Quy trình kỹ thuật trồng hoa cát tường
- Được viết: 30-07-2013 16:13
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG HOA CÁT TƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012 V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)
I. MỘT SỐ ĐẶC TÍNH SINH LÝ & YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH
1. Một số đặc tính sinh lý
Hoa kiết tường có tên khoa học Eustoma grandiflorum (Raf.) hoa có nguồn gốc từ miền tây của nước Mỹ. Là loài cây có khả năng chịu rét tương đối trên đồng cỏ và được biết đến với nhiều màu sắc khác nhau, có loại cánh đơn và cánh kép.
* Gống hoa
+ Giống hoa kép:
- Nhóm Avilia: nhóm này thích hợp ở điều kiện ánh sáng yếu và nhiệt độ mát. Do vậy nhóm giống này thường trồng vào vụ đông. Các màu thường là trắng ngà, viền xanh, hồng cánh sen, đỏ tía.
- Nhóm Balboa: nhóm này thích hợp nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao hơn. Phug hợp trồng vụ xuân đến hè. Phát triển tốt ở điều kiện quang chu kỳ ngày dài. Các màu thường là xanh, viền xanh, xanh tía.
- Nhóm Catalina: thích hợp với điều kiện ngày dài và thời tiết ấm áp. Các màu thường là xanh tía và màu vàng.
- Nhóm Candy: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Nhóm này cho hoa nở đồng loạt và có nhiều màu để chọn lựa.
- Nhóm Echo: Nhóm này là nhóm phổ biến trong giống hoa cát tường.Không thích hợp với cường độ ánh sáng quá cao hay thấp, thích hợp cho vụ đông xuân. Các màu phổ biến trong giống này là xanh bóng, xanh tía, hồng, hồng tía, trắng tuyền.
- Nhóm Mariachi: Nhóm này thích hợp trồng trong chậu. Đặc điểm giống này là có số cánh hoa nhiều, cánh hoa mỏng hơn các giống khác nên nhìn rất đẹp. Các màu phổ biến trong giống này là trắng, hồng, hồng nhạt, xanh…
+ Giống hoa đơn:
- Nhóm Flamenco: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài và mạnh. Các màu là xanh bóng, hồng, vàng, trắng.
- Nhóm Heidi: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Có nhiều màu để chọn lựa.
- Nhóm Laguna: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài khoảng 48 cm, một cây trung bình có 3 thân và 25 nụ hoa. Có 02 màu là xanh đậm và xanh tía.
- Nhóm Malibu: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và trong mùa xuân và mùa thu. Có nhiều màu là hoa cà, xanh đậm, trắng, hồng, trắng viền xanh.
- Nhóm Yodel: Thân hoa dài khoảng 45 - 50cm. Có nhiều màu là xanh đậm, xanh, hoa cà, hồng phấn, hồng, trắng.
2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh
- Yêu cầu về nhiệt độ: Nhiệt độ tối thích cho hoa cát tường sinh trưởng và phát triển là từ 18 – 200C vào ban ngày và 15 – 180C vào ban đêm. Nhiệt độ vào ban đêm thấp hơn 150C sẽ làm trì trệ quá trình sinh trưởng của cây. Vào ban ngày khi nhiệt độ cao hơn 280C sẽ làm cho hoa nở sớm, rút ngắn quá trình sinh trưởng của hoa và cho hoa kém chất lượng. Tùy theo từng chủng loại giống mà có yêu cầu về nhiệt độ và quang chu kỳ khác nhau, do vậy trước khi trồng nên tìm hiểu chủng loại giống mà bố trí mùa vụ thích hợp.
- Yêu cầu về ánh sáng: Hoa cát tường phát triển tốt ở điều kiện 70 - 80 Klux ánh sáng tự nhiên, số giờ chiếu sáng trong ngày tối ưu là 16 giờ
- Yêu cầu về độ ẩm: Độ ẩm khoảng 70% được xem là lý tưởng nhưng sau khi nụ đầu tiên được hình thành thì việc giảm độ ẩm xuống dưới 70% sẽ làm gia tăng chất lượng của hoa.
- Yêu cầu về đất và chất dinh dưỡng: Hoa cát tường phát triển tốt trên nền đất có hàm lượng chất hữu cơ cao. Độ pH thích hợp từ 6,3 – 6,5
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
1. Giống và tiêu chuẩn giống:
Cây giống có thể tự gieo ươm hoặc mua cây giống từ những vườn ươm đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Cây giống khi trồng phải đạt các tiêu chuẩn tối thiểu:
Số ngày gieo ươm từ 75-90 ngày, chiều cao cây 0,5-2cm, đường kính cổ rễ từ 0,5 – 1mm, có 4-6 lá thật. Cây khỏe mạnh, không dị hình, rễ trắng, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.
