Kỹ thuật trồng hoa hồng
- Được viết: 29-07-2013 15:33
KỸ THUẬT TRỒNG HOA HỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012 V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)
I. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT HỌC & YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH
Hoa hồng có nguồn gốc từ các nước Trung quốc, Hà Lan. Nhiều giống được trồng ở Đà lạt đã được nhập nội từ những năm 1958 – 1960 như Schweitzer, Charlers Mallerin, Caroline testout, Diamont. Nhưng hiện nay, có nhiều giống mới được nhập nội từ Hà lan, Ý, Pháp thay cho các giống cũ không còn thích hợp nữa như giống: Grand Galla, Red Velvet (màu đỏ), Pailine, Alsmeer Gold (Màu vàng), Sheer Bilss, Jacaranda, Troika….
1. Đặc tính thực vật học
- Rễ: thuộc loại rễ chùm, chiều ngang tương đối rộng, khi bộ rễ lớn phát sinh nhiều rễ phụ
- Thân: Hồng thuộc nhóm cây thân gỗ, cây bụi thấp, thẳng, có nhiều cành và gai
- Lá: Lá hoa hồng là lá kép lông chim mọc cách, ở cuống lá có lá kèm nhẵn, mỗi lá kép có 3-5 hay 7-9 lá chét, xung quanh lá chét có nhiều răng cưa nhỏ. Tùy giống mà lá có màu xanh đậm hay xanh nhạt, răng cưa nông hay sâu, hay có hình dạng lá khác.
- Hoa: Có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Hoa hồng có mùi thơm nhẹ, cánh hoa mềm dễ bị dập nát và gãy. Cụm hoa chủ yếu có một hoa hay một tập hợp ít hoa trên cuống dài, cứng, có gai. Hoa lớn có cánh dài hợp thành chén ở gốc, xếp thành một hay nhiều vòng, sít chặt hay lỏng tùy theo giống. Hoa hồng thuộc loại hoa lưỡng tính, nhị đực và nhị cái trên cùng một hoa, các nhị đực dính vào nhau bao xung quanh vòi nhụy, khi phấn chín rơi trên đầu nhụy nên có thể tự thụ phấn. Đài hoa có màu xanh.
- Quả: Quả hình trái xoan có các cánh đài còn lưu lại, có màu xanh. Khi chín có màu nâu, nâu vàng hoặc đỏ tùy theo màu sắc hoa. Mỗi quả chứa nhiều hạt nhỏ.
- Hạt: Hạt hoa hồng nhỏ, có lớp lông trắng bao phủ. Khả năng nảy mầm của hạt rất kém do có lớp vỏ dày nên phải xử lý hạt trước khi gieo.
2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh
- Nhiệt độ: cây hoa hồng ưa khí hậu ôn hoà, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt là 18-250 C. Nhiệt độ dưới 180C và trên 350C đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
- Ánh sáng: cây hoa hồng là cây ưa sáng, ánh sáng đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt. Hầu hết những giống hoa hồng có nguồn gốc từ Châu Âu yêu cầu cường độ chiếu sáng không cao có thể canh tác tốt trong nhà kính. Ngoại trừ một số giống như: Đỏ Ý, Song Hỷ cần cường độ chiếu sáng tương đối lớn thích hợp với trồng ngoài trời. Khi có điều kiện ánh sáng đầy đủ cây phát triển tốt, nếu thiếu sáng cây sẽ bị vóng, cành hoa không đạt chất lượng.
- Ẩm độ: Hoa hồng yêu cầu độ ẩm đất 60-70% và độ ẩm không khí 80-85% là thích hợp nhất cho sinh trưởng của cây hoa hồng.
- Đất: Hoa hồng thích hợp với đất feralit vàng đỏ, đất thịt hoặc đất thịt pha cát có cấu tượng chặt, pH 5,6 – 6,5, đất có độ thông thoáng, thoát nước tốt, độ dày tầng đất trên 50cm, độ sâu mực nước ngầm trên 40cm.
