Thống kê truy cập

4473634
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
584
584
111267
4473634

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa lan

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĐỊA LAN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012 V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)

 

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC & YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH

1. Đặc điểm thực vật học

Về hình thái bên ngoài, lan Cymbidium là những loài thân thảo, đa niên, đẻ nhánh hàng năm tạo thành những bụi nhỏ.

- Rễ: Có loài rễ mọc bám trên vỏ cây, mặt đất (bì sinh hay phụ sinh); có loài rễ ăn sâu trong bọng cây, trong đất mùn (địa sinh hay thực sinh). Rễ mới thường chỉ mọc ở cây con, cây mẹ khó ra rễ mới mà chỉ thấy phân nhánh từ củ rễ.

- Thân ngầm (căn hành) thường ngắn, nối những củ lan với nhau. Các củ lan thực chất là những cành ngắn của căn hành. Củ già, khi bị tách khỏi căn hành cũ, có thể mọc ra đoạn căn hành mới, từ đó mọc lên những cây con. Do đó người ta xếp Cymbidium vào nhóm lan đa thân cây (sympodial).

- Củ lan (giả hành) thường có dạng con quay hay dạng hột xoài, đường kính từ 1 cm đến 15 cm, củ thường tươi và được bọc trong các bẹ lá.

- Lá thường có hai dạng: dạng vảy đính theo một đoạn căn hành và dạng thực đính trên giả hành. Lá thực có cuống lá, giữa bẹ lá và cuống lá có một tầng phân cách. Khi phiến lá rụng, vẫn còn đoạn bẹ ôm lấy giả hành. Vài loài không có cuống lá.

Lá có dạng dải, dạng mũi mác, dạng phiến. Đầu lá nhọn hay chia thành 2 thùy. Kích thước của bản lá biến động từ 0,5 cm đến 6 cm. Chiều dài lá thay đổi từ 10 cm đến 150 cm. Một số loài ít chịu rợp có phiến lá màu xanh vàng, còn lại thường là xanh đậm.

- Chồi hoa thường xuất hiện bên dưới giả hành, trong các nách lá, tách các bẹ già, đâm ra bên ngoài. Thông thường, mỗi giả hành chỉ cho hoa một lần. Chồi hoa thường xuất hiện đồng thời với chồi thân, những chồi hoa no tròn hơn, còn chồi thân hơi dẹp.

- Chiều dài của phát hoa từ 10 đến hơn 100 cm. Cành hoa mang từ vài đến vài chục búp hoa xếp luôn phiên theo đường xoắn ốc. Thoạt nhìn, hoa Cymbidium có 5 cánh gần giống nhau, thực ra chỉ có 2 cánh hoa ở bên trong, còn lại là 3 lá đài ở bên ngoài, có cấu trúc và màu sắc giống cánh hoa. Cánh hoa thứ 3 chuyên hóa thành cánh môi, màu sắc rực rỡ hơn, xẻ thành 3 thùy tạo ra dạng nửa hình ống. Hai thùy bên ôm lấy trụ, thùy thứ ba có dạng bầu hay nhọn tạo thành hình đáy thuyền, làm chỗ đậu cho côn trùng khi đến hút mật và thụ phấn cho hoa. Giữa cánh môi có hai gờ dọc song song màu vàng. Tận cùng bên trong có dĩa mật và đôi khi có những tuyến tiết mùi hương.  

- Hoa Cymbidium lưỡng tính, nhị đực và nhụy cái cùng gắn chung trên một trụ nhị - nhụy (hay trục hợp nhụy) hình bán trụ hơi cong về phía trước.

- Quả lan là một nang có 3 góc, bên trong có chứa hàng trăm ngàn hạt. Khi chín, quả mở theo 3 đường góc và gieo vào không khí những hạt như bụi phấn màu vàng lụa. Khi rơi vào nơi có điều kiện ẩm độ, ánh sáng thích hợp và có nấm cộng sinh tham gia, hạt sẽ nẩy mầm phát triển thành cây mới.

2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh

- Nhiệt độ: Từ 7-27oC, tối thích ở 13-24oC. Nhiệt độ thấp hơn 6oC hay cao hơn 30oC, cây có thể chịu đựng được trong một thời gian ngắn. Một vài giống cho hoa không đều đặn ở các vùng thấp có nhiệt độ cao hơn, phần lớn chỉ phát triển thân lá, hay chỉ ra hoa một vài vụ rồi ngưng hẳn.

