Quy trình kỹ thuật trồng cây cải bắp
- Được viết: 30-07-2013 15:40
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG CÂY CẢI BẮP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1251/QĐ-SNN ngày 13/12/2012 V/v Ban hành tạm thời quy trình canh tác một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng)
Phần I. Đặc điểm và yêu cầu ngoại cảnh:
1. Đặc điểm thực vật học: Cải bắp có chỉ số diện tích lá cao, hệ số sử dụng nước rất lớn, có bộ rễ chùm phát triển mạnh.
Đặc biệt ở cải bắp khả năng phục hồi bộ lá khá cao. Các thí nghiệm cho thấy, khi cắt 25% diện tích bề mặt lá ở giai đoạn trước cuốn bắp, năng suất vẫn đạt 97-98% so với không cắt. Điều đó khẳng định việc phun thuốc hoá hoá học trừ sâu tơ lứa 1 trong nhiều trường hợp là không cần thiết.
2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh: Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-200C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-180C. Độ ẩm đất thích hợp 75-85%, ẩm độ không khí 80-90%. Đất quá ẩm (trên 90%) kéo dài 3-5 ngày sẽ làm rễ cây nhiễm độc vì làm việc trong điều kiện yếm khí.
Đất: Ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa bồi, pH: 5,6-6,0.
Do có lượng sinh khối lớn nên cải bắp yêu cầu dinh dưỡng cao. Vì vậy, phải đảm bảo lượng phân bón sao cho cây có trạng thái tốt, chống đỡ sâu bệnh và cho năng suất cao.
Phần II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Giống:Tại Lâm Đồng đang trồng một số loại giống bắp cải khác nhau, nhưng chủ lực vẫn là giống Shotgun và Green Nova, ngoài ra, nông dân vẫn canh tác một số giống khác với tỉ lệ thấp như bắp cải tim, bắp cải tím…
Tiêu chuẩn lựa chọn giống xuất vườn:
Giống |
Độ tuổi (ngày) |
Chiều cao cây (cm) |
Đường kính cổ rễ (mm) |
Số lá thật |
Tình trạng cây |
Cải bắp |
20-28 |
10-12 |
1,5-2,0 |
4-6 |
Cây khoẻ mạnh, không dị hình, không bị dập nát, rễ trắng quấn đều bầu, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là bệnh sưng rễ (do nấm Plasmodiophora brassicae.W) |
2. Chuẩn bị đất:
Chọn đất canh tác:Cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện).Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt.
Vệ sinh vườn, dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi cày xới kỹ sâu khoảng 20-25 cm. Ở những vườn các vụ trước đã trồng bắp cải cần xử lý đất bằng Nebijin 0.3DP để hạn chế bệnh sưng rễ. Làm luống, rãnh rộng 1.2m, cao 15cm, trong mùa khô cao 10cm. Vườn trồng cần có mương rãnh thoát nước.
3. Trồng và chăm sóc: Trước khi trồng nhúng rễ cây vào dung dịch Sherpa 0,1-0,15%. Nếu sử dụng polietylen phủ đất, sau khi bón lót, phủ kín mặt luống, dùng đất chèn kỹ mép luống và đục lỗ trồng.
Trồng hai hàng kiểu nanh sấu, hàng x hàng 45cm, cây x cây 35cm, mật độ trồng 33.000-35.000 cây/ha.
Sau khi trồng, tưới đẫm sau đó tưới đều hàng ngày cho tới khi hồi xanh, có thể tưới rãnh cho cây, để nước ngấm 2/3 luống phải tháo hết nước, không nên tưới rãnh trước và sau khi mưa.
Làm cỏ, tưới nước và các biện pháp kỹ thuật khác:
Tưới nước: Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày.
Tưới mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát cho đến khi cây hồi xanh, sau đó 1 ngày tưới 1 lần. Khi cây trải lá bàng có thể tháo nước ngập rãnh, khi đất đủ ẩm phải tháo nước ngay.
Làm sạch cỏ trên luống, rãnh và xung quanh vườn sản xuất. Làm cỏ trước khi bón phân kết hợp xăm xới tạo đất thoáng khí.
3. Phân bón và cách bón phân:
Phân bón: Lượng phân đề nghị bón cho 1 ha/ vụ:
Phân chuồng hoai: 40 m3; phân hữu cơ vi sinh: 1.000kg, Vôi bột: 1.000kg.
