Thống kê truy cập

3537480
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
129
16168
77125
3537480

Tình hình phòng chống dịch hại trên cây trồng 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2013

1. Kết quả phòng chống dịch hại cây trồng 6 tháng đầu năm 2013

1.1. Rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá hại lúa

- Trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã thu thập 18 mẫu lúa (Đức Trọng: 07 mẫu; Di Linh: 06 mẫu và Cát Tiên: 05 mẫu) gởi về Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II phân tích giám định vi rus vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa. Kết quả phân tích không có mẫu nhiễm vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá. Các huyện chưa thực hiện công tác lấy mẫu gồm Lâm Hà, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Đam Rông.

Vụ Đông Xuân 2012 - 2013 toàn tỉnh gieo sạ 10.0391,3 ha, vụ Hè Thu 6.327,5 ha. Diện tích nhiễm rầy 1.342,5 ha tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên và Đức Trọng; (giảm 3.513,3 ha so với 6 tháng năm 2012). Mật độ trung bình 197,9 con/m2, cục bộ 6.000 con/m2. Trong đó nhiễm nặng 73,3 ha với mật độ > 3.000 con/m2 tại Đạ Tẻh (giảm 84,7 ha so với 6 tháng năm 2012).

Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, trong thời gian trước và sau tết Nguyên Đán rầy nâu di cư từ huyện Cát Tiên ảnh hưởng tới huyện Đạ Tẻh; rầy nâu có xu hướng lây lan mạnh với mật độ cục bộ từ 3.500 – 6.000 con/m2 nhiễm trên diện tích 24 ha. Để chủ động công tác phòng chống dịch rầy nâu và hạn chế lây lan virus gây bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá trên các diện tích lúa của huyện Đạ Tẻh, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã cấp thuốc chống dịch trên diện tích 1.800 ha lúa, lượng thuốc 1.800 lít Azora 350EC và 2.160 kg Aperlaur 100WP. Kết quả, huyện Đạ Tẻh đã xử lý 1.701 ha, hiệu lực thuốc trung bình đạt 63,4%.

1.2. Ruồi vàng hại mít

- Tháng 5 năm 2012, 02 loài ruồi vàng Bactrocera dorsalisBactrocera umbrosa xuất hiệnvà gây hại trên diện tích 516,4 ha mít tại Đạ Huoai (tỷ lệ trái bị hại 60 - 70 %, tỉ lệ cây bị hại 100 %). Chi cục BVTV đã phối hợp với TTNN Đạ Huoai tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ và triển khai thực hiện khảo nghiệm hiệu lực phòng trừ ruồi hại mít của một số loại thuốc BVTV.

Đầu tháng 3 năm 2013, diện tích, tỉ lệ trái bị hại, cây hại đã giảm so năm 2012 ( diện tích giảm  223,4 ha, tỉ lệ trái bị hại 9 – 40 %, tỉ lệ cây bị hại 30 – 90 %), nhưng cục bộ còn một số diện tích có tỉ lệ cây hại, tỉ lệ trái bị hại cao. Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng kết hợp TTNN Đạ Huoai thực hiện Dự án xây dựng các mô hình phòng trừ tổng hợp ruồi vàng hại cây ăn quả tại huyện Đạ Huoai. Kết quả:

- Triển khai 12 lớp tập huấn hướng dẫn phòng trừ ruồi vàng đục quả gây hại cây mít cho 495 nông dân tại các xã Đoàn kết, Đạ Ploa, Đạmri, Phước Lộc, Hà Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tồn, TT Đạmri, Madaguoi.

- Đặt 2.400 bẫy/diện tích 180 ha trong thời gian 45 ngày (5/3 – 20/4/2013) tại các xã Đoàn kết, Đạ Ploa, Đạmri, Phước Lộc, Hà Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tồn, Madaguoi, TT Đạmri, TTMadaguoi. Số lượng bẫy đặt trung bình 13 - 14 bẫy/ha (1.200 bẫy dùng thuốc Vizubon D và 1.200 bẫy dùng thuốc Flykil 95EC). Sau 45 ngày đặt bẫy số lượng ruồi vào bẫy đã giảm đáng kể  từ 129,4/bẫy/ngày xuống còn 33,9 con/bẫy/ngày. Tỷ lệ quả bị hại ở các vườn mô hình giảm từ 15 – 20 % so với vườn nông dân không đặt bẫy phòng trừ.