- Ánh sáng: 50-70% ánh sáng trực tiếp với với độ chiếu sáng trên dưới 20.000 lux (khoảng 1/5 độ chiếu sáng của mặt trời vùng Đà Lạt trong tháng 4 và tháng 8, từ 11-14 giờ).

- Độ ẩm: từ 60-70% độ ẩm tương đối của không khí và khoảng 70-80% độ ẩm của giá thể là điều kiện tốt cho Cymbidium.

II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. Chuẩn bị vườn, giá thể

* Vườn

- Vườn có một lớp mái che mưa: có chiều cao 3,0 – 3,5m, mái lợp bằng nhựa nylon trong suốt. Cần đảm bảo sự thông thoáng, không giữ nhiệt và cho ánh sáng đi qua

- Vườn có 2 lớp mái che mưa và nắng: lưới che nắng nên nằm ngoài mái che mưa nhằm làm giảm nhiệt độ trong vườn. Phải đảm bảo ánh sáng trong vườn khoảng 3.000-4.500 lux.

- Nền vườn phải có rãnh thoát nước, có thể phủ bạt nylon chống cỏ, chiều cao đặt chậu cây từ 0,4-0,6 m. Nền vườn luôn giữ khô ráo và thông thoáng đó là điều kiện tốt cho địa lan phát triển.

- Vườn cần có khu cách ly để tiêu hủy nguồn bệnh (dưới nguồn gió, dưới nguồn nước). Có khu vực đệm khử trùng tại cửa vườn. Kho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và vật dụng làm vườn.

*Giá thể:

Gồm các vật liệu như vỏ cà phê nung, vỏ trấu nung, vỏ đậu phộng, dớn, vỏ thông, xơ dừa được sử dụng dạng đơn hoặc phối trộn. Việc chọn giá thể cần đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Giữ ẩm tốt: độ ẩm giá thể từ 40-60% trong mùa khô

+ Thoát nước tốt: không tích nước trong mùa mưa, sau tưới 15 phút không còn nước đọng trong chậu.

+ Chậm phân hủy: giữ được cấu trúc giá thể, không quá mục nát gây tích nước và kém thoáng khí.

Nếu dùng:

+ Phân hữu cơ thì chiếm không quá 20% thể tích giá thể, bón 1 lần.

+ Phân hữu cơ không dùng trong giá thể địa lan <6 tháng tuổi

*Phối trộn giá thể: kích thước giữa vật liệu không giống nhau sẽ tạo khó khăn khi phối trộn cho giá thể đồng nhất. Có 2 hình thức chuẩn bị giá thể thường được sử dụng:

+ Vật liệu cần được trộn và ủ nhiều tháng (>3 -6 tháng) trước trồng giúp tăng nguồn dinh dưỡng trong giá thể. Lưu ý: Cần hạn chế côn trùng và vi sinh vật phân hủy hữu cơ cư trú trong giá thể (bằng cách  che phủ, hun, sấy, sử dụng thuốc BVTV)

+ Vật liệu được trộn trong lúc trồng thường giữ được cấu trúc nhưng có thể gây hại cho hệ rễ bởi một số tạp chất ( xơ dừa, ….) gây hại rễ còn trong vật liệu. 

* Chuẩn bị vật liệu: gồm khay ươm cây con, túi nylon, chậu nhựa, chậu đất nung, chậu sành với kích thước được chọn tùy thuộc vào tuổi cây và mức đầu tư của nhà vườn.

Chậu trồng phải được rửa sạch , phơi khô (2-4 tuần) hoặc xử lý trong dung dịch khử trùng chlorox, thuốc trừ nấm gốc đồng khoảng 10-20 phút, phơi khô. Đáy chậu, túi trồng, phải có ít nhất 3 lỗ thoát nước, và được lót vật liệu có kích thước lớn như sạn, mảnh gốm, vỉ xốp, gạch vụn, khi vào giá thể nhằm tăng sự thoát nước. Khay ươm cây con nên dùng khay gỗ với đáy có khe hở cho không khí đi qua và thoát nước.

