Thống kê truy cập

3455706
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2342
15952
107205
3455706

Phòng trừ tuyến trùng gây hại cà phê trong vườn ươm

1. Triệu chứng gây hại cây cà phê của tuyến trùng trong vườn ươm

Triệu chứng đầu tiên là cây chậm phát triển, lá vàng dần sau đó bị rụng, thời gian diễn biến bệnh tùy thuộc vào mật độ của quần thể tuyến trùng gây hại, đỉnh sinh trưởng của cây chậm tăng trưởng, cây thấp lùn còi cọc, bón phân cây không có biểu hiện ăn phân. Bộ rễ tơ gần mặt đất phát triển mạnh, ở đầu rễ tơ bị u sưng hoặc thối từng đoạn. Trường hợp bị nặng thì rễ cọc và rễ ngang bị thể u sưng với kích thước lớn hoặc bị thối đen. Việc chẩn đoán bệnh khó khăn vì có thể lầm với các bệnh thối rễ hay chăm sóc kém hoặc thiếu dinh dưỡng. 

Vườn ươm cà phê bị nhiễm tuyến trùng gây hại

Vườn ươm cà phê không bị tuyến trùng gây hại

Triệu chứng cây và bộ rễ bị tuyến trùng gây hại

 

Cây và bộ rễ không bị tuyến trùng gây hại

2. Tác nhân và điều kiện gây hại

Có nhiều giống tuyến trùng tấn công và gây hại bộ rễ cây cà phê nhưng chủ yếu là 2 giống chính ­Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp. Tuyến trùng phá hại rễ cây cà phê bằng nhiều cách khác nhau, có loài chỉ phá hoại phần biểu bì của rễ, có loài đục sâu vào trong rễ sống ký sinh trong rễ khiến rễ phản ứng lại tạo nên những khối u sưng có hình dạng bất định làm biến dạng rễ, làm giảm khả năng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng dẫn đến cây cà phê bị suy yếu và chết.

Giống tuyến trùng Pratylenchus sp. sẽ tạo ra các vết thương trên cả rễ tơ và rễ cọc, rễ bị thối, có màu nâu đen.

Giống tuyến trùng Meloidogyne sp. tạo những nốt sưng nhỏ ở rễ, cũng có thể là những vết sưng lớn và dài dọc theo rễ.

                  

Tuyến trùng Pratylenchus và triệu chứng gây hại

Tuyến trùng Meloidogyne và triệu chứng gây hại

Điều kiện phát sinh, gây hại: Sử dụng đất vườn đã canh tác cà phê để làm giá thể ươm cây là điều kiện để tuyến trùng phát sinh và gây hại. Vườn ươm ít được vệ sinh, chăm sóc kém, ẩm ướt, thoát nước kém thường bị gây hại nặng.

3. Biện pháp phòng trừ

 - Không sử dụng đất có nguồn tuyến trùng hoặc lấy đất trên vườn đã canh tác cây cà phê lâu năm để làm bầu ươm ươm cây. Đối với những vườn ươm đã sản xuất cây giống cà phê nhiều năm (> 2 năm) cần xử lý thuốc trừ tuyến trùng trong đất tại khu vực ươm cây giống.

- Đất trước khi vô bầu, trong quá trình ươm cây hoặc trước khi xuất vườn phải được xử lý tuyến trùng bằng các loại thuốc đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép dụng tại Việt Nam như: Tinh dầu quế (Tiêu Tuyến Trùng 18EC); Abamectin (Tervigo 020SC); Abamectin + Thiamethoxam (Solvigo 108SC); Chitosan (Tramy 2SL, Kaido 50SL); Clinoptilolite (Map logic 90WP); Paecilomyces (Palila 500WP); Rotenone + Saponin (Ritenon 150BR, Sitto-nin 15BR); Cytokinin (Zeatin, Geno 2005 2SL), … để đảm bảo chất lượng cây giống trước khi xuất vườn. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo quy tắc 4 đúng và hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Thiết kế vườn ươm thoát nước tốt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

- Kiểm tra vườn ươm thường xuyên để phát hiện sớm cây bị bệnh và xử lý kịp thời. Trường hợp cây bị tuyến trùng gây hại cách ly lô giống bị bệnh để xử lý thuốc trừ tuyến trùng, nếu cây bị gây hại nặng cần phải tiêu hủy.

Vy Thế Vũ