Phân hóa học (lượng nguyên chất): 140kg N-70kg P2O5-150kg K2O
Lưu ý: Chuyển đổi lượng phân hóa học qua phân đơn hoặc NPK tương đương: Cách 1: Ure: 304kg; super lân: 437,5kg; KCl: 250 kg;
Cách 2: NPK 15-5-20: 750; Ure: 60kg; super lân: 203kg.
Bón theo cách 1:
Hạng mục |
Tổng số |
Bón lót |
Bón thúc |
|||
Lần 1 10NST |
Lần 2 25 NST |
Lần 3 45 NST |
Lần 4 65 NST |
|||
Phân chuồng |
40 m3 |
40 m3 |
|
|
|
|
Hữu cơ vi sinh |
1.000 kg |
1.000 kg |
|
|
|
|
Vôi |
1.000 kg |
1.000 kg |
|
|
|
|
Urê |
304 kg |
54 kg |
30 kg |
50 kg |
70 kg |
100 kg |
Lân super |
437,5 kg |
337,5 kg |
100 kg |
|
|
|
Kali |
250 kg |
100 kg |
|
|
50 kg |
100 kg |
Bón theo cách 2:
Hạng mục |
Tổng số |
Bón lót |
Bón thúc |
|||
Lần 1 10NST |
Lần 2 25 NST |
Lần 3 45 NST |
Lần 4 65 NST |
|||
Phân chuồng |
40 m3 |
40 m3 |
|
|
|
|
Hữu cơ vi sinh |
1.000 kg |
1.000 kg |
|
|
|
|
Vôi |
1.000 kg |
1.000 kg |
|
|
|
|
Urê |
60 kg |
40 kg |
20 kg |
|
|
|
Lân super |
203 kg |
203 kg |
|
|
|
|
NPK 15-5-20 |
750 kg |
150 kg |
80 kg |
140 kg |
180 kg |
200 kg |
* Ghi chú:Phân bón lá sử dụng theo khuyến cáo in trên bao bì.
- Chỉ sử dụng các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
Phần III. Sâu hại và biện pháp phòng trừ:
1. Sâu tơ (Plutella xylostella):
- Đặc điểm gây hại: Là sâu gây hại nguy hiểm nhất, chúng phát sinh và gây hại liên tục quanh năm, Bướm đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm hay theo dây dọc ở mặt dưới lá. Sâu non mới nở gặm biểu bì tạo thành những đường rãnh nhỏ ngoằn ngoèo. Sâu lớn ăn toàn bộ biểu bì lá làm cho lá bị thủng lỗ chỗ gây giảm năng suất và chất lượng rau.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây trồng từ vụ trước, phá bỏ các ký chủ phụ xung quanh ruộng, cày lật đất sớm để diệt trứng, nhộng, sâu non và hạn chế mầm bệnh. Luân canh với cây trồng khác họ, Trồng xen một số cây tiết ra mùi khó chịu để ngăn ngừa bướm sâu tơ như cà chua, hành, tỏi. Tưới nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.
Bảo vệ các loài thiên địch như nuôi thả một số đối tượng như ong ký sinh (Diadegma semiclausum), Ong Cotesia Plutella, nấm ký sinh
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/ cây ở giai đoạn 2-3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở giai đoạn 4-7 tuần sau trồng. Không phun thuốc đặc hiệu trị sâu tơ khi sâu chưa xuất hiện ở các ngưỡng trên.
Luân phiên sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Azadirachtin + Spinosad Diafenthiuron, Abamectin; Abamectin + Emamectin benzoate, Cypermethrin:; Emamectin Benzoate; Indoxacarb; Lufenuron; Matrine; Spinosad; Citrus oil.
2. Rệp(Brevicolyne brassicae)
- Đặc điểm gây hại: Cả rệp non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, làm búp và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây trồng, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus. Thời tiết nóng khô thuận lợi cho rệp phát triển.