 1.3. Sùng trắng hại cây trồng

Sùng trắng là ấu trùng của Bọ hung, thuộc Bộ cánh cứng. Tại Lâm Đồng, có 3 loại gây hại trên cây trồng gồm: Bọ hung đen (Allissonotum impressicolle), Bọ hung nâu (Holotrichia sinensis) Bọ hung xanh (Anomata sp). Năm 2012 sùng trắng xuất hiện và gây hại trên diện tích 182 ha tại Đạ Huoai,  mật độ trung bình 5 – 10con/m2

Đầu tháng 3 năm 2013 trên địa bàn huyện Đạ Huoai sùng trắng gây hại trên diện tích 77 ha (giảm 105 ha so với năm 2012), mật độ trung bình 3,5 – 5,2 con/m2 , cục bộ có nơi cao nhất 22 con/m2  . Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng kết hợp với TTNN Đạ Huoai thực hiện Dự án xây dựng 03 mô hình phòng trừ tổng hợp sùng trắng gây hại cây trồng tại xã Đạmri, xã Đạ Tồn. Mô hình sử dụng các biện pháp:

- Dùng bẫy đèn thu gom trưởng thành và theo dõi thời điểm trưởng thành vào đèn rộ ( đặt 12 bẫy từ ngày 26/3 – 30/4/2013). Kết quả: trưởng thành vào bẫy nhiều từ ngày 30/3-10/4/2013 (trung bình 26 con/bẫy/đêm), sau 34 ngày theo dõi không thấy trưởng thành vào đèn, trung bình cả đợt theo dõi là 10,5 con/bẫy/đêm.

- Trồng xen khoai lang (đầu tháng 4) trong vườn để thu hút sùng trắng tập trung gây hại trên khoai lang sẽ làm giảm mật độ sùng tấn công trên cây trồng chính tiến hành thu khoai lang để tiêu diệt ấu trùng.

- Trồng cúc quì xung quanh vườn cây để xua đuổi.

- Dùng phân chuồng tươi để làm bẫy dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng, thu đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.

-  Phòng trừ sùng trắng bằng một số loại thuốc BVTV.

 - Chuyển đổi giống cây trồng: Trung tâm Nông nghiệp đã thực hiện thí điểm chuyển đổi 16,32 ha trồng mía (tại xã Đạ Tồn) thường bị sùng trắng gây hại sang trồng cây dâu tằm (từ tháng 12/2012) bước đầu cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013 mật độ sùng trắng thấp, ít ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.

- Nhìn chung nhiều nông dân đã áp dụng các biện pháp phòng trừ sùng trắng theo hướng dẫn của Chi cục BVTV và Trung tâm Nông nghiệp huyện, mật độ sùng trắng đã giảm, trung bình 3,8  – 4,2 con/m2. Tuy nhiên cục bộ có điểm còn 16 con/m2 .

Từ các kết quả thu được Chi cục BVTV Lâm Đồng đã hướng dẫn các Trung tâm nông nghiệp điều chỉnh một số nội dung trong biện pháp phòng trừ sùng trắng và hướng dẫn cho nông dân thực hiện như: Khoai lang cần được trồng vào tháng 2 hàng năm để tháng 4 hình thành củ dẫn dụ sùng đến đẻ trứng, ấu trùng tấn công củ khoai, tiến hành thu gom tiêu diệt có hiệu quả hơn. Hoa dã quỳ cũng cần trồng sớm từ tháng 1-2 hàng năm. Đặt bẫy đèn khi thấy trưởng thành xuất hiện. Bón đầy đủ và cân đối các loại phân hữu cơ, phân vô cơ. Cày, cuốc, xới phơi ải  và bón vôi xử lý đất trước khi trồng. Đào rãnh sâu, phân lô hạn chế sùng di chuyển sang nơi khác. Luân canh cây trồng trên diện tích đất đã nhiễm sùng. Sử dụng thuốc BVTV ở giai đoạn sùng mới nở, tuổi 1-2 bằng một trong các loại thuốc: Carbofuran (Vifuran 3GR), Fipronil (Regal 3GR), Chlorpyrifos Ethyl +Permethrin (Tasodant 12GR), Metarhizium anisopliae var anisopliae (Vimetarzimm 95DP).