Với trình độ thâm canh hiện nay của nông dân được nâng lên cao, hoa hồng được trồng trong nhà lưới, nhà kính có mái che nên bông hoa có chất lượng cao và gia tăng tuổi thọ đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
II . GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG
1. Giống: Một số giống Hoa hồng đang được trồng phổ biến hiện nay tại Đà lạt là giống hoa hồng Pháp, Ý, đỏ Hà Lan, Tỷ muội, Vàng titi, Trắng xanh, Song hỷ, Bê Bê, Vàng, Vàng ánh trăng, Đỏ, Xanh ngọc, .…
2. Kỹ thuật nhân giống: Hoa hồng được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp giâm cành hoặc ghép mắt
Với điều kiện thời tiết ở Đà lạt thì việc nhân giống hoa Hồng có thể thực hiện quanh năm.
* Chuẩn bị giá thể: trộn xơ dừa băm nhỏ hoặc tro trấu, đất thịt nhẹ giàu mùn trộn với phân chuồng hoai mục hoặc phân trùn quế, hữu cơ vi sinh theo tỷ lệ 3:1, phân lân 2%, trộn đều đóng vào bịch đen chuyên dùng để ươm cây con.
* Chuẩn bị gốc ghép: Sử dụng hom hồng dại (Tường vi, tầm xuân) cắt dài từ 20 - 25 cm, dùng dao hay kéo cắt cành bén cắt vát 300, không để cho hom bị xơ dập, nên chọn hom có gai màu tím, hom ở cành bánh tẻ, sạch sâu bệnh. Nhúng hom giống vào dung dịch kích thích ra rễ sau đó cắm vào bầu. Trong thời gian 10 ngày đầu cần che nắng để hom ra rễ, sau đó từ từ cho chiếu sáng và tiếp tục chăm sóc, giữ ẩm, tỉa bỏ những mầm yếu, kém phát triển chỉ chừa 3-4 mầm khoẻ mạnh, khoảng sau 3 tháng thì có thể ghép được.
* Tiến hành ghép: Chọn gốc ghép sinh trưởng tốt, cành mập, khỏe để ghép. Sử dụng mắt ghép đủ tiêu chuẩn từ vườn cây sạch bệnh, lấy mắt ghép có kích thước 1cm x 3cm, có một chồi nhú lên bằng hạt gạo, ghép theo cách ghép da hình chữ T ngược dùng nilon quấn quanh mắt ghép theo kiểu lợp ngói, chừa phần chồi lại. Trong thời gian này nên che nắng mắt ghép và không được tưới ướt mắt ghép, luôn giữ ẩm cho gốc ghép. Khoảng 15 ngày sau có thể mở dây nylon ra kiểm tra nếu mắt ghép còn tươi là đạt. Sau đó cắt bỏ hết tán và nhánh của gốc ghép để tập trung nuôi mắt ghép. Có thể giảm che nắng từ từ để mắt ghép làm quen với ánh sáng trực tiếp và tỷ lệ sống cao hơn.
* Chọn cành giâm:
- Vườn hoa hồng dùng để cắt hom nhân giống cần được chăm sóc kỹ để đảm bảo hom giống tốt, sạch sâu bệnh.
- Cành hồng dùng để nhân giống là cành bánh tẻ khoẻ, mập, thẳng và sạch sâu bệnh, đang mang hoa ở giai đoạn sử dụng.
* Chọn mắt giâm: là loại mắt ngủ bắt đầu nhú lên bằng hạt tấm thì khi giâm mắt bắt đầu nẩy lộc ngay, cành giâm phát triển tốt thì khi đem trồng cây có sức sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa đẹp.
Trên cành đã chọn để cắt hom giống giâm chỉ nên lấy đoạn giữa của cành không nên lấy đoạn ngọn và gốc. Hom giống có chiều dài từ 8 – 10 cm trên đoạn cành có từ 1-3 mắt nhưng có 2 mắt là tốt nhất. Khi cắt cành nên dùng kéo cắt cành chuyên dùng, cắt vát 300, không để vết cắt bị dập nát. Trên đoạn cành cắt nên giữ lại từ 2-3 lá chét ở cuống lá mắt trên.
