Thống kê truy cập

4599841
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
411
17468
94800
4599841

Bệnh do virus gây hại cây chanh dây và biện pháp phòng trừ

Chanh dây (Passiflora edulis) là loại cây ăn quả nhiệt đới, thân leo, thuộc chi Passiflora, họ Passifloraceae, quả được dùng để ăn tươi hoặc chế biến nước ép. Hiện nay, chanh dây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Châu Phi, Châu Mỹ, Australia, New Zealand và Châu Á trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, chanh dây được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên diện tích chanh dây phát triển chưa tập trung, biến động hàng năm do phụ thuộc chủ yếu vào giá cả và thị trường tiêu thụ. Năm 2020, diện tích canh tác chanh dây trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.275 ha, năng suất trung bình 399 tạ/ha và sản lượng ước đạt 48.726 tấn; được trồng chủ yếu tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm và Đam Rông. Giống chanh dây trồng phổ biến là giống Đài Nông 1 được nhập khẩu từ Đài Loan.

Trong những năm vừa qua việc canh tác chanh dây của nông dân gặp ít nhiều khó khăn do sự gây hại của các đối tượng sâu bệnh như bọ trĩ, nhện đỏ, ruồi đục trái, rệp các loại, bệnh virus, đốm nâu, thối trái, thối rễ, đốm mốc xám, … Trong các loại bệnh gây hại cây chanh dây thì bệnh do virus gây ra là dịch hại nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất; bệnh thường không làm chết cây nhưng cây bị bệnh phát triển kém, trái ít, rụng nhiều, tỷ lệ trái cho thu hoạch thấp; bệnh virus có thể xuất hiện ngay khi cây còn nhỏ (2 - 4 tháng tuổi) hoặc khi cây đã cho thu hoạch. Hiện nay, đã phát hiện được 5 loài virus gây hại trên cây chanh dây với các triệu chứng đặc trưng:

- Cucumber mosaic virus (CMV): lá bị khảm vàng, gây vết đốm trên lá và trên quả.

- East Asian Passiflora virus (EAPV): lá bị khảm vàng, quăn queo biến dạng, quả cũng bị méo mó biến dạng. Virus EAPV có 2 chủng:

+ Chủng IB gây triệu chứng quả biến dạng nhưng không hóa gỗ;

+ Chủng AO gây triệu chứng quả biến dạng, hóa gỗ, dễ nhầm lẫn với bệnh virus gây hóa gỗ Passionfruit Woodiness virus (PWV).

- Euphorbia leaf curl virus (EuLCV): lá vàng, lốm đốm, các lá non hơi cong.

- Papaya leaf curl Guangdong virus (PaLCuGDV): lá xoăn, vàng, lốm đốm, các lá non hơi cong.

- Passionfruit Woodiness virus (PWV): lá bị khảm với sự xuất hiện của các đốm vòng, quả có hiện tượng bị hóa gỗ hoặc hóa bần, vỏ dày và cứng.

  

  

Hình: Triệu chứng virus gây hại trên lá, đọt non và trái chanh dây

Các loài virus gây hại chanh dây lây nhiễm chủ yếu qua đường nhân giống vô tính (giâm, chiết, ghép cành từ các cây bị bệnh), dụng cụ cắt tỉa khi nhân giống hoặc trong quá trình canh tác, côn trùng môi giới truyền bệnh như rệp muội  Myzus persicae, Aphis gossypii, Aphis fabae và bọ phấn Bemisia tabacii. Riêng virus Cucumber mosaic virus (CMV) có thể lan truyền qua hạt giống.

- Cucumber mosaic virus (CMV): Do rệp muội (rầy mềm) truyền virus gây bệnh, phổ biến là các loài: Myzus persicae, Aphis fabae, Aphis craccivora,… (truyền không bền vững, có thể truyền qua hạt giống). Cây ký chủ gồm ớt, dưa chuột, cà rốt, thuốc lá, đậu tương, cà chua, khoai tây, chanh leo, …

- East Asian Passiflora virus (EAPV): Do rệp muội truyền virus gây bệnh phổ biến là các loài: Aphis gossypii, Hyperomyzus lactucae, Myzus persicae truyền bệnh (truyền không bền vững). Cây ký chủ là chanh leo.

- Euphorbia leaf curl virus (EuLCV): Do bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) truyền virus gây bệnh (truyền bền vững). Cây ký chủ gồm đu đủ, trạng nguyên, thuốc lá, chanh leo.

- Papaya leaf curl Guangdong virus (PaLCuGDV): Do bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) truyền virus gây bệnh (truyền bền vững). Cây ký chủ gồm đu đủ, thuốc lá, chanh leo.

Đến nay, vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu và thuốc hóa học đặc trị bệnh do virus gây ra. Vì vậy, để hạn chế sự gây hại và lây lan của bệnh do virus gây ra trên cây chanh dây, cần lưu ý áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

Sử dụng giống sạch bệnh

- Không nhập khẩu hạt, cây giống chanh dây bị nhiễm bệnh virus.

- Sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.

- Không nhân giống (giâm, chiết, ghép) những cây có triệu chứng bệnh và những khu vực đã nhiễm bệnh.

- Không vận chuyển giống ở vùng bị nhiễm bệnh sang vùng chưa bị bệnh.

- Bảo vệ cây con (cây giống) không bị côn trùng môi giới xâm nhập truyền bệnh virus bằng lưới chuyên dụng hoặc trồng trong nhà lưới chống côn trùng.

Biện pháp canh tác

- Đất trồng: Chọn đất tơi xốp, giàu chất hữu cơ như đất cát pha thịt nhẹ, đất đỏ Bazan, độ pH thích hợp 6.5 - 7.0, nếu đất chua thì cần phải tăng cường bón vôi.

- Không trồng luân canh, xen canh chanh dây với các cây họ cà như cà tím, ớt, khoai tây, thuốc lá, dưa chuột.

- Bón phân hữu cơ đầy đủ, bón phân NPK cân đối (không bón quá nhiều đạm), bón bổ sung phân trung, vi lượng như Si, Mg, Cu, Fe, Ca, … để tăng sức đề kháng cho cây.

- Thường xuyên kiểm tra vườn nếu phát hiện cây bị bệnh phải nhổ bỏ và tiêu hủy kịp thời để tránh lây lan.

- Khử trùng dụng cụ (dao, kéo) khi ghép cây hoặc cắt tỉa cành, nhánh.

Phòng trừ môi giới truyền bệnh

- Đặt bẫy dính màu vàng để thu hút và tiêu diệt con trưởng thành của côn trùng chích hút hoặc treo giấy bạc trên ngọn cây chanh dây để tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng chích hút.

- Phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh (rệp, bọ phấn trắng) bằng những hoạt chất thuốc BVTV có cơ chế nội hấp hoặc lưu dẫn trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì như: Emamectin benzoate (Map Winner 5WG), Dinotefuran (Oshin 20WP), Thiamethoxam (Actara 25WG), Citrus oil (MAP Green 10AS), Oxymatrine (Vimatrine 0.6SL),…

Vy Thế Vũ