Bảng 1. Giá thể trồng địa lan đang được sử dụng tại Đà Lạt và tỉ lệ vật liệu phối trộn tạo giá thể

Tuổi cây

(tháng)

Vật liệu giá thể

Tỉ lệ

vật liệu (%)

Tỉ lệ

phân hữu cơ (%)

< 12

dớn, vỏ trấu nung, vỏ cà phê nung

>80

<20

>12

dớn, vỏ trấu nung, vỏ cà phê nung

dớn-vỏ trấu nung

dớn-vỏ thông

dớn-vỏ cà phê nung

80

60:20

60:20

60:20

20

20

20

20

> 36

dớn-vỏ trấu nung-vỏ thông

dớn-vỏ cà phê nung-vỏ trấu nung

60:20:10

60:20:10

10

10

2. Chuẩn bị giống và cách trồng

* Cây giống: gồm cây con từ nuôi cấy mô và cây tách chiết (1 đơn vị trồng) từ chậu địa lan nhiều năm tuổi.

- Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống khi trồng cần có các tiêu chuẩn không thấp hơn các tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 10/02/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng vv quy định tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm của một số loại rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể tại bảng

Bảng 2. Tiêu chuẩn cây giống  địa lan theo QĐ số 07/2010/QĐ-UBND

TT

Loại cây

Độ tuổi

CCC

(cm)

Số lá

thật

Số chồi

Tình trạng sâu bệnh

 

1

Cây nuôi cấy mô

5 tháng

6 - 7

4 -6

1

Cây khỏe mạnh, ngọn phát triển, rễ không bị thương tổn.Không có biểu hiện về sâu bệnh, không có triệu chứng virus, vi khuẩn, thối gốc.

2

Cây nuôi cấy mô

1 năm

8 - 10

7 - 10

1

Cây khỏe mạnh, ngọn phát triển, rễ không bị tổn thương, tỷ lệ lá bị bệnh đốm/cây < 10 %, không bị rệp và bệnh thối củ.

3

Cây nuôi cấy mô

2 năm

15 - 20

12 - 14

2 - 3

Cây khỏe mạnh, ngọn phát triển, rễ không bị tổn thương, tỷ lệ lá bị bệnh đốm/cây < 15 %, không bị rệp và bệnh thối củ

4

Cây nuôi cấy mô

3 năm

30 - 35

20 - 24

4 -5

Cây khỏe mạnh, ngọn phát triển, rễ không bị tổn thương, tỷ lệ lá bị bệnh đốm/cây < 20 %, không bị rệp và bệnh thối củ.

5

Cây nuôi cấy mô

4 năm tuổi

60 - 70

25 - 30

6 - 7

Cây khỏe mạnh, ngọn phát triển, rễ không bị tổn thương, tỷ lệ lá bị bệnh đốm/cây < 25 %, không bị rệp và bệnh thối củ.

+ Cây con từ bình mô được rửa sạch thạch bám vào rễ, đặt trên khay ươm có hoặc không có lót giấy, giữ 3-4 tuần trong mát, tưới phun sương nhẹ nhưng không được dư nước, hạn chế dùng thuốc trừ nấm để xử lý rễ, loại bỏ triệt để cây bệnh. Không dùng phân bón và thuốc hóa học trong thời gian này.

+ Cây tách chiết, 1 đơn vị,  gồm ít nhất 1 cây con, 1 giả hành trẻ, và 2 giả hành già không có triệu chứng bệnh.  Cắt bỏ rễ hư, bỏ giá thể cũ, nhúng rễ trong dung dịch thuốc trừ nấm. Mắt mầm ở phần gốc giả hành sẽ tạo chồi khỏe mạnh tránh gây tổn thương quá lớn phần gốc khi tách giả hành.

* Cách trồng: Sang chậu và trồng mới ngay sau khi cắt phát hoa nhằm giúp cây nhanh bước vào chu kỳ sinh trưởng và phát triển mới.

* Sang chậu: khi chậu cũ không còn khoảng trống cho cây phát triển, rễ lồi lên giá thể và bám vượt ra thành chậu, khi giá thể bị phân hủy hết hoặc có hiện tượng ứ nước trong chậu.

+ Chuyển cả cây từ chậu nhỏ sang chậu có kích thước lớn. Cắt bỏ rễ hư, bỏ giả thể cũ, thêm giá thể mới cho tới 1/4-1/3 giả hành, tưới đẫm 1 lần. Đặt trong mát 5-7 ngày không tưới, giúp cây thích nghi và hạn chế hư rễ. Sau 2-3 tuần tiến hành chăm sóc theo quy trình.