* Kỹ thuật pha, nhúng thuốc kích thích ra rễ: HoaHồng là loại cây thân gỗ tương đối khó ra rễ khi giâm, vì vậy muốn kích thích cành giâm ra rễ nhanh ta dùng thuốc kích thích ra rễ như IAA, NAA, axit giberelic với nồng độ từ 2000-2500 ppm. Hom giống sau khi cắt đem nhúng nhanh vào dung dịch pha sẵn trong khoảng thời gian 3-5 giây rồi cắm vào giá thể được chứa trong bầu ni lon hoặc khay nhựa. Khi cắm hom giống phải thẳng đứng, cắm sâu từ 1-1,5cm. Khoảng cách hom giâm từ 4 – 5 cm trong khay nhựa hoặc mỗi túi bầu là một hom.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
1. Chuẩn bị đất:
Chọn đất nơi cao ráo không bị ngập úng, bằng phẳng, tơi xốp. Vệ sinh đồng ruộng sạch, xử lý cỏ dại, nhặt các gốc cây, rễ cây trên ruộng. Sau đó cày sâu 30 - 45cm, bừa kỹ 2 lần, bón vôi, xử lý đất kết hợp bón lót phân chuồng huoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân trùn quế, lân khi làm đất lần cuối.
Đánh luống: Trồng hàng đôi thì đánh luống 1,3m (rãnh 30cm), còn trồng hàng đơn thì đánh luống 70cm. Luống hình chóp nón, cao 25-30 cm, thoát nước tốt, tránh bị ngập úng.
2. Tiêu chuẩn cây giống
Sử dụng cây giống ghép có các tiêu chuẩn không thấp hơn các tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 10/02/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng vv quy định tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm của một số loại rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể: Độ tuổi cây trong vườn ươm nếu trời ấm từ 90-120 ngày; chiều cao cây: 12-15cm; đường kính cổ rễ: 6-10mm; có 5-7 lá thật. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, vết ghép liền da, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.
3. Phân bón và cách bón phân:
Hoa hồng có chu kỳ cho hoa quanh năm nhất là vụ nắng. Do đó đòi hỏi phải cung cấp phân bón đầy đủ, cân đối và đúng thời gian thì mới đảm bảo năng suất của hoa cắt cành.
* Phân hữu cơ :
Sử dụng bón lót: 70– 80m3/ha phân đã được ủ hoai mục. Sau đó định kỳ 1 – 2 năm/lần – bón bổ sung 40 – 60m3/ha. Sử dụng phân chuồng đầy đủ sẽ tăng năng suất, chất lượng hoa đồng thời kéo dài tuổi thọ của vườn hồng. Có thể sử dụng các phân hữu cơ vi sinh nhập nội chất lượng cao như suistance, Dynamic lifter, Sunray, để thay thế phân chuồng với liều lượng 1000-2000 kg/ha/4-5 tháng
* Vôi :
Hoa hồng thích pH trung tính, đầu vụ nên bón lót 1500 – 2000 kg/ha và định kỳ 4 tháng/lần cần bón bổ sung 400 – 500kg vôi để điều hòa độ chua của đất. Bón vôi đầy đủ còn giúp cho cành hoa được cứng cáp và tăng khả năng hút dinh dưỡng của cây.
* Lượng phân bón vô cơ đề nghị bón cho 1ha/năm
- Giai đoạn kiến thiết cơ bản (trồng mới)
Lượng nguyên chất: N: 300kg – P2O5: 250kg – K2O: 200kg
Có thể sử dụng phân đơn chất hoặc phân phức hợp quy đổi tương đương theo lượng nguyên chất như trên
+ Nếu sử dụng phân đơn thì cần: 1560kg super lân, 652 kg Ure và 330kg kali
Thời điểm bón |
Ure (kg) |
Super lân (kg) |
Ka li (kg) |
Bón lót trước khi trồng |
|
800 |
|
Chồi ghép lên cao 7 – 10cm |
300 |
|
150 |
Chồi ghép lên cao 20 – 25cm |
352 |
760 |
180 |
Tổng cộng |
652 |
1560 |
330 |
+ Nếu sử dụng phân phức hợp thì cần: 200kg NPK 16-16-8, 200kg DAP, 800kg supper lân, 500kg ure, 370kg K2SO4
Thời điểm bón |
NPK 16-16-8 (kg) |
DAP (kg) |
Ure (kg) |
Super lân (kg) |
Ka li (kg) |
Bón lót trước khi trồng |
|
|
|
800 |
|
Chồi ghép lên cao 7 – 10cm |
|
200 |
300 |
|
70 |
Chồi ghép lên cao 20 – 25cm |
200 |
|
200 |
|
300 |
Tổng cộng |
200 |
200 |
500 |
800 |
370 |
- Giai đoạn kinh doanh thu hoạch cành:
Định kỳ 20 – 25 ngày bón thúc 1 lần với liều lượng 65kg N, 50kg P2O5, 60kg K2O, tương đương với:100kg Urê, 100kg DAP và 120kg K2SO4
hay 40kg Urê, 75kg K2SO4, 300kg NPK 16-16-8
- Để tăng năng suất và chất lượng bông, 1 tháng có thể phun xịt các loại phân bón lá để cung cấp thêm vi lượng, bán vi lượng cho cây (Ca,Mg,S, Bo, Mo, Zn, Cu...) như Canxium Nitrat, Growmore, Basfoliar combi stiff, Sum, power feed, Fetrilon Combi…
- Từ 2 năm tuổi trở lên sinh lý rễ của cây hồng đã kém nên tăng cường xịt thường xuyên các loại phân bón lá định kỳ ngắn hơn.