- Biện pháp phòng trừ:Tưới nước, giữ ẩm cho cây trồng trong điều kiện thời tiết mùa khô. Sử dụng một số loại thuốc sau: Abamectin; Abamectin + Alpha-cypermethrin; Abamectin + Chlorfluazuron; Deltamethrin; Emamectin benzoate; Emamectin benzoate + Petroleum oil; Etofenprox; Fipronil; Matrine; Rotenone; Rotenone 2.5% + Saponin 2.5%; Spinosad ; Thiamethoxam.
3. Sâu xanh bướm trắng:(Pieris rapae)
- Đặc điểm gây hại:Trưởng thành đẻ trứng rải rác thành từng quả trên lá. Sâu non mới nở gặm ăn chất xanh và để lại màng lá trắng mỏng, sống thành từng cụm. Sâu tuổi lớn phân tán, ăn khuyết lá để lại gân làm cây xơ xác. Sâu xanh bướm trắng phát sinh mạnh trong những tháng ít mưa.
- Biện pháp phòng trừ:Dùng vợt bắt bướm, ngắt nhộng trên lá, thu dọn và huỷ bỏ tàn dư cây trồng, luân phiên sử dụng một số hoạt chất sau: Abamectin; Emamectin benzoate; Matrine; Azadirachtin; Abamectin + Chlorfluazuron; Abamectin + Alpha-cypermethrin, Abamectin + Bacillus thuringiensis.
4. Bọ nhảy(Phyllotrera spp.)
- Đặc điểm gây hại:Trưởng thành hoạt động vào lúc sáng sớm hoặc trời mát. Trời mưa ít hoạt động. Trưởng thành ăn lá và giao phối trên cây. Đẻ trứng chủ yếu trong đất, đẻ nhiều vào sau buổi trưa.Sâu non có 3 tuổi, sống trong đất, ăn rễ cây, làm cho cây bị còi cọc, héo hoặc bị chết. Hoá nhộng ngay trong đất.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trước khi trồng. Luân canh cây trồng khác họ, sử dụng một số hoạt chất sau: Abamectin; Emamectin benzoate; Dinotefuran; Azadirachtin; Chlorantraniliprole; Chlorantraniliprole 20% +Thiamethoxam ; Abamectin + Alpha-cypermethrin.
5. Sâu xám(Agrotis ypsilon)
- Đặc điểm gây hại:Trưởng thành hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất. Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng và xung quanh bờ, nếu có điều kiện tưới ngập nước để tiêu diệt sâu non và nhộng, cày xới để sâu non, nhộng lộ lên trên làm mồi cho chim gà. Đối với những thửa ruộng nhỏ, có thể bắt sâu bằng tay. Dùng một số loại thuốc hoá học để phun hoặc rải xuống đất, xung quanh gốc cây như: Abamectin; Metarhizium anisopliae.
6. Sâu khoang(Spodoptera sp.):
- Đặc điểm gây hại:Trưởng thành hoạt động ban đêm, thích các chất có mùi chua ngọt, đẻ trứng thành ổ bám mặt dưới lá. Sâu non sau khi nở sống tập trung quanh chỗ ổ trứng, gặm lấm tấm chất xanh của lá. Sâu lớn tuổi phân tán, ăn khuyết lá. Sâu non phá hại mạnh vào ban đêm. Hoá nhộng trong đất.Vòng đời trung bình 35-40 ngày
- Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi trồng. Dùng bả chua ngọt để bắt bướm, ngắt bỏ ổ trứng, diệt sâu non mới nở, dùng các loại hoạt chất sau để phòng trừ: Abamectin; Azadirachtin; Bacillus thuringiensis var. aizawai; Emamectin benzoate; Etofenprox; Fipronil; Trichlorfon.
Phần IV. Bệnh hại và biện pháp phòng trừ:
1. Bệnh lở cổ rễ(Rhizoctonia solani)
- Triệu chứng:Cây bị bệnh yếu, bắp nhỏ, đôi khi héo và chết, trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bắp, toàn bộ bắp có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài. Trên chỗ thối có các hạch nhỏ màu nâu.- Nguyên nhân:Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao.- Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng. Sử dụng luân phiên một trong các loại hoạt chất sau: Validamycin, Copper citrate; Cytokinin; Kasugamycin; Trichoderma viride; Chitosan + Polyoxin; Trichoderma spp 106 cfu/ml + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1;
Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có tên trong Danh mục thuốc BVTV sử dụng trên cây rau.