2. Chuẩn bị đất trồng:
Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trồng trước, rải vôi, cày xới kỹ sâu khoảng 20-25 cm, phơi ải, xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng, sên nhớt để rải lên đất trước khi cày. Sau khoảng 2 – 3 tuần phơi ải và xử lý đất, bón lót phân chuồng đã ủ với chế phẩm Trichoderma và Super lân. Thiết kế luống với rò rãnh 1,1-1,2m, luống cao 15 – 20 cm, đảo trộn phân kỹ trước khi trồng.
Vườn trồng cần có hệ thống mương rãnh tiêu thoát nước tốt.
3. Phân bón và cách bón phân
* Lượng phân bón khuyến cáo sử dụng cho 1ha/vụ gồm:
+ Phân chuồng: 80-100m3
+ Vôi: 800 – 1000kg
+ Phân lân vi sinh(LVS): 300kg
+ Tricoderma: 10kg
+ Phân vô cơ tính theo lượng nguyên chất: 310kg N - 360kg P2O5 – 440kg K2O.
Có thể sử dụng phân đơn chất hoặc phức hợp quy đổi tương đương theo lượng nguyên chất như trên.
- Nếu sử dụng phân đơn chất thì cần: 670kg ure, 2250kg super lân, 740kg kali đỏ
- Nếu sử dụng phân phức hợp: có thể sử dụng các loại phân và cách bón như sau cho năng suất, chất lượng hoa đạt tốt: 900kg NPK 16-16-8, 600kg NPK 20-20-15, 300kg NPK 15-5-20, 400kg kali trắng, 500kg super lân
* Cách bón:
- Bón lót: toàn bộ vôi, tricoderma, phân chuồng, 500kg super lân, 500kg NPK (16:16:8). Rải phân đều trên mặt luống, xăm trộn đều trên tầng đất mặt (20 – 30 cm) và tiến hành trồng cây.
- Bón thúc:
+ Sau khi trồng 3 tuần, bón thúc 200 kg NPK(16:16:8) + 100 kg kali sunphat
+ Sau khi trồng 6 tuần, bón thúc 30 kg NPK(20:20:15) +10 kg kali sunphat
+ Sau khi trồng 9 tuần, bón thúc 30 kg NPK(15:5:20)
+ Sau thu hoạch lần một 2 tuần, bón thúc 20 kg NPK(16:16:8)+10 kg kali sunphat
+ Sau thu hoạch lần một 4 tuần, bón thúc 30 kg NPK(20:20:15) +10 kg kali sunphat.
Trong quá trình bón không nên rải phân sát gốc hoa, thường bón kết hợp với việc xới xáo, làm cỏ. Sau khi bón xong cần tưới đẫm cho tan phân để cây hấp thu.
Canxi cũng cần thiết trong quá trình sinh trưởng & phát triển của cây, tuy nhiên hoa cát tường không thích hợp khi trồng trên nền đất có hàm lượng canxi cao.
- Cuối giai đoạn trưởng thành tăng cường hàm lượng kali nhằm giúp cứng cây và đảm bảo chất lượng của hoa. Bổ sung thêm các thành phần Ca và Mg bằng cách bơm vào gốc giúp cải thiện chiều cao của cây .
4. Trồng và chăm sóc
Chọn cây khoẻ, đồng đều, không có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh, trồng vào buổi chiều mát, tưới và duy trì đủ ẩm sau khi trồng để cây bén rễ tốt.
* Mật độ trồng:
Trên mặt luống trồng từ 5 – 6 hàng với hàng cách hàng khoảng 15 – 18 cm, trên mỗi hàng trồng cây cách cây từ 10 – 12 cm. Mật độ trồng đạt khoảng 30.000 – 32.000 cây/ha. Vào mùa mưa có thể trồng thưa hơn để hạn chế bệnh phát triển và lây lan.
* Cách trồng: Trồng và lấp đất ngang cổ thân, tránh trồng quá sâu có thể làm thối rễ cây con. Sau khi trồng cần quản lý tốt độ ẩm đất nhằm giúp cho cây con mau chóng hồi phục và phát triển tốt trên vườn.
* Tưới nước:
Sau trồng phải tưới từ 2 – 3 lần vào thời điểm 5 giờ sáng, 10 giờ sáng và 2 giờ chiều để giữ ẩm cho cây con bén rễ tốt. Sau 10 – 15 ngày khi cây con bén rễ, giảm số lần tưới xuống còn 1 – 2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết là trời râm hay nắng gắt.