Khi bón phân không được xăm xới sâu gây đứt rễ cây sẽ giảm năng suất và bệnh cây xâm nhiễm.
Đối với vườn hoa hồng canh tác trong nhà ni lông nên áp dụng biện pháp cung cấp phân lỏng (sử dụng các loại phân chuyên dụng) qua hệ thống tưới nhỏ giọt thì sẽ rất đảm bảo về sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây hoa hồng.
3. Kỹ thuật trồng hoa hồng:
Đối với các giống sinh trưởng mạnh thì khoảng cách trồng 40 x 50cm, khoảng 50.000 cây/ha; các giống sinh trưởng yếu thì trồng với khoảng cách 35 x 40cm, khoảng 70.000 cây/ha. Trồng cây giống thẳng đứng, nên trồng theo kiểu nanh sấu. Trồng vào lúc chiều mát, lấp đất vừa sát mặt bầu, không nên trồng sâu quá cây sinh trưởng kém, trồng xong tưới nước ẩm.
4. Tỉa cành lá, tỉa nụ:
Sau khi mầm chính lên cao 20-25cm, thì tiến hành bấm ngọn, chỉ để 4-5 cành cấp 1 toả đều xung quanh tạo thành bộ khung chính của cây. Thường xuyên tỉa bỏ các cành tăm, cành hương để cây được thông thoáng. Ngoài ra cần thường xuyên tỉa nụ để ổn định số nụ trên cành cây, giúp cho bông hoa to, đủ dinh dưỡng, giảm sâu bệnh. Phương pháp tỉa cành, ngắt ngọn, ngắt nụ, tạo hình cho cây hoa hồng được tiến hành thường xuyên, liên tục.
IV. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Sâu hại chính và biện pháp phòng trừ
* Rệp (Macrosiphum rosae)
Trên đồng ruộng thường có rệp nhảy và rệp muội. Rệp phá hại trên thân, lá, ngọn
non cây hồng. Rệp trưởng thành dài 3-4mm, nhìn chung có màu xanh nhạt, có khi màu đỏ vàng xám.
Biện pháp phòng trừ:
Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá bị rệp hại để tiêu huỷ.
Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Abamectin, Emamectin-Benzoate, Cypermethrin ...phun theo liều lượng khuyến cáo
* Nhện đỏ (Tetranychus urticae Koch)
- Đặc điểm hình thái:
Nhện đỏ rất nhỏ, nhện non màu vàng cam. Trưởng thành, con cái mình tròn màu đỏ tươi ở phần bụng và đỏ xẫm ở phần hông. Hai bên lưng có nhiều đốm đen chạy dài từ ngực xuống cuối bụng.
Có 4 cặp chân dài màu vàng nhạt, chiều dài của nhện cái là 0.2mm. Con đực nhỏ hơn, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói.
- Biện pháp phòng trừ:
Dùng các loại thuốc như: Azadirachtin( Agiaza 4.5EC); Dầu hạt bông 40% + dầu đinh hương 20% + dầu tỏi 10% (GC - Mite 70DD); Emamectin benzoate( Map Winer 5WG; Tasieu 1.0 EC, 3.6 EC); Emamectin benzoate + Matrine ( Rholam super 12 EC)); Fenpyroximate (Ortus 5 SC); Fenpropathrin(Vimite 10EC), Milbemectin (Benknock 1 EC) liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.
