Thống kê truy cập

3557088
Trong ngày
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
334
334
96733
3557088

Bệnh chết nhanh chết chậm gây hại cây tiêu tại Lâm Đồng

Tiêu là cây khó trồng, khó chăm sóc mẫn cảm với các loại bệnh chết nhanh, chết chậm, việc canh tác ở điều kiện đất đai không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng cây tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Trong những năm vừa qua ngành Nông nghiệp Lâm Đồng không khuyến khích mở rộng diện tích cây tiêu, chỉ hướng dẫn nông dân tập trung áp dụng kỹ thuật thâm canh trên diện tích tiêu hiện có nhằm tăng năng suất, chất lượng tiêu. Tuy nhiên tại một số thời điểm giá tiêu tăng cao nông dân các địa phương lại phát triển mạnh cây tiêu trồng xen trên các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả đưa diện tích tiêu toàn tỉnh hiện nay tăng lên 2.210ha trong đó diện tích kinh doanh 1.852ha.

  

Hình ảnh: Bệnh chết nhanh và chết chậm hại tiêu tại huyện Đức Trọng

Bệnh chết nhanh, chết chậm đã xuất hiện và gây hại rải rác ở hầu hết các địa phương trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, diện tích nhiễm bệnh từ 29,2 – 50ha/năm (chiếm 1,3 – 2,2% diện tích canh tác), tỷ lệ hại từ 7,3 – 21,6%. Tuy diện tích gây hại không lớn nhưng bệnh có đặc điểm lây lan rất nhanh khi phát hiện triệu chứng áp dụng các biện pháp quản lý ít mang lại hiệu quả. Do vậy để phát triển cây tiêu bền vững, hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại cho sản xuất, Chi cục Trồng trọt & BVTV khuyến cáo các địa phương thực hiện tốt các giải pháp:

- Rà soát, đánh giá tình hình phát triển cây tiêu trên địa bàn. Đối với các diện tích tiêu trồng trên trên các chân đất không phù hợp, đất thịt thoát nước kém, bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm cần hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác, không duy trì và mở rộng diện tích.

- Các khu vực trồng tiêu phù hợp nhưng nông dân chưa quản lý được bệnh chết nhanh chết chậm cần tăng cường tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm ngay từ khi trồng mới như thiết kế vườn tiêu phải có hệ thống thoát nước, sử dụng giống chống chịu bệnh như tiêu Trung lá lớn, tiêu Trung lá vừa; tiêu sẻ lá lớn. Hom giống khi trồng phải đảm bảo sạch bệnh. Trồng cây trụ sống như keo dậu, bông gòn, muồng để thay thế trụ bê tông hoặc trụ gỗ.

Ngoài ra cần bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ; các chế phẩm sinh học cải tạo đất, vệ sinh thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh kịp thời, phòng trừ bằng các loại thuốc BVTV đã được khuyến cáo trong danh mục được phép sử dụng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.

+ Đối với bệnh chết nhanh: Phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin + Difenoconazole, Dimethomorph, Phosphorous acid,... liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì.

+ Đối với bệnh chết chậm:  Kết hợp phòng trừ tuyến trùng bằng thuốc chứa hoạt chất Ethoprophos, Carbosulfan, Clinoptilolite và phòng trừ nấm gây bệnh bằng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Dimethomorph, Chlorothalonil + Mandipropamid, Copper Hydroxide, Cuprous oxide + Dimethomorph... Xử lý vào đầu hoặc giữa mùa mưa, liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì.

Sau xử lý thuốc bảo vệ thực vật 7 ngày xử lý kích thích ra rễ bằng một trong các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón có khả năng kích thích ra rễ hoặc phân hữu cơ sinh học khuyến cáo sử dụng cho cây tiêu.

Phan Thị Nhung