1.4. Sâu đục thân hại cà phê

- Tháng 3 năm 2013sâu đục thân (Xylotrechus quadripes) xuất hiện và gây hại trên cây cà phê chè tại xã Xuân Trường – TP Đà Lạt trên diện tích 440 ha và có có xu hướng tăng mạnh từ giữa tháng 6 và gây hại tại Xuân Trường, Trạm Hành, Tà Nung trên diện tích 2.085 ha trong đó 979 ha nhiễm nhẹ, 709 ha nhiễm trung bình, 397 ha nhiễm nặng. Sâu đục thân chủ yếu gây hại trên vườn cà phê chè không trồng cây che bóng, việc tạo hình sửa tán không thường xuyên cây phát triển không cân đối, khuyết tán thân cây không được che phủ từ trên xuống dưới tạo điều kiện thuận lợi cho trưởng thành đến đẻ trứng.

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt thường xuyên theo dõi diễn biến sâu đục thân, tập huấn (4 lớp) hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ, khảo nghiệm chọn thuốc BVTV có hiệu quả cao phòng trừ sâu đục thân. Cụ thể:

+ Hướng dẫn nông dân thực hiện đúng qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê chè do Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành.

+ Trồng cây che bóng (bơ, muồng đen, muồng hoa vàng, keo dậu) để giảm cường độ chiếu sáng của vườn cây.

+ Sửa hình, tạo tán cho cây có hình thù cân đối, thân cây được che phủ từ trên xuống dưới tạo môi trường bất lợi cho sâu đục thân đến đẻ trứng và gây hại.

+ Đối với cây bị hại nặng, lá vàng, héo cần cắt bỏ phần bị hại tiêu hủy triệt để (đem đốt hoặc chẻ thân thu hết sâu non tiêu diệt).

+ Sử dụng các loại thuốc hóa học: Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC), Diazinon (Diazol 10GR, Diazan 50 EC) để phòng trừ

2. Kế hoạch thực hiện phòng chống dịch hại 6 tháng cuối năm 2013

Để có cơ sở cho việc chỉ đạo, kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại cây trồng. Chi cục BVTV Lâm Đồng thường xuyên cử cán bộ phối hợp với  TTNN các huyện, thành phố  điều tra, theo dõi diễn biến của dịch hại và thực hiện những nội dung sau:

2.1. Đối với rầy nâu hại lúa

- Duy trì việc điều tra, theo dõi hàng ngày diễn biến tình hình rầy nâu vào đèn, rầy nâu ngoài đồng ruộng.

- Thu thập 40 mẫu lúa, 24 mẫu rầy để giám định virus gây bệnh VL-LXL hại lúa

- Thử nghiệm xác định hiệu lực của một số loại thuốc để thay thế thuốc chống dịch Aperlaur 100WP (sử dụng trong thời gian qua). Thời gian thực hiện khảo nghiệm tháng 8 năm 2013.

- Cấp phát thuốc kịp thời, đầy đủ số lượng, chủng loại, hướng dẫn cách sử dụng cho nông dân khi có dịch.

2.2.Đối với Sâu đục thân cà phê

- Tiếp tục hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ nêu trên, chăm sóc cà phê theo qui trình, nông dân cần kết hợp sử dụng thuốc BVTV rải gốc kết hợp với phân bón đợt cuối để phòng trừ sâu đục thân xuất hiện vào đợt tới. Đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện trồng cây che bóng cho cà phê theo chủ trương của UBND TP Đà Lạt.                                  

- Phối hợp với công ty CP BVTV An Giang thực hiện Mô hình phòng trừ tổng hợp sâu đục thân tại xã Xuân Trường.

2.3.Đối với Sùng trắng

- Tiếp tục hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ tổng hợp. Theo dõi diễn biến sùng trắng, khi xuất hiện trưởng thành hướng dẫn nông dân sử dụng bẫy đèn sớm và thường xuyên để thu gom, tiêu diệt triệt để trưởng thành.

- Tiếp tục theo dõi diễn biến sùng trắng trên diện tích dâu tằm được chuyển đổi. Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai xây dựng kế hoạch đến tháng 10 năm 2013 chuyển đổi 40 ha diện tích cây trồng bị sùng trắng gây hại sang trồng cây dâu tằm.

Phạm Ngọc Toản

Các tin khác