2.Bọ trĩ: (Frankliniella sp.)
- Họ bọ trĩ (Thripidae) - Bộ cánh tơ (Thysanoptera)
Đặc điểm hình thái:
Bọ trưởng thành rất nhỏ, dài dưới 1mm, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Bọ non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.
Biện pháp phòng trừ:
- Khi thấy có triệu chứng trên lá non, phun thuốc liên tiếp 3 ngày, sau đó phun phòng ngừa 2-3 tuần 1 lần.
- Sử dụng thuốc: Emamectin benzoate(Susupes 1.9 EC); Imidacloprid + Pyridaben (Hapmisu 20EC), Spinetoram (Radiant 60 EC)nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bọ phấn (Bemisia)
Đặc điểm hình thái:
- Trưởng thành: Con đực dài 0,75-1mm, sải cánh dài 1,1-1,5mm. Con cái dài 1,1-1,4mm, sải cánh dài 1,75-2mm. Hai đôi cánh trước và sau dài gần tương đương nhau, toàn thân phủ một lớp phấn trắng, dưới lớp phấn trắng thân màu vàng nhạt.
- Trứng: Hình bầu dục có cuống, dài 0,18-0,2mm (trừ phần cuống). Vỏ mỏng, mới đẻ trong suốt, sau 24 giờ chuyển sang màu vàng sáp trong, sau 48 giờ chuyển thành màu nâu xám. Trứng được cắm vào lá và xếp dựng đứng trên lá.
- Sâu non: Màu vàng nhạt, hình ovan. Mới nở có chân và bò dưới mặt lá, tuổi 2 không còn chân và ở cố định một chỗ mặt dưới lá. Sâu non có 3 tuổi, ở những tuổi đầu ấu trùng thường tập trung trên các lá non nhưng khi đẫy sức thường tập trung ở các lá già. Kích thước con non đẫy sức dài 0,7-0,9mm; rộng 0,5-0,6mm; chưa có phấn bao phủ.
- Nhộng giả: Màu sáng, hình bầu dục.
- Biện pháp phòng trừ:
Trồng vành đai cây dẫn dụ và bảo vệ. Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, các bộ phận bị hại và tiêu hũy.
Dùng bẫy keo màu vàng để dẫn dụ bọ phấn.
Sử dụng thuốc: Diafenthiuron (Pegasus 500 SC); Dinotefuran (Oshin 100SL); nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Sâu xanh: (Helicoverpa armigera Hb)
- Đặc điểm hình thái sinh học:
- Trưởng thành: Thân dài 15-20mm, màu nâu vàng. Cánh trước màu nâu vàng có 3 vân ngang hình lượn sóng, mép ngoài có 7 điểm đen xếp thành hàng.
- Trứng: Hình bán cầu, đường kính 0,5mm. Lúc mới đẻ có màu trắng sữa, về sau chuyển sang màu vàng tro, mặt trên có nhiều gân dọc.
- Sâu non: Có 6 tuổi, màu xám nhạt hoặc màu vàng nhạt. Đẫy sức dài 40mm
- Nhộng: Dài 18-20mm, màu nâu sáng, nhẵn bóng, phía cuối bụng có một đôi gai ngắn màu đen.
- Biện pháp phòng trừ:
- Ngắt bỏ ổ trứng, cắt bỏ hoặc tiêu huỷ các bộ phận bị sâu xanh phá hại như lá, cành, nụ hoa… Luân canh với một số cây trồng khác họ.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc Abamectin ( Plutel 1.8, 3.6 EC; Reasgant 1.8EC, 3.6EC; Delfin WG; Thuricide HP) để phòng trừ.
2. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ
* Bệnh đốm đen (Diplocarpon rosae)
Đặc điểm triệu chứng:
Vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hại trên các lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, rụng hàng loạt.
Biện pháp phòng trừ:
- Để tránh bệnh vườn hồng phải thông thoáng, đất không bị ngập úng. Tỉa bỏ những cành lá bị nhiễm bệnh. Làm sạch cỏ và thu dọn những tàn dư gây bệnh.