* Che lưới đen:
Hoa cát tường yêu cầu lượng ánh sáng cần cho quá trình quang hợp không cao, do vậy cần che một lớp lưới đen để giảm bớt từ 30 – 40% ánh sáng nhằm giúp gia tăng chiều dài cành hoa. Tuy nhiên vào các tháng mưa nhiều ở Đà Lạt (tháng 7,8,9) cần tháo bỏ lưới che để hạn chế bệnh do nấm hại phát triển, nhất là nấm mốc đen (Botrytis cineca) gây hại trên thân và lá của hoa.
* Cắm cọc và giăng dây đỡ:
Sau khi trồng khoảng 1 tháng, cần tiến hành giăng lưới đỡ cây. Đóng cọc và giăng lớp lưới đầu tiên, thường sử dụng lưới đan bằng cước nylon có kích thước mắt lưới là 15cm x 20cm. Lớp lưới đầu tiên đặt cách mặt đất 30cm, lớp lưới thứ hai cách lớp đầu tiên khoảng 15cm – 20cm. Hai lớp lưới này giúp cây hoa không bị ngã đổ và giữ cho cành hoa được thẳng.
* Tỉa nụ hoa:
Sau khi trồng từ 10 – 13 tuần cây sẽ cho nụ hoa đầu tiên. Cần tỉa bỏ nụ hoa đầu tiên này để các chồi bên ra hoa đồng loạt. Có một số giống không cần tỉa nụ hoa này mà cây vẫn cho hoa đồng loạt.
Sau khi thu hoạch đợt bông đầu, cây sẽ có thời gian nghỉ khoảng 6 – 8 tuần mới cho bông đợt hai. Năng suất thu hoạch đợt bông lần hai chỉ bằng khoảng 20 – 30% so với năng suất lần đầu.
III. SÂU BỆNH HẠI VÀ CÁCH PHÒNG TRỪ
Lưu ý: Hiện nay, các thuốc BVTV đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa cát tường còn rất ít, một số đối tượng sâu bệnh hại không có loại thuốc nào được đăng kí phòng trừ. Chính vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc bảo vệ phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại tương tự trên cây trồng khác để sử dụng trên cây hoa cát tường. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
1. Sâu hại chính và biện pháp phòng trừ
1.1. Bọ phấn (Bemisia tabaci)
Đặc điểm hình thái:
- Trưởng thành: Con đực dài 0,75-1mm, sải cánh dài 1,1-1,5mm. Con cái dài 1,1-1,4mm, sải cánh dài 1,75-2mm. Hai đôi cánh trước và sau dài gần tương đương nhau, toàn thân phủ một lớp phấn trắng, dưới lớp phấn trắng thân màu vàng nhạt.
- Trứng: Hình bầu dục có cuống, dài 0,18-0,2mm (trừ phần cuống). Vỏ mỏng, mới đẻ trong suốt, sau 24 giờ chuyển sang màu vàng sáp trong, sau 48 giờ chuyển thành màu nâu xám. Trứng được cắm vào lá và xếp dựng đứng trên lá.
- Sâu non: Màu vàng nhạt, hình ovan. Mới nở có chân và bò dưới mặt lá, tuổi 2 không còn chân và ở cố định một chỗ mặt dưới lá. Sâu non có 3 tuổi, ở những tuổi đầu ấu trùng thường tập trung trên các lá non nhưng khi đẫy sức thường tập trung ở các lá già. Kích thước con non đẫy sức dài 0,7-0,9mm; rộng 0,5-0,6mm.
- Nhộng giả: Màu sáng, hình bầu dục.
Biện pháp phòng trừ:
- Trồng vành đai cây dẫn dụ và bảo vệ. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, các bộ phận bị hại và tiêu hũy.
- Dùng bẫy keo màu vàng để dẫn dụ bọ phấn.
- Tham khảo sử dụng thuốc có các hoạt chất: Diafenthiuron ( Pegasus 500 SC); Dinotefuran (Oshin 100SL); nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.2. Bọ trĩ (Thrips)
Đặc điểm hình thái:
- Bọ trưởng thành rất nhỏ, dài dưới 1mm, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.
Biện pháp phòng trừ:
- Khi thấy có triệu chứng trên lá non, phun thuốc liên tiếp 3 ngày, sau đó phun phòng ngừa 2-3 tuần 1 lần.
- Tham khảo sử dụng thuốc có các hoạt chất: Emamectin benzoate( Susupes 1.9 EC); Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20EC), Spinetoram (Radiant 60 EC) phun với nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
1.3. Sâu ăn lá
Đây là loài sâu ăn lá, thường ẩn nấp dưới mặt lá, chúng ăn mặt dưới lá chừa lại phần biểu bì phía trên và tạo kén đẻ trứng ngay trên phần còn lại này. Chúng có khả năng sinh sản mạnh và phát triển rất nhanh.
Biện pháp phòng trừ:Tham khảo sử dụng thuốc Abamectin ( Plutel 1.8, 3.6 EC; Reasgant 1.8EC, 3.6EC; Delfin WG; Thuricide HP) để phòng trừ.
2. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ
2.1.Bệnh lỡ cổ rễ
Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện trên cây non trong nhà ươm cây. Triệu chứng bệnh là cây bị héo và ngã gục ngang phần cổ rễ.
Tác nhân gây bệnh là nấm Pythium spp. và Rhizoctonia solani. Bệnh sẽ phát triển và lang rộng nhanh nếu môi trường giá thể có độ ẩm quá cao. Do vậy, vỉ ươm cây cần kê cách mặt đất để tạo độ thông thoáng, trong quá trình chăm sóc tránh tưới vào thời điểm 15 giờ trở đi để hạn chế ẩm độ vào ban đêm.
Biện pháp phòng trừ: Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc như Pencycuron, Kasugamycin. + Copper oxychloride, Iprodione để phòng trừ
Trong quá trình trồng nên sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ chung với phân hữu cơ để bón lót và bón thúc.
2.2. Bệnh héo vàng:
- Triệu chứng: Triệu chứng bệnh là khi nấm xâm nhập vào hệ rễ làm cho rễ trở nên mềm, có màu nâu đến đen. Khi nấm Fusarium phát triển trên thân sẽ hình thành những khối u rất nhỏ màu cam trên thân. Cây bị bệnh sẽ có bộ lá vàng dần và chết non.
- Tác nhân gây bệnh là nấm Fusarium avenaceum gây nên
- Biện pháp phòng trừ:
+ Luân canh cây trồng, vệ sinh đồng ruộng và dụng cụ sạch sẽ.
+ Làm đất cao ráo thoát nước tốt.
+ Xử lý đất bằng chế phẩm sinh học Trichoderma sp
+ Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc như
Iprodione, Thiopanate – Metyl, Dazonet... sử dụng đúng nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo.
2.3. Bệnh thối thân
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện đầu tiên ở phần nách lá và chồi thân, sau lan rộng ra các phần thân xung quanh. Phần bị bệnh có màu xám. Bệnh nặng toàn bộ các bộ phận của cây phía trên phần bị bệnh héo rũ.
Tác nhân gây bệnh do nấm Botrytis cinerea
- Điều kiện phát sinh gây hại: Bệnh thường phát sinh, gây hại nặng trong điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ tương đối thấp.- Biện pháp phòng trừ:
+ Đảm bảo thông thoáng cho khu vực trồng cây;
+ Chọn giống sạch bệnh;
+ Trồng mật độ hợp lý, thường xuyên làm sạch cỏ, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh.
+Tham khảo sử dụng một số lại thuốc sau: Benomyl, Thiophanate Methyl theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo để trừ bệnh.
IV. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN
1. Thu hoạch:
- Nên thu hoạch vào buổi sáng. Dùng kéo sắc cắt cành hoa cách mặt đất khoảng 2-3 cm để phần gốc còn lại tiếp tục nảy chồi và sản sinh lứa tiếp theo.
- Nhặt bỏ những lá bị bệnh, gốc cây bị chết, cỏ dại và xới nhẹ bề mặt luống để tạo sự thông thoáng trong đất. Bơm thuốc để chống mầm bệnh xâm nhập qua vết cắt.
- Thu hoạch cành hoa khi có 02 hoa hé nở. Đối với thị trường tại chỗ, nên thu hoạch khi cành hoa có 4 hoa nở.
- Giữ cành hoa trong nhiệt độ khoảng 160C trong quá trình vận chuyển tiêu thụ.
Hoa cát tường có thể được bảo quản trong 2 tuần mà vẫn cho chất lượng tốt, hoa không mẫn cảm cao với khí etylen.
2. Bảo quản sau thu hoạch:
- Ngay sau khi thu hoạch đưa hoa vào nơi thoáng mát và ngâm các cành hoa vào nước sạch khoảng 10 giờ trước khi đóng thùng.
- Cành hoa được phân loại theo chuẩn như sau :
+ Dài : 90-110 cm
+ Trung bình : 60-70 cm
+ Ngắn : 40-50 cm
- Cành đã phân loại được nhóm thành bó có độ dài bằng nhau. Các bó riêng lẻ được bao bọc trong bịch plastic chuyên dụng.
- Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà bó số lượng cành hoa, màu hoa trong một bó và đóng gói số lượng bó hoa trong một thùng khác nhau.
Các tin khác
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cải bắp - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất dưa chuột - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa lily - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây bố xôi - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây củ cải - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây xà lách - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa lay ơn - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đâu hòa lan - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà rốt - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất súp lơ xanh - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà chua - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa hồng môn - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa hồng - 29/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây ớt ngọt - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đậu cove - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa lan - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa sa lem - 30/07/2013