Thống kê truy cập

4476762
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
3712
3712
114395
4476762

Tin bài hướng dẫn thu hoạch, bảo quản và chăm sóc cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch

Niên vụ cà phê 2020-2021 chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch; để nâng cao năng suất, chất lượng, giá cà phê Lâm Đồng, nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê, tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu cà phê của tỉnh. Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng hướng dẫn người dân sản xuất cà phê áp dụng một số biện pháp kỹ thuật cho giai đoạn thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chăm sóc  cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch:

Đối với thu hoạch cà phê: Thời vụ thu hoạch cà phê phụ thuộc vùng sinh thái (địa hình, thổ nhưỡng, thời tiết và khí hậu), giống và chăm sóc của người dân. Chỉ tiến hành thu hoạch những quả đúng tầm chín; không thu hái trái xanh, trái non; thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành); thu hoạch nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín, phải ngừng thu hái trước và sau khi hoa nở 3-5 ngày. Cà phê quả tươi thu hái đảm bảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 9278:2012) như sau:

+ Quả cà phê áp dụng phương pháp chế biến ướt, các chỉ tiêu và tỷ lệ: quả chín ≥ 90%; quả khô, quả chùm, quả xanh ≤ 9%; quả lép ≤3%; tạp chất và quả xanh non ≤1%; quả thối, mốc ≤1%. Đợt thu hoạch cuối vụ cũng phải đạt tỷ lệ quả chín trên 85%, tỷ lệ tạp chất và quả xanh non không quá 1,0% và không chiếm quá 10% tổng sản lượng toàn vụ.

+ Quả cà phê áp dụng phương pháp chế biến khô, các chỉ tiêu và tỷ lệ: quả chín ≥ 80%; quả khô, quả chùm, quả xanh ≤ 15%; quả lép ≤5%; tạp chất và quả xanh non ≤2%; quả thối, mốc ≤1%. Đợt thu hoạch cuối vụ cũng phải đạt tỷ lệ quả chín trên 75%, tỷ lệ tạp chất và quả xanh non không quá 2,0% và không chiếm quá 10% tổng sản lượng toàn vụ.

Đối với các hộ/ THT/ HTX sản xuất cà phê có hợp đồng liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp cần tuân thủ, đảm bảo các tiêu chuẩn về thu hoạch, sơ chế và chất lượng sản phẩm do các đơn vị thu mua đề ra.

Đối với sơ chế, bảo quản cà phê sau thu hoạch

Cuối mỗi ngày thu hoạch phải vận chuyển quả ngay về nơi sơ chế, chế biến. Không lưu giữ quả tươi cà phê để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Nếu vận chuyển hay chế biến không kịp thời thì bảo quản cà phê quả trên nền xi măng, nền gạch, khô ráo thoáng mát, đổ thành từng đống nhỏ, có độ dày không quá 40cm, thường xuyên được cào đảo và che mưa. Bao bì đựng cà phê quả và phương tiện vận chuyển phải sạch, không nhiễm phân bón, hoá chất hoặc bùn đất, … Trong quá trình vận chuyển tránh làm rách bao và rơi vãi sản phẩm.

Áp dụng các phương pháp sơ chế, chế biến (khô, bán khô hoặc ướt) phù hợp đối với từng chủng loại cà phê và phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Cà phê quả, cà phê thóc, cà phê nhân sau khi được phơi, sấy khô đạt ẩm độ 12-13% sẽ được đựng trong các bao chuyên dùng và cất giữ, bảo quản trong nhà kho sạch, khô ráo, thông thoáng.

Đối với chăm sóc vườn cây cà phê giai đoạn sau thu hoạch: Sau khi thu hoạch cây cà phê cần thời gian để phục hồi và tập trung dinh dưỡng cho quá trình phân hóa mầm hoa do đó cần tập trung áp dụng các biện pháp chăm sóc như sau:

- Cắt, tỉa cành và vệ sinh vườn: Sau thu hoach, tiến hành cắt tỉa cành, tạo lại tán cho cây cà phê. Việc tỉa cành, tạo tán cần tiến hành nhanh, đúng kỹ thuật (cắt tỉa bỏ các cành già cỗi, cành vô hiệu, cành bị sâu bệnh hại, cành mọc trong tán bị che không nhận được ánh sáng mặt trời, ....), không để cành bị xước, dập; xác định vị trí cắt tỉa hợp lý để cây có được bộ tán cân đối, tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Sau khi cắt tỉa tiến hành thu gom cành, nhánh và vệ sinh vườn sạch sẽ.

- Tưới nước: Sau thu hoạch là giai đoạn mùa khô cây cà phê cần nước, vì vậy cần xác định đúng thời điểm, lượng nước, chu kỳ và phương pháp tưới phù hợp để đảm bảo cho cây nở hoa đồng loạt và đạt năng suất cao cho vụ tiếp theo. Khi thấy đất đã khô (ẩm độ đất khoảng 27%), lá cà phê có biểu hiện héo rũ xuống, mầm hoa đã phân hóa to (mỏ sẻ) thì mới tiến hành tưới nước với lượng là 400-500 lít/gốc, chu kỳ tưới 25-30 ngày/lần và tưới 2-4 lần trong mùa khô tùy theo điều kiện thời tiết từng vùng. Nếu thời điểm này gặp mưa mà lượng nước còn thiếu thì cần phải tưới bổ sung đủ lượng nước cho cây.

- Bón phân: Sau khi thu hoạch cần phải cung cấp dinh dưỡng để giúp cho cây phục hồi và phân hóa mầm hoa bằng các loại phân thích hợp:

+ Phân vô cơ (hóa học): Cần chọn lựa các loại phân bón chuyên dùng, tan nhanh và có hàm lượng đạm cao như NPK 20-5-5, NPK 20-10-10, NPK 16-16-8, Ure, SA, … để bón bổ sung cho cây cà phê trong giai đoạn mùa khô (nên kết hợp bón phân vào đợt tưới thứ 2). Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại phân bón lá có hàm lượng Bo cao và các nguyên tố trung vi lượng khác để tăng cường khả năng phân hóa mầm hoa, tăng sức sống của hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu quả và chống rụng quả.

+ Phân hữu cơ: Cần bổ sung phân hữu cơ cho vườn cây bằng các loại phân chuồng 20-30 tấn/ha chu kỳ 2 năm bón 1 lần hoặc phân hữu cơ vi sinh 2-3 kg/gốc chu kỳ 1 năm bón 1 lần.

+ Những vườn cà phê có pH thấp (pH < 4,5) cần bón bổ sung vôi với lượng 1,0-1,5 tấn/ha, chu kỳ 2 năm bón 1 lần. 

- Phòng trừ dịch hại: Thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý các đối tượng dịch hại trong giai đoạn mùa khô. Chú ý các đối tượng dịch hại như: bệnh rỉ sắt, bệnh khô cành, bệnh đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vảy, bọ xít muỗi, … Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ cần tuân thủ theo quy tắc 4 đúng.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất như hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp châm phân tự động (tưới nhỏ giọt, phun mưa tại gốc), các phương pháp chế biến bán khô, ướt, … để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Vy Thế Vũ

Các tin khác