* Trồng mới: thường tiến hành vào tháng mùa khô.

+ Cây con cấy mô sau khi huấn luyện 4 tuần, chuyển sang khay ươm với giá thể là dớn sợi nhỏ hoặc xơ dừa được loại bỏ chất mặn và chát. Cây được phủ ½ chiều dài rễ trong giá thể, tưới nước vừa đủ, loại bỏ cây bệnh.

+ Cây con được đặt trung tâm chậu, túi trồng, và rễ được dàn đều ra các phía, giá thể mới được phủ đến ngang gốc rễ, nén giá thể giúp cây đứng vững, tưới nước đẫm 1 lần. Đặt cây nơi mát 5-10 ngày, không tưới giúp giảm sự hư rễ. Sau 2-3 tuần, rễ mới sẽ phát triển và cây phục hồi màu xanh. Tiến hành chăm sóc theo quy trình.

+ Cây tách chiết được đặt trung tâm chậu và rễ được dàn đều ra các phía, giá thể mới được phủ đến 1/4-1/3 giả hành, nén giá thể giúp cây đứng vững, tưới nước đẫm 1 lần. Đặt cây nơi mát 5-10 ngày, không tưới nước giúp giảm sự hư rễ. Sau 2-3 tuần, rễ mới sẽ phát triển và cây phục hồi màu xanh. Tiến hành chăm sóc theo quy trình.

Thành phần và tỉ lệ vật liệu trong giá thể mới phải gần tương đương với giá thể cũ, sự khác biệt quá lớn sẽ gây tổn hại rễ. Vệ sinh dụng cụ và tay chân sau mỗi lần trồng thật kỹ. Vi rút gây bệnh cho địa lan dễ lây nhiễm trong thời điểm trồng vì vậy phải loại bỏ cây bệnh triệt để.  

* Đặt cây:

Khay ươm được đặt cách mặt đất 0,8 mét, trong mát với ánh sáng tán xạ

Bầu (chậu) cây con được đặt trên giàn cao 0,6 mét theo luống là tốt nhất. Một số nhà vườn đặt bầu trên luống mô có lót màng phủ. Bầu cây đặt sát nhau với chiều ngang luống đặt khoảng 10 bầu cây là hợp lý. Chỉnh chiều của cây theo ánh sáng, giảm sự che bóng lẫn nhau, tạo sự thông thoáng trong luống

Chậu được kê cao khoảng 0,4 mét thành hàng đôi với khoảng cách các cây sao cho có 1/3 chiều dài lá giao nhau, giữa các hàng sao cho có 1/2 chiều dài lá giao nhau. Khoảng cách giữa các hàng đôi rộng đủ cho việc đi lại chăm sóc, không làm gãy lá, làm đổ cây.

Điều chỉnh khoảng cách chậu 3 tháng/1 lần giúp cho vườn thông thoáng, cây nhận đủ ánh sáng, duy trì độ ẩm, và hạn chế bệnh. Chậu trồng không kê cao sẽ giảm sự thoáng khí và thoát nước. Giống có tán lá xòe ngang cần nhiều khoảng không hơn giống lá đứng.

3. Phân bón và cách bón phân

- Phân bón: địa lan cần nhiều dinh dưỡng vì trong một chậu có cả chồi non, giả hành già và trẻ, phát hoa. Cần dựa vào số cá thể trong chậu và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây để điều chỉnh lượng phân và loại phân hợp lý.

- Bón phân qua gốc: thường sử dụng các loại phân chậm tan, cung cấp dinh dưỡng từ từ, kích hoạt rễ phát triển. Cần bón theo rìa trong của chậu (Bảng 3).

Bảng 3. Thành phần NPK đề nghị bón vào giá thể cho địa lan

Tháng

1-3

4-6

7-9

10-12

Cây < 24 tháng tuổi

30-20-10

30-20-10

30-20-10

30-20-10

Cây > 24 tháng tuổi

20-20-20

20-20-20

20-20-20

20-20-20

Cây > 36 tháng tuổi

20-20-20

20-30-20

20-30-20

20-20-30

Số lần bón/tháng

1

1

1

1

Liều lượng 1 lần

Dùng  3 - 5 g/chậu theo tuổi cây

Cách bón

Rải phân vào mép trong của thành chậu hoặc túi

(Nên sử dụng các loại NPK tổng hợp có dạng lâu tan, chậm tan quy đổi theo liều lượng nguên chất như trên)

- Bón phân qua lá: vì các giống địa lan hiện nay đều có bộ lá và giả hành lớn, phát hoa cao, nên cần thiết cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, kịp thời, và cân bằng đặc biệt các khoáng chất, trung và vi lượng (Bảng 4).