- Có thể dùng một trong các thuốc sau: Carbendazim (Carbenzim 500 FL) ; Cucuminoid (Stifano 5.5 SL), Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil5SC), Imibenconazole (Manage 5 WP) Mancozeb (Cadilac 75 WG), Triforine ( Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa)
Đặc điểm triệu chứng:
Vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, hình thành ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, thậm chí chết cây.
Biện pháp phòng trừ:
-Cắt huỷ cành lá bệnh, tăng cường lượng phân Kali
-Vệ sinh mái che thường xuyên để đảm bảo lượng ánh sáng trong trong nhà kinh
-Có thể dùng một trong các thuốc : Azoxystrobin + Difenoconazole( Amistar top 325SC) Hexaconazole (Anvil 5SC); Chlorothalonil (Daconil 75WP); Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG ), Triforine ( Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum )
Đặc điểm triệu chứng:
Vết bệnh dạng ổ nổi màu vàng da cam hoặc màu nâu sắt gỉ, thường hình thành ở mặt dưới lá. Mặt trên mô bệnh mất màu xanh bình thường, chuyển sang màu vàng nhạt.
Biện pháp phòng trừ:
-Loại bỏ tàn dư cây bệnh và cỏ dại.
-Có thể dùng một trong các thuốc: Hexaconazole (Anvil 5SC, Dibazole 10 SL) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea )
Đặc điểm triệu chứng:
Bệnh hại chủ yếu trên hoa. Vết bệnh là nhiều đốm nhỏ màu xám trên nụ và hoa, thường làm hoa bị thối.
Biện pháp phòng trừ:
- Cắt bỏ và tiêu hũy các bộ phận bị bệnh, dọn vệ sinh và những lá bệnh rơi rụng trong vườn.
- Có thể sử dụng thuốc Lilacter 0.3 SL, Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Carbendazim, Benomyl, Chlorothalonil, Propineb, Thiophanate-Methyl
* Bệnh thán thư (Sphaceloma rosarum)
Đặc điểm triệu chứng:
Vết bệnh thường có dạng hình tròn nhỏ, hình thành từ chót lá, mép lá hoặc ở giữa phiến lá. Ở giữa vết bệnh màu xám nhạc hơi lõm, xung quanh có viền màu nâu đỏ hoặc màu đen.
Trên thân cành bị bệnh cũng có vết nứt dọc màu hồng, sau chuyển qua màu nâu, cành bị bệnh suy yếu, dễ gãy. Trên hoa và đài cũng có thể bị bệnh nhưng ít gặp hơn. Bệnh gây hại nặng vào mùa xuân.
Biện pháp phòng trừ:
Có thể dùng một trong các thuốc: Eugenol (Lilacter 0.3 SL); Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG ); Trichoderma + K-Humate + Fulvate + Chtosan + Vitamin B1(Fulhumaxin 5.65SC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bệnh sương mai (Peronospora sparsa)
Đặc điểm triệu chứng:
Trên lá,vết bệnh lan rộng từ màu đỏ tía đến nâu sẫm, dạng hình bất định. Lá non cong lại màu vàng và khác với bệnh phấn trắng là bào tử màu xám chỉ phát triển ở mặt dưới của bộ lá.
Biện pháp phòng trừ:
Tỉa bỏ và tiêu hủy những phần lá cây bị bệnh. Tạo mật độ thông thoáng, bảo đảm ánh sáng và không khí lưu thông tốt.
Có thể dùng một trong các thuốc: Cucuminoid ( Stifano 5.5 SL), Ethaboxam ( Danjiri 10 SC), Eugenol (Genol 0.3 SL, 1.2 SL), Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP), nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.
* Bệnh khô cành (Coniothyrium spp.)
Đặc điểm triệu chứng:
Bệnh chủ yếu hại cành non. Vết bệnh lúc đầu là các đốm màu đen, giữa có bột trắng, xung quanh viền đỏ, đốm bệnh lồi lên và nứt ra. Bệnh lan dần xuống phía dưới thành đốm lớn, trên đó có nhiều đốm đen, đó là các ổ nấm.
Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển bệnh:
Do nấm Coniothyrium spp., thuộc lớp nấm nang Ascomycetes gây nên.
Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 25-300C, bệnh lan truyền xâm nhập vào cành cây qua vết xây xát.
