại Đà Lạt và Lạc Dương để duy trì nguồn giống và phát triển các nhãn hiệu đã được chứng nhận gắn với công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Du nhập giống ở các vùng khác trong nước hoặc nhập nội khảo nghiệm chọn lọc giống có khả năng kháng sâu bệnh hại và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận của biến đổi khí hậu.
- Về kỹ thuật canh tác: Bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cà phê đã ban hành, các quy trình kỹ thuật còn thiếu để áp dụng chung trên địa bàn toàn tỉnh và chuyển giao cho người dân; chú trọng việc đánh giá và áp dụng kỹ thuật trồng cây trồng xen, che bóng (Bơ, mắc ca, sầu riêng, tiêu, …). Nhân rộng mô hình điểm tái canh, cải tạo giống cà phê; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm tăng diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng VietGAP, UTZ, 4C, …
- Vốn vay tín dụng: Kiến nghị Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng I và Lâm Đồng II tiếp tục cho vay không có tài sản bảo đảm đầu tư cây cà phê như sau: Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (áp dụng điểm c, Điều 9 của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015). Đề xuất lãi suất cho trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo và đầu tư thâm canh với mức lãi suất cho vay đối với dư nợ các khoản cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi của ngân hàng với khách hàng là 6,5%/năm.
- Tiếp tục triển khai thực hiện và lồng ghép với các chương trình, dự án: Triển khai thực hiện tốt các dự án đã và đang đầu tư phát triển cho chương trình tái canh, ghép cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh như: Dự án VnSAT; Dự án ISLA; Tổ chức IDH hỗ trợ chương trình sản xuất bền vững kết hợp với bảo tồn và an sinh xã hội tại huyện Di Linh và xây dựng cảnh quan bền vững không mất rừng huyện Lạc Dương; Tổ chức phát triển Hà Lan SNV – Dự án CAFE REDD (Dự án cà phê nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng cho REDD+ tỉnh Lâm Đồng) triển khai thực hiện tại huyện Lạc Dương để nâng cao năng lực cho nông dân triển khai trồng tái canh, ghép cải tạo giống gắn với phát triển cà phê bền vững tại địa phương.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TÁI CANH, GHÉP CẢI TẠO GIỐNG CÀ PHÊ
Tái canh cà phê vối
Ghép cải tạo giống cà phê vối
Vy Thế Vũ
Các tin khác
- Bọ xít muỗi gây hại cà phê chè tại huyện Lạc Dương trong những ngày đầu năm 2019 - 14/01/2019
- Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh giống hoa, invitro đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - 14/10/2019
- Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng - 27/03/2020
- Tin bài hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch - 11/11/2020
- Quyết định Công nhận vườn cây sầu riêng đầu dòng - 14/10/2018
- Khai giảng lớp huấn luyện IPM trên cây cà chua tại thôn TaLy 2 xã Ka Đô huyện Đơn Dương - 26/09/2019
- Để đạt tốc độ tăng trưởng trồng trọt 5,5%/năm - 29/08/2024
- Chăm sóc hoa lay ơn như thế nào để vui đón Tết? - 18/11/2019
- Hội thảo “Hiện đại hóa khâu sản xuất giống rau, hoa ở Lâm Đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” - 02/11/2018
- Hội nghị tổng kết công tác Bảo vệ thực vật các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên - 01/11/2019
- Kết quả khảo sát các giống khoai tây nhập khẩu từ Hunggari - 30/03/2018
- Lễ trao giải cuộc thi Triệu phú rau hoa - 16/07/2018
- Công tác kiểm dịch thực vật nội địa tại một số công ty nhập khẩu giống hoa phục vụ tết Nguyên Đán 2018 - 15/02/2018
- Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022” - 19/08/2022
- Đặc điểm một số giống cà phê chè trồng tại Lâm Đồng - 09/10/2019
- Tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả phục vụ công tác chuyển đổi năm 2018 - 12/09/2018
- Hội thảo “Sản xuất cây giống họ cà sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn cơ sở xuất vườn” - 25/09/2018
- Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2015 - 06/01/2015
- Nông nghiệp ứng dụng CNC Lâm Đồng – dấu ấn của sự phát triển - 17/12/2017
- Phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm - 04/02/2020