- Cung cấp trung và vi lượng: cho cây địa lan bằng 2 cách:

+ Phun phân trung, vi lượng 1 lần/tháng thay thế 1 lần dùng NPK

+ Phun phân hữu cơ dạng lỏng 1 lần/tháng thay thế 1 lần dùng NPK

(ví dụ: Super Humic, Komix, Agostim, Humat)

+ Sử dụng vôi dạng dolomite rải 2-4gram/chậu vào tháng 4 và 9 trong năm, nhằm cân bằng pH và cung cấp can-xi, ma-giê cho cây. 

Bảng 4.  Phân phun lên lá với NPK tổng hợp có trung vi lượng

Tháng

1-3

4-6

7-9

10-12

Cây <1 năm tuổi

30-10-10

30-10-10

30-20-10

30-20-10

Cây 1-2 năm tuổi

30-20-10

30-20-10

20-20-20

20-20-20

Cây >3 năm tuổi

20-20-20

20-30-20

10-30-20

10-20-30

Số lần phun/tháng

2

3-4

3-4

3-4

Liều lượng

Chỉ dùng 1/5-1/4 lượng ghi trên nhãn bao bì/lần phun

Cách phun

Vào buổi chiều, vừa dư nước trên lá, giọt mịn

(Có thể tham khảo sử dụng các loại phân như: KH 20-20-20+TE, HK 10-55-10+TE, Growth more các loạii tương ứng,… quy đổi theo hàm lượng nguên chất như trên)

4. Tưới nước: nhằm duy trì ẩm độ giá thể cung cấp nước cho cây, rửa sạch lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên cây và giá thể.

+ Tưới thực hiện vào buổi sáng từ 9-10 giờ, không tưới vào lúc chiều tối.

+ Lượng nước tưới cho cây 1 năm tuổi khoảng 0,4 lít/chậu, cây 2 năm tuổi khoảng 0,6 lít/chậu, sau khi tưới 15 phút phải không còn nước dư trong chậu. 

Tháng mùa khô cần tưới 2-3 lần/tuần, tháng mùa mưa có thể không cần tưới, hoặc 1 lần/tuần khi vườn có mái che mưa.

+ Tưới đẫm (rửa cây) cho toàn cây và giá thể trong chậu  nhằm rửa sạch dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón tích lũy. Thực hiện tưới 2 vòng trong vườn cho một lần, 3 tháng tưới rửa một lần.

Dựa vào sức căng giả hành, màu sắc và sức trương của vỏ rễ để xác định thời điểm tưới. Thiếu nước làm giả hành bị biến dạng, rễ bị khô héo, ảnh hưởng sự ra hoa trong các năm sau. 

5. Vệ sinh vườn: giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, ngăn ngừa các tác động bất lợi khác xảy ra trong vườn.

+ Thu nhặt các lá già, lá bệnh tiêu hủy

+ Cách ly cây bệnh, chậu bệnh

+ Điều chỉnh lượng ánh sáng theo mùa vụ. 

Trên địa lan, vi rút gây bệnh thường lây nhiễm qua vết thương, vết cắt khi chăm sóc, vì vậy dụng cụ làm vườn, dao kéo, cần khử trùng thương xuyên trong lúc làm việc. 

III. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Lưu ý: Hiện nay, các thuốc BVTV đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa địa còn rất ít, một số đối tượng sâu bệnh hại không có loại thuốc nào được đăng kí phòng trừ. Chính vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc bảo vệ phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại tương tự trên cây trồng khác để sử dụng trên cây hoa địa lan. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

1. Sâu hại chính và biện pháp phòng trừ

1.1. Bọ trĩ : (Thrips)

Tập tính sinh  sống và gây hại:

- Bọ trĩ màu vàng: Chích hút lá non tạo đốm vuông, vết bệnh chuyển từ màu vàng trắng sang nâu đen.

- Bọ trĩ màu đen: Gây hại trên hoa, tạo những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có một chấm vàng.