Biện pháp phòng trừ:
Định kỳ tỉa cành, cắt bỏ các cành bị gãy hoặc bị bệnh.
5.2.8. Bệnh sùi cành, u rễ do vi khuẩn:
Đặc điểm triệu chứng:
Bệnh gây hại trên thân, cành và rễ hoa Hồng:
Trên thân, cành: Đốt thân co ngắn lại, có những u sưng sần sùi, vỏ nứt ra tạo thành những vết khía chằng chịt, bên trong gỗ cũng nổi u. Nhiều vết sần sùi có thể nối liền thành một đọan dài, có khi bao phủ quanh cả cành, có khi chỉ một phía, cành dễ gãy và khô chết.
Trên rễ: Xuất hiện nhiều vết u sần sùi nối liền nhau thành từng đọan dài làm cản trở khả năng hút dinh dưởng của rễ.
Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển bệnh:
Do vi khuẩn Agrobacterium sp. gây nên.
Biện pháp phòng trừ:
Trồng cây ở mật độ vừa phải, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vườn cây.
Dùng cây giống không bị bệnh. Hũy bỏ kịp thời những thân và cành bị bệnh.
Không trồng lại trên đất đã bị nhiễm bệnh, nếu phải trồng lại thì cần khử trùng đất thật kỹ, ruộng phải thoát nước tốt. Tốt nhất nên luân canh với cây trồng khác.
* Bệnh sưng rễ do tuyến trùng:
Đặc điểm triệu chứng:
Tuyến trùng xâm nhập vào rễ, tạo thành các nốt sưng nhỏ trên rễ (giống như các nốt sần trên rễ cây họ đậu), ngăn cản sự hấp thu, vận chuyển chất dinh dưỡng, cây còi cọc, lá vàng, giống triệu chứng thiếu dinh dưỡng, hoa ít, nhỏ và biến màu. Bị hại nặng rễ đen thối, cây có thể chết.
Tuyến trùng sống trong đất, nội ký sinh, hại nhiều loại cây, triệu chứng chung điển hình là tạo thành các nốt sưng trên rễ cây. Phát triển thích hợp trong đất cát, nhiệt độ 25-300C, tồn tại trong đất tới 1-2 năm. Trong 1 năm có thể hòan thành 10-12 lứa gây hại cây.
Biện pháp phòng trừ:
-Đất có tuyến trùng gây bệnh cần luân canh với cây trồng khác.
- Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Carbosulfan, Ethoprophos , Diazinon để xử lý đất phòng trừ tuyến trùng
V. THU HOẠCH, BẢO QUẢN HOA SAU CẮT CÀNH
Thu hoạch hoa đúng kỹ thuật thì mới đảm bảo độ bền, đẹp và đảm bảo năng suất cho các lần thu sau. Thu sớm hoa còn non sẽ nhanh héo và hoa không nở được, thu muộn quá thì hoa chóng tàn. Thu hoạch khi hoa có cánh ngoài vừa hé nở, nên thu vào buổi chiều mát hoặc sáng sớm lúc cây còn sung nhựa, nhiều nước. Cắt cách gốc cành chừa lại 2-3 lá chính, phần cành hồng còn lại sẽ cho 3 chồi mới, ta chỉ chọn 1-2 chồi khỏe cho ra hoa tiếp tục.
Sau khi cắt hoa nhúng ngay vào thùng nước có chứa chất khử Etylen khoảng 30 phút, sau đó ngâm vào thùng chứa dung dịch dinh dưỡng cho hoa no khoảng 1 - 3 giờ.
Phân loại hoa dựa vào chiều dài cành, đường kính cành, độ lớn của hoa, sạch bệnh… để đóng gói. Sau khi phân loại thường bó 50 bông thành 1 bó và dùng giấy hoặc túi polymer bọc kín, chuyển vào bảo quản trong kho lạnh. Trường hợp không có kho lạnh thì phải để hoa ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và đóng gói trước khi vận chuyển đi xa.
Các tin khác
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cát tường - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa sa lem - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất dưa chuột - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây củ cải - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa lily - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa hồng môn - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đậu cove - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa lan - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cải bắp - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa lay ơn - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất cải thảo - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây bố xôi - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đâu hòa lan - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà chua - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà rốt - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất súp lơ xanh - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây xà lách - 30/07/2013