2. Bệnh thối gốc (Phoma ligam).
- Triệu chứng:Ban đầu là những vết nứt thối trũng xuất hiện trên gốc thân cây và sau này có thể xuất hiện trên lá, có hình đốm tròn màu nâu nhạt. Những cây bị bệnh thường có kích thước nhỏ hơn.Các vết thối mục lan rộng và bao lấy thân phía trên mặt đất, làm cho cây bị héo và đổ. Thân cây khô và hoá gỗ, mô cây chuyển màu đen, đôi khi có viền đỏ tía.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn, mùa mưa nên làm luống cao, thoát nước tốt, luân canh cây trồng, khi có bệnh xuất hiện cần tiêu hủy sớm cây bệnh. Sử dụng một số loại thuốc sau Trichoderma spp; Trichoderma viride...
3. Bệnh cháy lá vi khuẩn(Xanthomonas campestris)
- Triệu chứng:Bệnh gây hại ở cây giống và cây đã lớn, vết bệnh có màu vàng, hình chữ V xuất hiện trên rìa lá với mũi nhọn hướng vào trong, những vết bệnh này lan dần vào giữa lá. Diện tích bị nhiễm bệnh chuyển sang màu nâu, các mô cây bị chết. Gân lá ở những vùng bị nhiễm chuyển màu đen có thể nhìn thấy khi cắt lá. Lá của những cây giống nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng và rụng trước khi cây lớn.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sau thu hoạch, luân canh cây trồng. Sử dụng các loại hoạt chất sau: Copper Hydroxide.
4. Bệnh thối nhũn(Erwinia carotovora)
- Triệu chứng:Vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở các cuống lá già phía dưới gần mặt đất, tạo thành những đốm mọng nước, sau đó thối nhũn. Vết bệnh theo cuống lá phát triển lên phía trên làm cho cả lá bị vàng và thối nhũn. Các lá phía trên cũng có thể bị bệnh và cả cây bị thối. Khi cây bị bệnh, các tế bào trở nên mềm, có nước và nhớt, có mùi lưu huỳnh.
- Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh vườn sau thu hoạch, làm đất kỹ, lên luống cao dễ thoát nước, luân canh cây trồng khác. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, trong điều kiện mùa mưa cần tăng cường bón kali. Sử dụng một số loại nông dược sau: Copper hydroxide; Kasugamycin; Ningnanmycin; Oxolinic acid; Carbendazim; Copper Oxychloride 50% + Metalaxyl 8%; Copper Oxychloride+Streptomycin sulfate+Zinc sulfate; Cucuminoid 5%+Gingerol 0.5%.
5. Bệnh đốm vòng(Alternaria brassicae Sace)
- Triệu chứng của bệnh đốm vòng thường xuất hiện trên những lá già, lúc đầu là những chấm nhỏ màu đen, sau lan rộng ra thành hình tròn, màu nâu có hình tròn đồng tâm. Trời ẩm ướt trên vết bệnh có lớp nấm xốp màu đen bồ hóng
- Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh vườnm, xử lý hạt giống bằng nước nóng 500C trong khoảng 30 phút trước khi gieo. Dùng các loại hoạt chất sau để phòng trừ: Chitosan; Prochloraz-Manganese complex; Trichoderma spp 106 cfu/ml + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1.
6. Bệnh thối hạch(Sclerotinia sclerotirum)
- Triệu chứng: Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ cho tới khi thu hoạch, ở cây con, bệnh xuất hiện ở gốc cây sát mặt đất làm cho chỗ bị bệnh thối nhũn, cây gãy gục rồi chết. Khi trời ẩm ướt trên gốc chỗ bị bệnh xuất hiện một lớp nấm màu trắng xốp.
Khi cây lớn, vết bệnh thường xuất hiện trên các lá già sát gốc hoặc phần gốc thân, chỗ bị bệnh thối nhũn nhưng không có mùi thối. Nếu trời khô nắng thì chỗ bị bệnh thường khô và teo đi, các lá biến vàng. Ở cây cải bắp khi đã cuốn, bệnh lây lan từ lá ngoài vào trong làm toàn bộ bắp bị thối và chết đứng trên ruộng, gặp gió to cây đổ gục. Chỗ vết bệnh đã thối có lớp mốc trắng và nhiều hạch nấm nhỏ màu nâu hoặc đen bám chặt vào lá.
- Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh vườn, trồng cây sạch bệnh, luân canh với cây trồng khác họ như hành, cà rốt. Bón phân cân đối. Tăng lượng phân chuồng hoai có tác dụng kích thích cây khỏe và hạn chế được sự phát triển của bệnh. Sử dụng một số loại hoạt chất sau: Prochloraz-Manganese complex, Trichoderma spp, Trichoderma viride, Trichoderma spp + K-Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1.
7. Bệnh sưng rễ (Plasmodiophora brassicae.W)
- Triệu chứng: Bệnh gây hại trên bộ rễ của cây (rễ chính và rễ bên). Bộ phận rễ bị biến dạng sưng phồng lên, có các kích cỡ khác nhau tùy thuộc thời kỳ và mức độ nhiễm bệnh.
Cây biểu hiện các triệu chứng sinh trưởng chậm, cằn cỗi, lá biến màu xanh bạc, có biểu hiện héo vào lúc trưa nắng, sau đó phục hồi vào lúc trời mát, khi bị nặng toàn thân cây héo rũ kề cả khi trời mát, lá chuyển màu xanh bạc, nhợt nhạt, héo vàng và cây bị chết hoàn toàn.
- Đặc điểm của bệnh sưng: Bệnh do nấm Plasmodiophora brassicae. W gây ra. Là loài nấm ký sinh bắt buộc. Chúng chỉ phát triển và sinh sản trong tế bào ký chủ còn sống mới hoàn tất vòng đời. Nấm có thể tồn tại trong đất 7-10 năm ở dạng bào tử tĩnh, cũng có thể lâu hơn. Bệnh phát triển thích hợp trong đất chua và khoảng nhiệt độ từ 18-25 0C. Tuy nhiên, bệnh chỉ tấn công gây hại cây khi mật độ bào tử trong đất đạt >104 bào tử/1g đất.
Phần V. Phòng trừ dịch hại tổng hợp
Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM
1. Biện pháp canh tác kỹ thuật:Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, thực hiện tốt chế độ luân canh trồng cây rau khác họ thập tự: cà rốt, khoai tây, bố xôi, xà lách…chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây (tạo cây khỏe)
- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng.
2. Biện pháp sinh học:Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm… Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh
3. Biện pháp vật lý: Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh, sử dụng bẫy màu vàng, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng. Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5-1,8m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.
4. Biện pháp hóa học: Khi sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc), đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, phun khi bệnh chớm xuất hiện. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo yêu cầu sau:
+ Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau.
+ Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người
+ Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc).
- Bón vôi Là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao độ pH thích hợp để hạn chế bệnh phát triển (pH> 6..5). Sử dụng các loại vôi có hàm lượng CaO cao như Hodoo, vôi tôi…Liều lượng vôi bón tuỳ thuộc vào độ pH hiện tại của đất.
Phần VI. Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch:
Sau khi trồng 90-110 ngày là có thể thu hoạch. Thu khi bắp đã cuốn chắc, chặt, mặt bắp mịn, lá xếp phẳng và căng, gốc chuyển sang màu trắng đục hay trắng sữa, đủ tuổi sinh trưởng để đạt chất lượng tốt nhất. Thu hoạch vào lúc sáng sớm hoặc buổi chiều. Chú ý chặt cao sát thân bắp sau khi chặt loại bỏ lá ngoài, Đóng gói theo yêu cầu của khách hàng.
Cải bắp có thể bảo quản được từ 7-10 ngày ở điều kiện nhiệt độ 200C, thoáng khí và tối. Trong điều kiện nhiệt độ 10C, ẩm độ 95-98% cải bắp có thể để được trong thời gian 2-3 tháng.
Các tin khác
- Quy trình kỹ thuật trồng cây xà lách - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa lily - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa lay ơn - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất cải thảo - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa sa lem - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây ớt ngọt - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa lan - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà chua - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây bố xôi - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa hồng môn - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa cát tường - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đâu hòa lan - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng đậu cove - 30/07/2013
- Kỹ thuật trồng hoa hồng - 29/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây củ cải - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền - 30/07/2013
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà rốt - 30/07/2013
- Quy trình sản xuất súp lơ xanh - 30/07/2013