- Bọ trĩ di chuyển rất nhanh, khi trời nắng chúng chui nấp trong bẹ lá hoặc trong các lớp lá non ở ngọn. Sau khi bị hại, các chồi non, lá non, nụ hoa không phát triển, cánh hoa bị quăn lại. Bọ trĩ gây thiệt hại cho lan lúc đang ra hoa, chúng thường phát triển trong mùa khô.

Biện pháp phòng trừ:

 - Nhà lưới luôn thoáng mát, dọn sạch cỏ rác xung quanh khu vực nhà lưới, tưới mát cho nhà lưới trong những ngày nắng nóng.Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Imdacloprid, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran, Emamectin benzoate…- Khi thấy có triệu chứng trên lá non, phun thuốc liên tiếp 3 ngày, sau đó phun phòng ngừa 2-3 tuần một lần.

1.2. Nhện đỏ (Tetranychus tricatus)

Đặc điểm gây hại:

Nhện đỏ sống giữa bẹ lá, thân và cả mặt dưới lá. Nhện đỏ phá hại lan bằng cách đeo ở dưới lá rồi chích hút diệp lục tố của lá, tạo ra những chấm nâu nhỏ dưới mặt lá làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của lá, làm cho nụ hoa và hoa bị hư hỏng và kém chất lượng.

Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô và nóng. Vòng đời của nhện đỏ khoảng 15 ngày và mỗi con có thể đẻ đến hàng trăm trứng.

Nhện đỏ là tác nhân truyền virus trên hoa lan

Biện pháp phòng trừ:

- Giữ nhà lưới luôn thoáng mát, tưới phun tăng độ ẩm cho nhà lưới trong những ngày nắng nóng để hạn chế nhện phát triển.-Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Diafenthiuron, Hexythiazox, Propargite, Abamectin, Fenpyroximate, Emamectin benzoate…

1.3. Rầy mềm: (Myzus persicea)

Tập tính sinh sống và gây hại:

Chúng thường bám và chích hút ở đọt non, mầm hoa và nụ hoa. Rệp sáp và rệp nâu thường hay bám ở mặt dưới lá dọc theo 2 bên mép. Rệp chích hút làm lá, hoa bị lốm đốm nâu, lá dị dạng và không phát triển được hoàn toàn. Chúng còn là tác nhân gây bệnh virus

Biện pháp phòng trừ:

Có thể tham khảo sử dụng các thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Emamectin benzoate, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran…

1.4. Ốc sên, nhớt: Zonitoides arboreus, Achatina fullica  Deroceras laeve

Tập tính sinh sống và gây hại:

Sên, nhớt cắn phá rễ non, chồi non và nhất là các phát hoa.

Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ, tốt nhất nên kết hợp các biện pháp sau:

- Rải vôi bột trên mặt đất, trên kệ kê chậu, trên mặt chậu gần gốc cây (khi hoa bắt đầu xổ bao), và rải quanh vườn lan 2-3 tháng một lần.- Bắt giết khi sên nhớt ra ăn vào khoảng 8 giờ tối và vào lúc sáng sớm. Có thể dùng vài loại rau xanh hay cám đặt ở những vị trí có nhiều sên, nhớt để dẫn dụ chúng.- Để bảo vệ cành hoa, khi hoa sắp xổ bao, dùng 1 túm bông gòn cột chặt quanh gốc cành hoa, có thể dùng 1 tờ giấy cứng quấn quanh gốc cành hoa thành 1 cái phễu với phần đáy quay lên trên, dùng kim ghim tờ giấy cho chặt. Sên, nhớt bò lên theo cành hoa và lọt vào đáy phễu, chúng không thể tìm được cách bò qua thành phễu để lên phía trên nụ hoa.

* Trong việc dùng thuốc trừ sâu, cần chú ý dùng đúng liều lượng, nồng độ đã khuyến cáo cho mỗi loại thuốc. Nên phun vào buổi chiều, sáng hôm sau phải tưới rửa lá, không nên phun vào lúc trời nắng gắt vì dễ làm cháy lá và nhất là các phát hoa. Có thể phun phối hợp thuốc phòng trừ sâu với thuốc phòng trừ nấm.

2. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ

2.1. Bệnh thối chồi non và hư giả hành do nấm Phytophthora sp.

Đặc điểm triệu chứng:

- Giả hành: Có bẹ lá gần ngọn bị hư với màu nâu đen. Khi xẻ dọc, mô bên trong giả hành bị thâm đen ở gần gốc, ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe khá rõ ràng, có mùi hôi nhẹ nhưng không thối nhũn.

- Chồi và phát hoa: Vết bệnh ban đầu là một điểm nhỏ dạng hình bất định, ủng nước màu nâu đen, bệnh có thể hình thành dịch trong điều kiện có ẩm độ cao (giọt nước, giọt sương, mưa phùn) và nhiệt độ thấp (trên dưới 200C), ở gốc phát hoa không nhày nhưng vẫn úng nước và ngửi có mùi hôi nhẹ. Thời tiết khô, vết bệnh khô lại và có màu xanh đen, ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe được phân biệt khá rõ ràng.

Sự phát triển của bệnh theo qui luật: từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài. Có thể dùng tay rút phát hoa hoặc chồi bệnh lên một cách dễ dàng.

- Biện pháp phòng trừ:

Hạn chế ẩm độ bằng chế độ tưới hợp lý, lợp mái che mưa làm giảm lượng mưa trực tiếp xuống chậu cây, không đặt cây quá dày, tiêu hủy cây bệnh, chậu bệnh triệt để.

Sử dụng thuốc Chitosan (Biogreen 4.5 SL) để phòng trừ bệnh. Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất để phòng trừ: Matalaxyl + Mancozeb; Fosetyl –Aluminium, Metalaxyl

2.2. Bệnh thối chồi non và giả hành do nấm Fusarium sp.

Đặc điểm triệu chứng:

- Trên lá: Lá bị bệnh có sự chuyển màu trên các mô lá còn non từ xanh chuyển sang vàng nâu, cong queo, dị hình. Ranh giới giữa mô bệnh và mô khỏe không rõ ràng. Khi thời tiết ẩm, trên mô bệnh  xuất hiện những sợi nấm trắng như tơ nhện.

- Trên giả hành: Vết bệnh xuất hiện ở gốc thân hoặc cổ rễ, bẹ lá ôm giả hành có màu nâu đen, ấn nhẹ giả hành bị nhiễm bệnh vẫn cứng, sau đó vết bệnh lớn dần làm khô tóp đoạn thân gần gốc và cổ rễ, thân gốc có màu đen. Khi xẻ dọc giả hành, mô bệnh có màu vàng cam sũng nước, có mùi hôi nhẹ nhưng không thối nhũn. Cây con thường chết sau 2-3 tuần bị nhiễm bệnh.

Biện pháp phòng trừ:

Không dùng cây giống tách từ chậu có triệu chứng bệnh, xử lý cây giống trước khi trồng, tiêu hủy triệt để cây bệnh, không dùng lại giá thể cũ.

Các chậu cần được cách ly với mặt đất bằng màng phủ hoặc bạt có kê gạch, đá

Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Iprodine, Thiophanate-Methyl, Metalaxyl + Mancozeb phun vào gốc theo liều lượng khuyến cáo.

2.3. Bệnh thán thư (Colletotrichum spp.)

Đặc điểm triệu chứng:

- Trên lá:  Vết bệnh trên bản lá thường có hình elip hoặc ovan màu nâu xám đến đen, mặt dưới vết bệnh có những chấm đen nhỏ thấy rõ bằng mắt thường. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết tạo thành mảng cháy khô, gây rách lá, và gây khô cả cây.

- Trên hoa và cuống hoa: Vết bệnh trên cuống hoa thường lõm xuống, vô định hình có màu nâu đen, mô bệnh thường bị hoại tử. Vết bệnh trên cánh hoa với nhiều đốm đen tại trung tâm và trong mờ tại viền. Hoa bị bệnh mau tàn, dễ rụng, cách hoa không cân đối.

- Trên đỉnh sinh trưởng: giả hành bệnh khi chẻ dọc với triệu chứng các lá ngọn, mầm lá bị thâm đen thành mảng, đỉnh sinh trưởng bị mềm với màu nâu sáng với ranh giới phần bệnh không rõ ràng.

Nấm lây lan bằng bào tử phát sinh từ ổ bệnh do nước mưa, nước tưới, do gió và dụng cụ cắt tỉa chăm sóc cây. Nấm tích lũy trong bẹ lá, đỉnh sinh trưởng theo thời gian dẫn đến gây chết giả hành. Nước dư trên lá, tại nách lá, ngọn cây là điều kiện lý tưởng cho nấm xâm nhiễm tấn công.

Biện pháp phòng trừ:

Cắt bỏ phần lá bệnh, điều chỉnh lượng nước tưới không để nước dư. Đối với các giống địa lan có bộ lá xòe ngang cần giảm vết thương tạo ra trong quá trình chăm sóc.Khoảng cách giữa các chậu, cây cần điều chỉnh hợp lý nhằm hạn chế sự lây nhiễm trực tiếp. Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất để phòng trừ như: Carbendazim, Benomyl, Thiophanate-Methyl, Azoxytrobin

2.4. Bệnh thối vi khuẩn

Dựa vào màu sắc vết bệnh có thể chia thành 2 triệu chứng bệnh khác nhau: bệnh thối nâu đen và bệnh thối nâu vàng.

Bệnh thối đen nâu: do vi khuẩn (Pseudomonas gladioli)

- Trên thân: Bệnh lây lan từ trên xuống giả hành. Vết bệnh ban đầu có màu nâu nhạt, sau chuyển sang màu nâu đen, không có dịch nhầy, có mùi hôi.

- Trên giả hành: Ban đầu bộ lá chuyển vàng nhưng chậm, giả hành mềm ít đôi khi vỏ giả hành hơi nhăn, mô giả hành có màu nâu đen, nhày ít, có mùi hôi nhẹ. Bộ lá vàng và rụng dần, giả hành mềm rỗng ruột chỉ còn lại xơ bên trong.

Bệnh thối vàng: do vi khuẩn Erwinia

- Trên thân: Mô bệnh có màu nâu vàng, vết bệnh nhầy, sũng nước, lá ngọn dễ rút ra khỏi thân chính dễ dàng, ngửi có mùi hôi rất khó chịu. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.

- Trên giả hành: Triệu chứng nhận biết là giả hành  mềm nhũn, mô giả hành có màu nâu vàng, bị nhày, ướt, ngửi có mùi rất khó chịu, không phân biệt được phần bệnh và không bệnh. Vết bệnh ban đầu có thể từ gốc bẹ lá, gốc thân ngầm, và vết cắt của phát hoa cũ.

Biện pháp phòng trừ: Rửa sạch và  xử lý dụng cụ làm vườn như dao, kéo thường xuyên trong dung dịch khủ trùng bề mặt. Trồng giống cấy mô qua xác nhận sạch bệnh vi rút, không dùng cây giống trong chậu có cây mang triệu chứng bệnh. Tiêu hủy cây bệnh triệt để.

Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Thuốc gốc đồng, Kasugamycin, Bismerthiazol, Cytosinpeptidemycin,

IV. THU HOẠCH

1. Thời điểm cắt hoa thích hợp: Chiều dài phát hoa phụ thuộc vào đặc điểm giống và kỹ thuật chăm sóc bón phân. Các giống địa lan hiện nay đều có phát hoa cao và số hoa nhiều. Phát hoa cần được cắt khi hoa cuối cùng nở khoảng 7-10 ngày. Lưu phát hoa quá lâu sẽ làm cây yếu ảnh hưởng đến chất lượng hoa năm kế tiếp.

2. Tạo cây địa lan thương mại: Chậu địa lan (đơn vị) có nhiều phát hoa giá bán càng cao. Một số chậu ít phát hoa được ghép lại tạo nên những chậu hoa đẹp và nhiều màu sắc. Kỹ thuật ghép cây, lưu cây cần tham khảo từ các nghệ nhân trồng địa lan.

3. Bảo quản phát hoa: Dùng túi lưới nhỏ bao mỗi hoa và dùng túi giấy có lỗ thông hơi bao cả phát hoa. Thường trong 1 chậu địa lan được bán có 3-4 phát hoa. Các phát hoa đều được cột neo vào que đỡ có chiều dài hơn chiều cao phát hoa.  Lá và phát hoa phải được bao cột với nhau tạo độ cứng tránh gãy đổ.

Attachments:
FileDescriptionCreatorFile sizeCreatedLast modified
Download this file (Ky_thuat_trong_va_cham_soc_dia_lan.doc)Ky_thuat_trong_va_cham_soc_dia_lan.doc 142 kB2013-07-30 15:232013-07-30 15:23